Luật chồng chéo DA “bất động”

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho biết, các quy định pháp luật chồng chéo và cách hiểu máy móc về luật của cơ quan thực thi đang khiến nhiều doanh nghiệp BĐS đối diện nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản vì bị chôn vốn không thể triển khai dự án (DA).

Ông Châu dẫn chứng, 9 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh tiếp tục bị sụt giảm khi chỉ có 1 DA nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; chỉ có 12 DA được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 DA được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.

Đồng thời, chỉ có 32 DA nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng DA và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018.

Tại tọa đàm “Xung đột pháp lý trong đầu tư xây dựng”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đưa ra nhật định, một DA BĐS hiện nay bị chi phối bởi hệ thống luật chồng chéo, xung đột lẫn nhau, bao gồm Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…

Lấy ví dụ về thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cả hai luật Luật Đầu tư và Luật Nhà ở đều có những tiêu chí phân chia DA đầu tư, nhưng đa số đều có sự trùng lặp hoặc chồng chéo lên nhau dẫn đến việc các cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư không xác định được phải áp dụng theo luật nào là đúng.

Chưa kể, một số địa phương chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư một lần, trong khi một số địa phương khác vẫn yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện quy trình thủ tục hai lần, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất trên toàn quốc. Hay nhiều địa phương thực hiện thủ tục xác định nhu cầu sử dụng đất và thủ tục điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Một số địa phương khác lại thực hiện cùng lúc với thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể hồ sơ, trình tự thực hiện gây khó khăn, lúng túng cho nhà đầu tư cũng như cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),  chỉ ra các xung đột về thời điểm thẩm định nhu cầu sử dụng đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư; trùng lặp về phê duyệt quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư giữa Luật Đầu tư và Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở; không thống nhất về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư giữa Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đất đai…

Trên thực tế, ông Tuấn cho biết, hiện nay, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành.

Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa DA vào vận hành khai thác. Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Giá căn hộ tăng “chóng mặt”

Chính sự thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá căn hộ chung cư ở TP Hồ Chí Minh cả mới lẫn cũ tăng vọt. Đặc biệt, nhiều DA căn hộ tầm trung đã tiệm cận mức giá cao cấp khiến người thu nhập thấp và trung bình ngày càng khó có thể mua được nhà.

Chị Thủy, người mới được bàn giao căn hộ chung cư D-Vela trên đường Huỳnh Tấn Phát quận 7 cho hay, giá căn hộ này chị mua từ chủ đầu tư cuối năm 2018 với giá gốc 1,7 tỉ đồng, tức khoảng 25 triệu đồng/m2, tuy nhiên, hiện nay những căn tương tự đang được giao dịch trong khoảng 2,2 - 2,3 tỷ đồng/căn.

Khảo sát giá tại chung cư Valeo Đầm Sen (quận Tân Phú), phóng viên không khỏi ngỡ ngàng, căn hộ được bàn giao gần 2 năm nhưng giá vẫn “chóng mặt”, tới 50 - 70% giá chủ đầu tư bán ra. Một căn hộ diện tích 90m2 với 3 phòng ngủ có giá ban đầu khoảng 2,1 tỉ đồng nay lên 3,2 - 3,3 tỉ đồng, tức tăng tới hơn 13 triệu đồng/m2. Những căn nhỏ hơn, diện tích 75 -85m2 cũng có giá rất cao, dao động từ 2,7 - 2,9 tỉ đồng/căn.

Hiện tượng này rất ít xảy ra ở những năm trước, vì thông thường giá căn hộ chỉ tăng từ khi đặt cọc đến lúc giao nhà, sau đó chững lại, thậm chí giảm dần theo năm sử dụng.

DA De Capella (đường Lương Định Của, quận 2), cạnh khu đô thị mới Thủ Thiêm, vừa bàn giao giá cũng đã tăng mạnh dù chưa có tiện ích gì. Anh Hùng, một cư dân vừa dọn vào ở căn hộ 75m2 tại đây cho biết, căn hộ này anh mua 2 tỉ đồng nhưng gần đây các nhân viên môi giới báo có nhiều khách muốn mua giá 3,8 - 3,9 tỉ đồng.

Ngay cả những DA thuộc địa phận tỉnh Bình Dương nhưng giáp ranh TP Hồ Chí Minh cũng tăng giá mạnh dịp cuối năm. Như khu Him Lam Phú Đông nằm ngay khu vực giáp ranh thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh sát mặt tiền đại lộ Phạm Văn Đồng, đang được giao dịch ở mức giá gấp đôi giá bán ban đầu của chủ đầu tư. Chị Hương, chủ căn hộ 65m2 tại đây, lúc mua chỉ hơn 1,2 tỉ đồng, gần đây, rất nhiều người hỏi mua với giá 2,3 - 2,4 tỉ đồng.

Tổng Giám đốc một công ty chuyên môi giới BĐS cho biết, ngay cả những DA đủ điều kiện vừa mở bán gần đây cũng bị đẩy giá lên cao hơn so dự tính ban đầu đến 20%. Đa phần các DA mới được chào bán ra thị trường là các căn hộ trung cao cấp, có giá trên 30 triệu đồng/m2. Nguyên nhân là do chủ đầu tư nắm bắt được cung cầu thị trường nên chủ động "ăn theo”.

HoREA vừa gửi văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế xử lý các vướng mắc trên, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, nghiêm minh của công tác thực thi pháp luật, trong đó có pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS.

Nghiêm Lan