Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Thủy sản: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Thứ hai, 16/05/2011 - 21:49

(Thanh tra)- Giai đoạn 2011 - 2015 ngành Thủy sản hướng đến sự phát triển bền vững, là một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc với thế giới. Mục tiêu quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh xuất khẩu (XK) đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD vào năm 2015 và chiếm khoảng 37% trong khối nông lâm ngư nghiệp.

Giai đoạn 5 năm tới, khai thác các mặt hàng ít chủ lực sẽ dần hạn chế thay thế bằng các đối tượng chủ lực

Nhiều tiềm năng cần nắm bắt

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, từ sau năm 2010, kinh tế thế giới sẽ thoát khỏi khủng hoảng, phục hồi và duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn 2011 - 2015 ở mức 3 - 3,5%. Thương mại hàng hóa nói chung, hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng sẽ tăng. Nhu cầu nhập khẩu nông, lâm thủy sản từ các nước phát triển sẽ lấy lại nhịp độ và ổn định là cơ hội mở ra cho các nước XK mặt hàng này, trong đó, có ngành Thủy sản Việt Nam.

Cụ thể, xu hướng và nhu cầu tiêu thụ thủy sản thế giới từ nay đến năm 2020 tiếp tục tăng mạnh. Riêng sản phẩm cá tra đang được các nước nhập khẩu quan tâm và được xem như một sản phẩm thay thế cá thịt trắng có nguồn gốc từ các vùng biển, bởi giá cá tra tương đối thấp, chất lượng cao, sản lượng dồi dào và ổn định. Mặt khác, một số thị trường thủy sản của thế giới đang ngày càng được mở rộng như Ba Lan, Nga, các nước Nam Mỹ, khu vực Châu Á… nên sản lượng cá tra, cá ba sa sẽ còn tăng mạnh cho đến năm 2020. Đây cũng là thế mạnh mà ngành Thủy sản Việt Nam đang nắm giữ.

Cũng theo dự báo, giá sản phẩm thủy sản sẽ tăng khoảng 15% trong vài thập niên tới. Như vậy, thủy sản được dự báo sẽ trở thành mặt hàng thực phẩm đắt hơn 20% so với các mặt hàng từ thịt. Theo các chuyên gia, đây là những điều kiện thuận lợi và là tiềm năng lớn đối với một nước XK thủy sản vốn là ngành mũi nhọn của Việt Nam.

 Dự báo trong 5 năm tới, mức tiêu thụ thủy sản trong nước sẽ tăng lên 22kg/người/năm và lượng tiêu thụ đạt 2,18 triệu tấn vào năm 2015. Tiềm năng về tiêu thụ thủy sản ở nội địa cũng không hề nhỏ, nếu ngành Thủy sản nắm bắt và có những giải pháp phù hợp.

Cụ thể hóa bằng các mục tiêu

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, kế hoạch phát triển ngành Thủy sản giai đoạn 5 năm tới dự kiến tổng diện tích nuôi trồng thủy sản sẽ đạt 1.100 ha; tổng sản lượng là 5.700 tấn (trong đó 2.200 tấn là sản lượng khai thác còn lại là nuôi trồng), đồng thời kim ngạch XK sẽ đạt 6.500 triệu USD (so với năm 2010 tăng gần 132%).

Để thực hiện được mục tiêu tổng thể này, ngành Thủy sản đã phân thành nhiều mục tiêu nhỏ và đi kèm là các chương trình, dự án, đề án cụ thể. Trong đó, 2 mục tiêu hàng đầu, đó là duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản một cách ổn định và tiếp tục đẩy mạnh XK.

Theo đó, cố gắng duy trì được giá trị sản xuất vẫn tăng trung bình 2%/năm; giá trị nuôi trồng thủy sản trung bình cả giai đoạn từ 12 - 13%/năm để bảo đảm tăng trưởng thủy sản đạt 8 - 10%/năm. Cùng với đó, chủ động nghiên cứu để có thể đưa được 80% giống nuôi thương phẩm các loại chủ lực này vào năm 2015 và từng bước nghiên cứu chuyển giao phát triển nuôi biển để có thể nhân rộng ở giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, mục tiêu quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh XK đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD đến năm 2015 và chiếm khoảng 37% trong khối nông lâm ngư nghiệp cũng được ngành Thủy sản xác định. Xu hướng sẽ đẩy mạnh một số đối tượng chủ lực như: Cá tra, cá ba sa, nhuyễn thể, rong biển… Đây là những đối tượng có giá trị trung bình, nhưng lại có thị trường tiêu thụ rộng nên kéo giá trị XK trung bình/kg thành phẩm giảm xuống.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, ngành Thủy sản cần quan tâm chuyển dịch mạnh cơ cấu nghề cá biển bao gồm cả khai thác và nuôi trồng. Tổ chức quản lý sản xuất tốt trên biển gắn với các công tác quy hoạch ngư trường, vùng nuôi, đăng kiểm, thông tin… góp phần cải thiện đời sống ngư dân. Đồng thời, khuyến khích các mô hình sản xuất trên biển như tổ hợp tác, theo đoàn; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cải tiến quản lý điều hành thông tin 2 chiều bờ, biển; xây dựng các chính sách hỗ trợ sản xuất thủy sản trên biển; hợp tác khai thác với các nước ASEAN; xây dựng quy chế, giải pháp quản lý các khu bảo tồn biển… để phát triển ngành Thủy sản theo hướng bền vững.


Tràng An - Trọng Tài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm