Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nhật Huyền
Thứ ba, 28/09/2021 - 06:36
(Thanh tra) - Triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Đồng Tháp nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Sẵn sàng áp dụng các kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế phù hợp với từng điều kiện cụ thể.
Xuất khẩu đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của Đồng Tháp, trong đó thủy sản vẫn giữ mức tăng trong điều kiện dịch bệnh. Ảnh: HN
Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh
Nếu như trước ngày 24/6/2021, Đồng Tháp chỉ ghi nhận 30 ca mắc Covid-19, chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, thì từ đợt dịch thứ 4 đến nay, đã ghi nhận hơn 8.200 ca bệnh, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng với tốc độ lây lan nhanh. Dịch bệnh đã xuất hiện ở hầu hết các huyện, thành phố, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là ở TP Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh.
Trong bối cảnh đó, Đồng Tháp đã thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 11/7/2021 tại 5 địa phương có nguy cơ cao, sau đó mở rộng giãn cách đối với các địa phương còn lại. Tạm dừng, phong tỏa chợ truyền thống, doanh nghiệp, khu vực có liên quan đến trường hợp mắc Covid-19.
Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, tỉnh đã xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch theo các cấp độ dự báo. Đồng thời, triển khai toàn diện các phương án như thành lập bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly điều trị; tổ chức truy vết và tầm soát trên diện rộng; đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19; huy động tối đa các nguồn lực, nhất là huy động sự hỗ trợ của đội ngũ y tế trong và ngoài tỉnh…
Bên cạnh đó, ngành chức năng địa phương cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ dịch bệnh, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Hàng ngày, lãnh đạo tỉnh đều tổ chức họp giao ban trực tuyến với các huyện, thành phố về công tác phòng, chống dịch để nắm bắt và có những chỉ đạo kịp thời, sâu sát.
Đến nay, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, các cấp, tình hình dịch bệnh tại địa phương đã từng bước được kiểm soát, số ca mắc mới giảm, các ổ dịch lớn từng bước được kiềm chế. Bắt đầu từ ngày 23/9, tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã nới lỏng giãn cách, từ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 chuyển sang giãn cách theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương. Xuất khẩu vẫn đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của địa phương, nổi bật là sản phẩm dệt may, da giày, thủy sản vẫn giữ mức tăng trong điều kiện dịch bệnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa luỹ kế ước đạt 821 triệu USD, đạt 74,7% so với kế hoạch, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đông lạnh ước đạt 469 triệu USD, đạt 62,5% so với kế hoạch, tăng 14,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu gạo ước đạt 83 triệu USD, đạt 55,3% so với kế hoạch, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Các sản phẩm ngành may ước đạt 74 triệu USD, đạt 81,8% so với kế hoạch, tăng 112,6% so với cùng kỳ.
Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo thuận lợi để thu hút thêm các dự án đầu tư, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tính đến ngày 20/8, Sở KH&ĐT đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 850 tỷ đồng, tăng 1 dự án đăng ký mới so với cùng kỳ.
Giá bán và tình hình tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ổn định, người chăn nuôi vẫn có lãi và chưa xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa. Việc duy trì cung ứng vật tư đầu vào sản xuất và thu mua, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm được đảm bảo, góp phần cung ứng thực phẩm tại chỗ, thúc đẩy người chăn nuôi đầu tư tái sản xuất…
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Sở KH&ĐT cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp không thể thực hiện mô hình “4 tại chỗ” do rất khó khăn trong việc tìm cơ sở y tế để ký hợp đồng thực hiện y tế tại chỗ.
Ngành trồng trọt có chi phí sản xuất tăng, thiếu nhân công thu hoạch, thiếu cơ sở sơ chế tiêu thụ, buộc người sản xuất phải bán chạy với giá thấp. Sản lượng thu mua nguyên liệu thủy sản giảm do các doanh nghiệp ngừng sản xuất.
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đã có hơn 1/3 doanh nghiệp ngưng hoạt động vì không đảm bảo các điều kiện sản xuất theo quy định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 27% so với tháng trước và giảm 59% so cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, nhất là ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng bị đóng cửa nhiều tháng liền. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng thu du lịch ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 400 tỷ đồng, số lượt khách đạt 1,3 triệu lượt, bằng khoảng 1/3 so với mức bình thường khi không có dịch...
Trên cơ sở mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và diễn biến của dịch bệnh Covid-19, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội các tháng cuối năm trong tình hình mới, nhất là ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Qua đó, xác định phấn đấu và tăng tốc, quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, từ nay đến cuối năm, tỉnh tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi kinh tế sau khi địa phương xác lập trạng thái “bình thường mới”.
Tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước với các địa phương. Chuẩn bị các điều kiện mở lại hoạt động của các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm du lịch trong tình hình mới, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch.
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến. Kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; quan tâm giải quyết những đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp bảo đảm kế hoạch sản xuất; tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất sau khi tình hình dịch bệnh được khống chế…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, Đồng Tháp tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên từng lĩnh vực đã đề ra, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở mức cao nhất.
Đồng thời, triển khai nghiên cứu tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng kế hoạch hành động để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi xác lập trạng thái "bình thường mới"; phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chương trình Thực tập sinh tài năng (Viettel Digital Talent) mùa bốn vừa khép lại với hơn 101 sinh viên xuất sắc được tuyển dụng chính thức vào làm việc tại Viettel, đây là số lượng tuyển dụng lớn nhất trong 4 năm tổ chức.
(Thanh tra) - Thông tư 50/2024/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước NHNN ban hành nêu rõ, kể từ ngày 1/1/2025, các ứng dụng ngân hàng sẽ không được trang bị chức năng lưu mật khẩu đăng nhập tài khoản của người dùng.
Uyên Uyên
22:33 22/11/2024Hoàng Nam
22:03 22/11/2024Lê Phương
21:51 22/11/2024PV
21:09 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương