Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quyết liệt cổ phần hóa doanh nghiệp lâm nghiệp

Thứ ba, 14/05/2013 - 07:42

(Thanh tra)- Hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) nông lâm nghiệp Nhà nước hình thành sau sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh ít chuyển biến. Vì vậy, cần quyết liệt cổ phần hóa các DN này để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh.

Đất rừng cần được DN quản lý và sử dụng hiệu quả. Ảnh: Hữu Oanh

Theo thống kê của Ban Đổi mới và Quản lý DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 loại hình công ty nông nghiệp và lâm nghiệp hiện nắm giữ 483.588ha đất sản xuất nông nghiệp; hơn 1,5 triệu ha đất lâm nghiệp và gần 140.900ha đất phi nông nghiệp.

Tổng hợp của Bộ Tài chính cho thấy, tổng doanh thu của các DN nông lâm nghiệp năm 2011 đạt hơn 37.211 tỷ đồng, lợi nhuận đạt  hơn 12,416 tỷ đồng và nộp ngân sách hơn 3.840 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động là 3,08 triệu đồng/ tháng. 6 tháng đầu năm 2012, các con số tương ứng là hơn 15.084 tỷ đồng; hơn 3.783 tỷ đồng; gần 1.699 tỷ đồng và 2,91 triệu đồng/người/tháng.

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đánh giá: Các DN hình thành sau sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh tồn tại hàng loạt vấn đề như: Tranh chấp đất diễn ra phổ biến, ranh giới giữa rừng phòng hộ, rừng đặc rụng và rừng sản xuất chưa rõ ràng, chưa được rà soát cụ thể trên thực địa. Người dân (khu vực Tây Nguyên) di cư tự do và đồng bào chiếm đất làm nương rẫy, tự động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng lấy đất nuôi thủy sản... diễn ra phổ biến gây khó khăn trong quản lý đất đai và phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, hiệu quả việc sử dụng cũng chưa đạt cao khi diện tích đất không có đầu tư, đất cho thuê mượn và đất bỏ không khá lớn. "Những vấn đề này khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của DN nông lâm nghiệp Nhà nước hình thành sau sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh chưa có chuyển biến rõ nét", chuyên gia Vũ Duy Hưng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, những DN có nhiệm vụ công là chính (quốc phòng, an ninh, bảo tồn sinh học...) thì chuyển thành đơn vị sự nghiệp được Nhà nước bảo đảm kinh phí, nhân lực và trao đủ quyền hạn để hoạt động và từng bước xã hội hóa các nhiệm vụ công ích như khoán, cho thuê, thầu bảo vệ rừng... Đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa chủ sở hữu chủ yếu là cổ phần hóa đối với loại hình DN kinh doanh thuần túy. Các đơn vị này phải thực hiện thuê đất sản xuất và được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Đối với các đơn vị thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán thì Nhà nước cần tiến hành giải thể hoặc cho phá sản.

Cùng với đó, trong năm 2013, Nhà nước cần bố trí ngân sách giúp các DN rà soát đo đạc, cắm mốc giới đất đai trên thực địa. Trên cơ sở đó, các tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị. Đối với diện tích đất các DN đã khoán theo Nghị định 01/CP (năm 1995) và 135/2005/NĐ-CP dưới hình thức khoán trắng không có đầu tư mà người nhận khoán đã trả hết vốn cơ bản thì xem xét thu hồi vốn của DN và làm thủ tục cho người nhận khoán thuê theo quy hoạch sản xuất chung của địa phương và theo quy định của Luật Đất đai. Tiếp đó, hỗ trợ tài chính để DN vùng sâu, vùng xa, đồng bào ít người tiếp cận, ứng dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Nhà nước cấp kinh phí quản lý và bảo vệ thỏa đáng đối với diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng xen kẽ trong lâm phận của DN lâm nghiệp. Với DN kinh doanh rừng trồng phải thực hiện thuê đất và đối xử bình đẳng như các thành phần kinh tế khác, từng bước đa dạng hóa chủ sở hữu tức cổ phần hóa.

"Đối với DN quản lý chủ yếu rừng sản xuất tự nhiên, nếu chất lượng rừng khá, diện tích tập trung thì giao quyền tự chủ cho DN được khai thác trên cơ sở phương án điều chế rừng bền vững. Nhà nước hỗ trợ về hạ tầng, kỹ thuật, cho vay vốn; nếu chất lượng rừng thấp, xen kẽ với rừng phòng hộ thì chuyển thành các ban quản lý rừng (đơn vị sự nghiệp) được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động", ông Hưng kiến nghị.


Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm