Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quản lý đầu tư công kém hiệu quả: Làm gia tăng nhiều hệ quả tiêu cực

Thứ ba, 08/03/2011 - 06:53

(Thanh tra)- Một trong các giải pháp quan trọng được chính phủ đưa ra trong nghị quyết 11 về kiếm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội năm 2011 là thực hiện chính sách tài khóa thật chặt, cắt giảm và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đây được coi là nền tảng căn cơ để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững

Từ ngày 8 - 20/3, Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp  với các bộ, ngành tổ chức các đoàn làm việc, kiểm tra việc rà soát, điều chuyển vốn kế hoạch năm 2011.

Hiệu quả thấp gây bất ổn vĩ mô
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư, đầu tư công hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng hiệu quả không cao, lại đang phân tán trong các ngành kinh tế. Điều này đã khiến tiến độ nhiều dự án (D.A) bị kéo dài, làm tăng chi phí và chậm đưa công trình vào sử dụng, giảm hiệu quả đầu tư. Theo đó, công suất sử dụng công trình thấp hơn dự kiến nhưng chi phí vận hành không giảm. Không ít trường hợp đầu tư để “giữ đất”, đầu cơ và trục lợi. “Đầu tư công quy mô lớn nhưng hiệu quả thấp đang làm mất cân đối vĩ mô và trở nên nghiêm trọng (thâm hụt ngân sách lớn, thâm hụt vãng lai lớn, chênh lệch giữa tiết kiệm trong nước và đầu tư ngày càng lớn, nợ công và nợ nước ngoài tăng lên nhanh chóng…). Đầu tư công với quy mô lớn luôn đồng hành với chính sách tài khóa mở rộng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.

Trong năm 2009 - 2010, để thúc đẩy tăng GDP, khu vực đầu tư công - bao gồm đầu tư ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước đã tăng mạnh, thu hút một khối lượng tín dụng khá lớn, trong đó một phần bội chi ngân sách còn dựa vào tín dụng thương mại. Ngay cả trái phiếu Chính phủ (TPCP) cũng dựa chủ yếu vào ngân hàng thương mại, phần huy động trực tiếp từ công chúng chiếm tỷ trọng nhỏ. Có một thực tế không lành mạnh phát sinh là cả các thành phần kinh tế lẫn ngân sách Nhà nước đều dựa vào nguồn vốn của hệ thống ngân hàng thương mại. Một khối lượng tiền khá lớn được đưa vào khu vực này, nhưng do tiến độ đầu tư kéo dài, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả nên không tạo ra khối lượng tài sản thực tế tương ứng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP.

Điều đáng lo ngại là, nhiều D.A sử dụng nguồn TPCP cũng như các D.A đều mở rộng quy mô khiến nguồn vốn này không kham nổi. Tổng mức đầu tư ban đầu của các D.A, công trình thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2003 - 2010 là 246.447 tỷ đồng, nhưng đến nay đã lên tới 558.654 tỷ đồng (tăng 226%). Có D.A điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 3 - 4 lần, riêng phần vốn TPCP một số D.A điều chỉnh lên tới chục lần. Theo tính toán hệ số ICOR (hệ số suất đầu tư) của nền kinh Việt Nam trong 10 năm qua là 5,2, tức để tăng 1 đồng GDP cần bỏ ra 5,2 đồng vốn. Trong khi đó, hệ số ICOR của nhiều nước như Nhật Bản, Singapore cách đây 3 - 4 thập niên (khi trình độ phát triển thấp tương đương Việt Nam hiện nay) đã dao động trong khoảng 1 - 2 (để tăng 1 đồng GDP chỉ bỏ ra 2 đồng vốn), tức hiệu quả gấp hơn 2 lần Việt Nam. Điều đáng nói, vốn đầu tư toàn nền kinh tế nước ta hiệu quả (5,2) có nguyên nhân do hệ số ICOR của khu vực Nhà nước quá cao (7,8). Tình hình này đã được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn chưa được cải thiện.

Nhu cầu đầu tư công như “chiếc thùng không đáy”, khiến bội chi ngân sách triền miên và ngày một tăng. Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, quản lý đầu tư công kém hiệu quả đã làm gia tăng nhiều hệ quả tiêu cực và kéo dài như: Tăng sức ép lạm phát trong nước; mất cân đối vĩ mô, trong đó có cân đối ngành, sản phẩm, cán cân xuất - nhập khẩu, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và tích lũy, cũng như mất cân đối và gia tăng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, địa phương và bộ phận dân cư trong xã hội; hạn chế sức cạnh tranh và chất lượng phát triển của nền kinh tế trong hội nhập.

Tái cơ cấu, giảm dần đầu tư công
Chính sách tài khóa thắt chặt lần này tính đến việc tái cấu trúc đầu tư và chi tiêu công theo hướng xây dựng một nền tài chính công tích cực và hiệu quả, tránh tình trạng khi tình hình “êm” một chút lại nới lỏng sẽ khiến nền kinh tế lại đi vào luẩn quẩn. Nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn kinh tế vĩ mô tiềm ẩn trong cơ cấu của nền kinh tế, trong đó có cơ cấu thị trường tài chính nói chung và chính sách tài khóa nói riêng. Do vậy, vấn đề đề đặt ra cần xem xét và thực thi một cách nghiêm túc là chính sách tài chính - tiền tệ không chỉ hướng vào các giải pháp tình thế, phục vụ mục tiêu ngắn hạn, mà cần phải lồng ghép và tạo ra sự đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách điều tiết vĩ mô nhằm từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính, cơ cấu đầu tư công, tạo điều kiện để phát triển bền vững, phục hồi niềm tin của nhà đầu tư hướng vào các hoạt động dài hạn.

Theo hướng đó và để thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2011 sẽ cắt giảm 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Riêng đầu tư công, Bô trưởng Bộ Kế hoach và Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc cho biết, theo kế hoạch, tổng đầu tư ngân sách trong năm 2011 khoảng 152.000 tỷ đồng và TPCP 45.000 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 197.000 tỷ đồng. Đối với nguồn đầu tư từ ngân sách chưa đặt vấn đề cắt giảm mà chỉ bố trí, sắp xếp để đầu tư hiệu quả hơn bởi nguồn vốn này chủ yếu  phục vụ các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục, y tế. Đây là những lĩnh vực Chính phủ ưu tiên đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành ưu tiên cho các công trình trọng điểm, những công trình có thể hoàn thành ngay trong năm 2011 hoặc đầu năm 2012 để sớm đưa vào sử dụng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế. 

Hiện, Bộ KH-ĐT đã thành lập 7 đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 11 tại các địa phương và 2 đoàn kiểm tra tại các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước với sự tham gia của Bộ Tài chính và đại diện các địa phương. Từ ngày 8 - 20/3, Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp  với các bộ, ngành tổ chức các đoàn làm việc, kiểm tra việc rà soát, điều chuyển vốn kế hoạch năm 2011. Đến cuối tháng, Bộ KH-ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch năm 2010 và việc rà soát, điều chuyển vốn kế hoạch năm 2011 của các bộ, ngành và địa phương, kiến nghị Thủ tướng thu hồi các khoản bố trí sai mục tiêu, điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác.
     
Việc có các giải pháp quyết liệt để cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả đầu tư công trong năm 2011, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là nền tảng quan trọng của chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế trong trước mắt và trung hạn, tiến đến giảm dần đầu tư công trong dài hạn.

         Minh Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm