Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngân hàng lách luật tăng lãi suất huy động và cho vay: Ai giám sát, xử lý?

Thứ hai, 09/05/2011 - 21:38

(Thanh tra)- Mặc dù bị khống chế trần lãi suất huy động 14%/năm, nhưng lợi dụng tình hình lạm phát cao và lãi suất cho vay thả nổi nên các Ngân hàng (NH), đặc biệt là NH Thương mại TM nhỏ từ đầu năm đến nay đã gia tăng chạy đau lách luật bằng nhiều chiêu khuyến mãi “ngầm”, đẩy lãi suất huy động và cho vay liên tục tăng cao. Chưa kể, các NH còn tăng thu các loại phí vô lý đẩy người vay vốn vào thế khó bảo toàn được vốn vay.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Lãi suất cao + phí = bóp chết người vay vốn
   
Hiện nay lãi suất huy động vượt trần của nhiều NH đã lên mức 18,5 - 19%/năm. Để tránh bị kiểm tra phát hiện, trên số dư tiền gửi của khách hàng nhiều NH vẫn ghi đúng lãi suất trần 14%/năm, phần vượt sẽ nhận trước thông qua một tài khoản khác. Có NH còn “câu khách” theo như lượng tiền gửi nhiều hay ít, khách hàng sẽ được hưởng lãi tiền gửi cao hơn. Chẳng hạn, với số tiền từ 300 triệu - 1 tỷ đồng, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 16,85%/năm và tăng lên đến 19%/năm nếu số tiền khách hàng gửi trên 3 tỷ đồng. Ở một NH khác, mức gửi 300 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng sẽ được nhận lãi suất 17%/năm, nhưng nếu số tiền gửi lên đến 3 tỷ đồng được hưởng lãi suất tới 18,5 - 19%/năm.
     
Lãi suất huy động cao nhưng NH không sợ “lỗ” và có lãi vì lãi suất cho vay được thả nổi. Nhiều NHTM nhỏ cho vay đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, dịch vụ với lãi suất lên tới 25 - 26%/năm. Ngoài ra có NH, như Tecombank thu phí thẩm định tài sản thế chấp (NH thuê, người vay trả), phí trả tiền gốc trước hạn 3% cho mỗi lần trả, phí giám sát tài sản thế chấp 2%... Những loại phí này kiến khách hàng rất bất bình, vì đây là những khoản phí vô lý và không được phép thu để tạo điều kiện cho khách hàng giảm bớt chi phí, nhất là khi lãi suất vay đã rất cao.

Thị trường tiền tệ đang chuyển sang hoạt động theo thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu vốn luôn lớn hơn cung, nhất là đối với nhu cầu của DN vừa và nhỏ, hộ cá thể chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên dễ phát sinh cạnh tranh không lành mạnh, gây rối thị trường, thiệt thòi cho khách hàng. Đây là trách nhiệm của hệ thống NH Nhà nước từ T.Ư đến địa phương trong việc quản lý, giám sát, xử lý và phải ngăn chặn từ xa chứ không để “cháy” rồi mới “chữa” như đã và đang xảy ra.


Việc khách hàng trả trước thời hạn nhẽ ra nên khuyến khích để giảm bớt chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ… có lợi cho cả NH, người vay vốn và người tiêu dùng. Phí theo dõi tài sản thế chấp bắt buộc người vay vốn phải nộp càng hết sức vô lý. Theo quy định của pháp luật, tài sản khi đã được giám định, hồ sơ thủ tục bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất hợp pháp, hợp đồng tín dụng giữa NH và khách hàng, cam kết trả nợ… được cơ quan công chứng xác thực và đăng ký quản lý, theo dõi tại phòng tài nguyên môi trường (thuộc địa bàn người vay vốn có nhà đất đang sử dụng và sinh sống) là hoàn toàn bảo đảm tính pháp lý. Nếu NH hoặc người vay vốn thực hiện không đúng quy định sẽ bị pháp luật xử lý, cớ gì khách hàng lại tự bỏ tiền ra để thuê người giám sát tài sản của mình.
    
Theo nhiều khách hàng là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, lợi nhuận nhiều lắm chỉ từ 15 - 20%, với tình hình lạm phát cao, mọi chi phí đầu vào đều tăng cao, đặc biệt là với lãi suất và phí NH như hiện nay thì cầm chắc lỗ, khó bảo toàn được vốn.

Cần biện pháp mạnh
   
Việc nhiều NHTM nhỏ cố tình phạm luật, đưa lãi suất lên cao có nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn về tính thanh khoản. Bên cạnh đó, nhiều NH vì “quá đói” vốn, trong khi thời hạn chót tăng vốn điều lệ theo quy định đang đến gần, việc cạnh tranh huy động vốn với các NH lớn khó khăn. Trong cho vay, hầu hết các NH nhỏ đều đầu tư nhiều vào bất động sản, chứng khoán nên luôn trong tình trạng căng thẳng về thanh khoản vì tài khoản tiền gửi của họ chủ yếu ngắn hạn trong khi tiền gửi thanh toán của DN lớn không có. Việc siết tín dụng cho vay phi sản xuất lại chủ yếu là chứng khoán và bất động sản khiến các NH này càng khó khăn, lợi nhuận giảm sút.
    
Khách hàng vì cần vốn nên lãi suất, phí dù cao cũng vẫn phải chấp nhận. Đã có không ít trường hợp cán bộ tín dụng gây phiền hà nhũng nhiễu làm khó khách hàng để tư lợi. Điển hình như lợi dụng việc thực hiện chủ trương hỗ trợ lãi suất của Nhà nước cho DN năm 2008, nhiều NH đã cố tình làm trái quy định để thu lợi bất chính, đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện và đề nghị xử lý, thu hồi về cho Nhà nước hơn 100 tỷ đồng.
    
Để trị được căn bệnh thanh khoản của các NHTM nhỏ, ngăn chặn tiêu cực, giảm dần lãi suất như chỉ đạo của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thực hiện những biện pháp mạnh, đồng bộ cả hành chính kinh tế mới có tác dụng. Trước hết, NH Nhà nước cần điều hành lãi suất linh hoạt hơn để lãi suất trên thị trường liên NH xoay quanh mức lãi suất nghiệp vụ thị trường mở. Hiện, lãi suất trên thị trường mở của NHNN chỉ 13%/năm trong khi lãi suất thị trường liên NH phổ biến 18 - 20%/năm. Khi vay liên NH lãi suất cao, tất yếu các NHTM quay ra chạy đua hút vốn trên thị trường tiền gửi. NHNN cần bơm vốn thanh khoản đúng NHTM, tránh tình trạng chỉ bơm vốn qua thị trường mở đối với các NHTM có giấy tờ có giá.
   
Đối với NHTM nhỏ đang khó khăn, NH Nhà nước nên áp dụng chính sách tái cấp vốn có điều kiện, như buộc các NH này dừng cho vay bất động sản, chứng khoán… gây bất ổn thị trường tiền tệ. Các vi phạm tăng lãi suất huy động vượt trần quy định dưới bất cứ hình thức khuyến mại nào và việc tự đặt ra thu các phí bất hợp lý cần phải xử lý ngay, tránh hậu quả xấu. Mặt khác, tại thời điểm này, lạm phát đang cao, cần phải kiểm soát chặt lãi suất cho vay (khống chế trần lãi suất), nếu không, dù có quy định trần lãi suất huy động, nhưng “đầu ra” thả nổi thì  việc “lách” lãi suất còn bị lợi dụng.

Trần Danh Thái

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm