Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều cơ hội khai thác “sân nhà”

Thứ năm, 05/04/2012 - 22:13

(Thanh tra)- Trước những áp lực cạnh tranh ngày một khó khăn của thị trường xuất khẩu, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác lợi thế “sân nhà” đang là hướng đi mới, nhiều triển vọng của doanh nghiệp (DN) phần mềm Việt Nam.

Nhận định về thị trường xuất khẩu phần mềm và dịch vụ năm 2012, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) cho biết, các DN phần mềm đang gặp khó khăn, đặc biệt là các DN không có sự đa dạng về đối tác nước ngoài. Khi đối tác bị khủng hoảng, lập tức Cty sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như, các tập đoàn đa quốc gia lớn ở Bắc Mỹ năm 2011 bị phá sản đã ảnh hưởng rất mạnh đến Việt Nam. Còn các thị trường mới như châu Á và Úc lại không mặn mà với cách thức thực hiện gia công phần mềm truyền thống.

Đại diện nhiều DN phần mềm Việt Nam chia sẻ, điểm mạnh của các DN phần mềm xuất khẩu trong nước là giá thành. Tuy nhiên, hiện các DN Đông Âu đang tăng tốc để chiếm lĩnh thị trường châu Âu nhờ lợi thế về địa lý và gần gũi văn hóa. Còn các DN Trung Quốc giảm giá để giữ khách hàng Nhật Bản, DN Ấn Độ tăng cường hiệu quả với thị trường Mỹ và Anh. Vì vậy, ngay cả trên sân nhà, các DN phần mềm Việt Nam đang bị lấn lướt bởi đối thủ ngoại.

Trong khi đó, nhiều tác động khác như lạm phát tăng cao, chi phí vốn vay cao và khó tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt là cạnh tranh nhân lực gay gắt giữa các DN khiến xuất khẩu phần mềm càng thêm khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc kêu gọi các DN xuất khẩu phần mềm “bảo toàn nhân lực và tăng cường liên kết” để ứng phó với khó khăn, tăng sức cạnh tranh thị trường xuất khẩu, VINASA tiếp tục là tổ chức song hành cùng các DN tập trung khai thác sâu thị trường nội địa.

Việc phát triển thị trường nội địa đối với các DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT nói chung và DN phần mềm Việt Nam nói riêng đang có nhiều cơ hội mở ra. Đặc biệt, khi CNTT lần đầu tiên được xác định là một bộ phận của kết cấu hạ tầng quốc gia, được ưu tiên đầu tư trong những năm tới như Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng kết cấu hạ tầng quốc gia đã đề ra.

Các nhà cung cấp phần mềm nước ngoài tuy chiếm lĩnh thị phần lớn tại Việt Nam hiện nay, nhưng chỉ cung cấp những sản phẩm ứng dụng chung chứ chưa đáp ứng được những nhu cầu cụ thể cho từng thị trường khác nhau. Nắm bắt được điểm mạnh yếu đó, nhiều DN nội đã cho ra những dòng sản phẩm phù hợp với đặc thù riêng của hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh trong nước và đưa lại thành công dù phải cạnh tranh trên “sân nhà” không kém phần quyết liệt.

Điển hình như Cty phần mềm Misa đã chọn đối tượng chính là các DN nhỏ và vừa, tập trung tìm hiểu những khó khăn cũng như nhu cầu, ý muốn của họ để phát triển những sản phẩm phù hợp với chất lượng tốt nhất.

Hoặc về các phần mềm diệt virus, có rất nhiều tên tuổi ngoại như Norton Antivirus, Kaspersky, McAfee, Trend Micro, Bit Defender... Trong khi chỉ có Bkav là thương hiệu nội địa duy nhất có thể cạnh tranh cùng các sản phẩm này.

Để có được vị thế như hiện nay, họ đã xây dựng những chiến lược phát triển lâu dài trong thời gian tới. Đây là những thành công lớn của thương hiệu phần mềm Việt Nam. Qua đó khẳng định năng lực của DN trong nước hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh nếu biết dồn toàn lực để phát triển một sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Theo VINASA, năm 2012 được dự báo là năm rất khó khăn về thị trường với nhiều DN vừa và nhỏ. Để vượt qua khó khăn về thị trường cũng như tránh tranh giành nhân lực khi có dự án lớn, VINASA đưa ra định hướng thành lập các liên kết DN trong VINASA. Theo đó, các DN lớn khi giành được các hợp đồng lớn thì hợp tác, chia sẻ công việc với các DN nhỏ trong hiệp hội. Ngay trong năm 2012, VINASA sẽ xúc tiến thí điểm thành lập liên minh DN đầu tiên với trụ cột là hai DN hàng đầu là FPT Software và Viettel Soft.

Để tập trung cho phát triển thị trường trong nước, phía các DN thuộc VINASA sẽ xây dựng đội ngũ nhân lực hùng hậu về số lượng, đa dạng về đẳng cấp, gồm cả số đông lao động cấp thấp và số ít lao động bậc cao, những kiến trúc sư CNTT, các chuyên gia R&D (nghiên cứu và phát triển), chuyên gia tư vấn CNTT...  Đây sẽ là cơ hội cho tăng trưởng của DN phần mềm Việt Nam trong năm nay và những năm tới.

Trong chương trình phát triển công nghiệp phần mềm tại Việt Nam, Chính phủ đã chỉ ra, các DN phần mềm trong nước phải quan tâm đến thị trường nội địa, phát triển một số phần mềm trọng điểm ứng dụng vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh trong nước để thay thế những phần mềm nhập khẩu từ nước ngoài.


                                                                                                            Hà Lê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm