Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bí thư Chi bộ người dân tộc tìm hướng làm giàu bằng du lịch

Ngọc Phó

Thứ năm, 25/11/2021 - 15:30

(Thanh tra) - Ông Đinh Văn Như (trú thôn Giàn Bí, Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được biết đến là người đồng bào dân tộc thiểu số làm Bí thư Chi bộ của thôn nhiều năm qua. Không chỉ vậy, ông còn ấp ủ ước mơ làm giàu cho người dân ngay trên mảnh đất của mình. Ông tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và khởi nghiệp bằng con đường phát triển du lịch sinh thái tại quê nhà…

Ông Đinh Văn Như giới thiệu các sản phẩm làng nghề người Cà Tu ở Tà Lang. Ảnh: N.P

Thôn Tà Lang và Giàn Bí nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng hơn 40km về phía Tây Bắc, là vùng đồi núi mát mẻ nối giữa Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa (Đà Nẵng) trên đại ngàn dãy Trường Sơn.

2 thôn có hơn 280 hộ dân với 901 người thuộc đồng bào dân tộc Cà Tu. Cuộc sống của họ bao đời nay chỉ dựa vào đồi núi khô cằn, quanh năm dãi nắng dầm mưa trên những vạt ruộng lúa ngô khoai giữa rừng già để lo đủ cái ăn chứ chưa dám ước nguyện làm giàu.

Ông Như nhận thức, người đảng viên phải dám nghĩ, dám làm; phải biết tận dụng ưu đãi của thiên nhiên và cái nết chịu thương, chịu khó, mộc mạc, chân tình của người Cơ Tu để tìm cách thoát đói, giảm nghèo...

Qua đọc sách báo, học hỏi kinh nghiệm; lại được những người am hiểu về du lịch tư vấn về loại hình du lịch “homestay”; ông Như gom góp và vay mượn 600 triệu đồng đầu tư làm du lịch sinh thái cộng đồng.

Ông Như cho rằng, loại hình du lịch này sẽ bảo tồn và phát triển được nét văn hóa bản địa của người Cà Tu. Du khách đến đây sẽ trải nghiệm “3 cùng” với đồng bào là cùng ăn, ngủ và sinh hoạt với người dân. Cạnh đó, các làng nghề truyền thống sẽ hồi sinh, cồng chiêng sẽ vang lên cùng các điệu múa Cơ Tu rộn rã giữa núi rừng, làm đắm say lòng du khách…

Con sông Cu Đê hiền hoà, nước xanh ngắt là điểm nhấn của núi rừng Hòa Bắc nếu phát triển du lịch. Từ Tà Lang, Giàn Bí, du khách có thể ngược nhánh sông Bắc qua các địa danh hố Bột, hố Giếng, lỗ cối Thượng, lỗ cối Hạ, thác Xếp, thác Rễ, Nà Mùn, khe Giao, Vườn Mít… rồi đến khe Đương với những thác, hồ kỳ thú giữa rừng nguyên sinh. Khách còn có thể vượt đèo Mũi Trâu leo núi trải nghiệm đỉnh Bạch Mã và núi Chúa Bà Nà giữa mây phủ mờ giăng…

Dãy nhà “homestay” đủ chỗ đón hơn 100 du khách. Ảnh: N.P

Mô hình du lịch trên được triển khai thử nghiệm từ cuối năm 2017. Để tạo điều kiện phát triển, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định thành lập Dự án (DA) Hỗ trợ phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng xã Hòa Bắc. Từ giũa năm 2019, DA được triển khai sửa chữa, trùng tu lại các nhà Gươnl ở Tà Lang, Giàn Bí; xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào.

UBND huyện đã hợp đồng với các nghệ nhân Cơ Tu của huyện Đông Giang (Quảng Nam) để phục hồi công trình theo đúng nguyên mẫu từ vật liệu truyền thống.

Công ty Dịch vụ Phát triển Du lịch cộng đồng TP HCM nhận tư vấn từ việc xây dựng, thiết kế các sản phẩm và kết nối, hỗ trợ về nguồn khách về du lịch ở Hòa Bắc.

Đến đầu tháng 10/2019, DA chính thức đi vào hoạt động với sự điều hành của Tổ Du lịch cộng đồng gồm gần 50 thành viên là những thanh niên, người có uy tín, các nghệ nhân Cơ Tu có kiến thức, kỹ năng giới thiệu các sản phẩm du lịch cộng đồng… Riêng dãy homestay được cách điệu từ ngôi nhà Cơ Tu đủ chỗ nghỉ ngơi cùng lúc cho hơn 100 du khách.

