Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Phủ sóng” rộng hơn hàng bình ổn

Thứ tư, 19/09/2012 - 13:50

(Thanh tra) - Một trong những biện pháp đóng góp hết sức quan trọng trong bài toán kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế của Chính phủ và có tác động tích cực đến mục tiêu an sinh toàn xã hội chính là Chương trình bình ổn giá. Hoạt động này còn có ý nghĩa to lớn nữa là kết hợp được Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”. Vì vậy, việc duy trì và mở rộng vùng “phủ sóng” của Chương trình cũng là một đòi hỏi tiêu dùng chính đáng.

Chương trình hàng bình ổn còn kết hợp được Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”

Phủ sóng thường xuyên

Theo Bộ Công thương, trong nhiều năm qua, để hạn chế sự tăng giá đột biến trong những dịp lễ Tết, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai khá tốt Chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu. Chương trình đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, số doanh nghiệp (DN) và tổng giá trị hàng hóa tham gia triển khai Chương trình ngày càng tăng và đa dạng.

Đi đầu trong triển khai Chương trình bình ổn giá là TP. Hồ Chí Minh. Từ 2002, với quy mô triển khai chỉ 2 DN dự trữ hàng phục vụ Tết với vốn vay là 45 tỷ đồng, Chương trình bình ổn giá tại đây giờ đây đã tăng lên 20 DN tham gia và với vốn vay là 446 tỷ đồng.

Chương trình bình ổn đã không ngừng được nhân rộng ra ở các địa phương, đến nay, cả nước có 36 tỉnh, thành thực hiện với số vốn vay khoảng 1.650 tỷ đồng, với khoảng 6.400 điểm bán hàng bình ổn về tận nông thôn.

Đặc biệt trong Chương trình bình ổn giá, các địa phương đã kết hợp tốt với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tập trung xúc tiến thương mại nội địa, các mặt hàng trong nước... từ đó góp phần vào thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Ngoài lương thực, thực phẩm dịp Tết, hàng bình ổn nay cũng mở rộng với các mặt hàng thiết yếu như giấy vở, dược phẩm, sữa... và thời gian thực hiện chương trình kéo dài gần hết cả năm.

Giá bán các mặt hàng bình ổn tại hệ thống phân phối của các DN tham gia chương trình được giữ tương đối ổn định và đảm bảo thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5 - 10%. Hai năm liên tiếp, CPI của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều thấp hơn cả nước, điều này đã tạo định hướng rất tốt cho thị trường toàn quốc và các tỉnh lân cận góp phần hạn chế tăng mức giá chung, nhất là trong dịp lễ Tết...

Tuy nhiên, đánh giá hoạt động này vẫn thấy còn vấn đề, vướng mắc tồn tại cần được điều chỉnh trong triển khai thời gian tới. Đó là yêu cầu mở rộng hơn nữa diện “phủ sóng” của Chương trình, các điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là khu vực nông thôn; công tác phối hợp giữa các bên để tạo nguồn hàng ổn định, giá hợp lý hơn; việc hỗ trợ vốn vay mới tập trung cho một bộ phận DN phân phối, chưa mang tính phổ biến và nhất là tới cả các DN sản xuất; việc tổ chức phê duyệt giá bán chưa tốt ở nhiều nơi gây sự hiểu sai về Chương trình, hoặc tạo kẽ hở cho tư thương đầu cơ, hưởng chênh lệch giá...

Nêu cao trách nhiệm xã hội của DN


Ghi nhận những kết quả, tác động tích cực của các Chương trình bình ổn giá thời gian qua, đặc biệt là các kết quả chỉ tiêu về số địa phương, số DN, điểm bán hàng... đều tăng lên, trong đó điều đáng mừng là đã tới được khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ giảm giá duy trì được thường xuyên, đáng kể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Đây là một trong những biện pháp đóng góp hết sức quan trọng trong bài toán kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế của Chính phủ và có tác động tích cực đến mục tiêu an sinh toàn xã hội”.

Tán thành với các phân tích, đề xuất của các địa phương, các DN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới những vấn đề cần tháo gỡ để Chương trình bình ổn giá tiếp tục phát huy tác dụng mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa.

Trong đó, Chương trình cần tập trung đẩy mạnh mở rộng đối tượng DN tham gia; đặc biệt là nâng cao nhận thức của DN, coi trọng lợi ích cộng đồng, trong đó có lợi ích của chính mình, việc bình ổn giá là việc làm thường xuyên và là trách nhiệm xã hội của từng DN.

Phó Thủ tướng mong muốn, thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng là vận động mạnh mẽ tinh thần các DN, xây dựng nền văn hóa, nề nếp kinh doanh coi trọng chữ tín, chung vai chia sẻ với cộng đồng cũng chính là giúp đỡ chính mình, cứu cánh của mình. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thị trường sức mua suy giảm hiện nay.

Mức độ xã hội hóa của Chương trình ngày càng mạnh mẽ. Từ chỗ 100% các DN tham gia chương trình bình ổn nhận vốn vay, đến nay đã có khá nhiều DN tham gia chương trình mà không cần ứng vốn, hoặc tự tăng thêm khá nhiều giá trị hàng hóa đưa vào bình ổn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục tạo điều kiện về mặt chủ trương, cơ chế để các địa phương thực hiện Chương trình bình ổn, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng cơ chế đảm bảo chất lượng hàng hóa, quản lý phân phối hàng hóa, thường xuyên cập nhật, thể chế hóa các Chương trình thành các quy định chặt chẽ.

Trên tinh thần đó, các địa phương hết sức ưu tiên hỗ trợ phát triển hệ thống bán lẻ, các điểm bán hàng bình ổn; kiên định, bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong điều hành quản lý thị trường, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và có chính sách đi kèm nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia Chương trình bình ổn.

Đối với một số đề xuất của địa phương, DN, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương tiếp thu, có hướng giải quyết như vấn đề lập Quỹ bình ổn giá ở địa phương, có biện pháp kiểm soát các mặt hàng “nhạy cảm” như gạo, muối, đường, vật liệu xây dựng...

Thủy Thụy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm