Hàng trăm trường hợp sử dụng trái mục đích

UBND TP Hà Nội vừa ban hành chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025".

Chuyên đề nhằm triển khai Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025".

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã có 12.659 căn hộ nhà ở xã hội tại 23 dự án được xét duyệt bán, cho thuê, tương đương khoảng hơn 1,2 triệu mét vuông sàn nhà ở.

Đánh giá về thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, UBND TP Hà Nội cho biết, việc xét duyệt cơ bản được thực hiện đúng trình tự, thủ tục.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích.

Điển hình, việc cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích tại dự án 30 Phạm Văn Đồng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy).

Ngoài ra, còn có trường hợp, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng. Đơn cử, dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp...

Để xảy ra những vi phạm trên, theo UBND TP Hà Nội, có nguyên nhân do các chủ đầu tư dự án, UBND các quận, huyện - nơi có nhà ở xã hội và các bên liên quan chưa thực hiện tốt việc giám sát sử dụng nhà ở xã hội; chưa quan tâm đến việc kiểm tra, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng nhà ở chung cư theo quy định...

Đẩy mạnh quản lý, sử dụng nhà ở xã hội

Nhằm đẩy mạnh quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn TP, UBND TP Hà Nội xác định 5 giải pháp cụ thể. Trong đó, tăng cường giám sát khi xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã với Sở Xây dựng nhằm kiểm tra danh sách các đối tượng được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Ngoài ra, tăng cường giám sát sử dụng nhà ở xã hội. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội và các chủ đầu tư nhà ở xã hội thực hiện đúng, đầy đủ nội dung quy định về giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Công an TP chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội thông qua quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng để theo dõi những hộ, nhân khẩu đang cư trú thực tế; nắm bắt việc thay đổi nhân khẩu, hộ gia đình và xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Một giải pháp mà TP cũng đẩy mạnh thực hiện là tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo hành, bảo trì nhà ở xã hội theo quy định.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng nhà ở xã hội thông qua hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh lao động tại các công trình đang thi công.

Các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã căn cứ triển khai chuyên đề lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy...

Thanh tra diện rộng quỹ đất nhà ở xã hội trong năm 2022

Theo kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Xây dựng, Bộ sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng đối với  11 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn.

Đáng chú ý, những nội dung được đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2022 là những nội dung khá “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó, có nội dung liên quan đến quỹ đất xây nhà ở xã hội, nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì diện tích sở hữu chung nhà chung cư.

Hải Hà