Bí thư Đinh Văn Như khoe rằng, cứ vào dịp Tết Nguyên đán hay các dịp lễ, kỷ niệm, mỗi ngày có cả trăm người lên tham quan nơi đây.

Cũng theo ông Như, trong kế hoạch của mô hình, bà con Cơ Tu sẽ làm trang trại nuôi heo, nuôi gà thủ công, trồng rau sạch để cung cấp thực phẩm phục vụ du khách. Ông đến từng gia đình vận động bà con triển khai trồng các loại cây ăn quả như mít, cam, ổi… phủ xanh đất hoang hóa. Sắp tới sẽ quy hoạch lại diện tích đất để lập các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

“Người ta tìm lên núi rừng này tham quan và không thèm tôm cá, thịt, rau có sẵn ở đồng bằng, mà phải có bằng được con heo, con gà, mớ rau, con cá ở chính núi rừng, sông suối này mới đúng chất du lịch dân dã… Đây là bài toán đặt ra với người Cơ Tu ở Tà Lang, Giàn Bí” - ông Như nói.

Lòng sông Cu Đê qua thôn Giàn Bí trở thành hồ chứa phục vụ du lịch cộng đồng sinh thái ở Hòa Bắc. Ảnh: N.P

Từ khi phát triển du lịch sinh thái, bà con đã bán được nhiều sản phẩm, tuy giá cả còn phải xem xét lại cho phù hợp với ngày công lao động, nhưng cũng đã có thu nhập. Tổ hợp tác làng nghề như dệt thổ cẩm, đan mây tre, điêu khắc tượng gỗ…đi vào hoạt động và cơ bản ổn định. Các tổ hướng dẫn viên du lịch, biểu diễn văn nghệ, chế biến ẩm thực cũng hoạt động bài bản, sẵn sàng phục vụ khi có du khách.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, DA Nhà máy Nước Hòa Liên đã tiến hành thi công. Theo thiết kế, đập ngăn nước cho nhà máy sẽ triển khai trên thượng nguồn sông Cu Đê, tại thôn Nam Yên, Hòa Bắc. Như vậy, đoạn sông chảy qua thôn Giàn Bí, Tà Lang sẽ trở thành lòng hồ chứa nước; sẽ có thêm tiềm năng mới, đó là phát triển du lịch lòng hồ, nuôi trồng thủy sản dưới hồ…

Hơn một năm qua, dich bệnh Covid-19 hoành hành dữ đội, đã tác động mạnh đến mô hình du lịch ở Hoà Bắc; nhưng ông Như và Tổ Du lịch cộng đồng vẫn không nản chí, hy vọng sẽ sớm phục hồi hoạt động du lịch nơi đây.

Nhận xét về mô hình du lịch cộng đồng sinh thái ở Tà Lang, Giàn Bí, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Bắc Hồ Phú Thanh nói: “Hiệu quả mô hình du lịch của Bí thư Chi bộ Đinh Văn Như bước đầu đã thể hiện rõ nét. Từ đây, thôn Nam Yên đã đầu tư phát triển một cơ sở du lịch mới, còn thôn Giàn Bí đang triển khai. Xã đã thành lập Tổ Du lịch cộng đồng giao ông Như quản lý, điều hành; xây dựng chương trình tour du lịch và hướng dẫn tham quan…”.

Ông Thanh nói thêm, đây chính là một mô hình xây dựng nông thôn mới ở vùng đất xa xôi, khó khăn nhất của TP Đà Nẵng. Cứ nhìn vào việc ông Như đã làm, rồi ý tưởng, kế hoạch của mô hình, bà con Cơ Tu nơi đây sẽ hưởng lợi từ chính thành quả lao động của mình; rừng sẽ được bảo tồn, môi trường sinh thái được bảo vệ. Xây dựng nông thôn mới chính là việc đã làm ở Tà Lang, Giàn Bí với mục đích nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé

Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé

(Thanh tra) - Vừa qua, tại Thái Bình, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé” cho hơn 300 phụ nữ tỉnh Thái Bình. Đây là hoạt động nằm trong chương trình kết hợp dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà Vinamilk đang thực hiện.

Uyên Phương

16:56 25/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm