Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ Tài chính nói gì về ghế massage đang bán tại Việt Nam có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc

Thứ ba, 06/09/2022 - 16:38

(Thanh tra) - Bộ Tài chính hôm nay (6/9) đã phát đi thông tin báo chí liên quan đến các vấn đề mà xã hội đang quan tâm thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.

Các cơ quan chức năng đang vào cuộc với thông tin về ghế massage đang bán tại Việt Nam. Ảnh: TQ

Đối với thông tin “hầu hết ghế massage đang bán tại Việt Nam có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc", thế nhưng, với các chiêu trò quảng cáo lấp lửng, khách hàng dễ nhầm tưởng đó là hàng Nhật, Hàn, từ đó lạc vào “ma trận” giá. Đáng chú ý, dù mỗi máy massage được bán ra với giá từ vài chục tới cả trăm triệu đồng nhưng hiếm khi nơi bán xuất hóa đơn VAT hoặc ghi không đúng giá trị giao dịch thật khiến Nhà nước có thể thất thu thuế rất cao…”, Bộ Tài chính cho biết, ngày 24/8/2022, Tổng cục Thuế đã kịp thời ban hành Công văn số 3131/TCT-TTKT chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra hóa đơn đối với ghế massage và các mặt hàng tương tự, theo đó, yêu cầu:

Rà soát, phân loại các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ghế massage và những mặt hàng tương tự trên địa bàn quản lý có dấu hiệu rủi ro bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất và thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay.

Phối hợp với các ngành liên quan (quản lý thị trường, công thương, tài chính, hải quan... để tăng cường các biện pháp quản lý đối với các đối tượng nêu trên.

Kết quả giải ngân 8 tháng năm 2022 đạt 35,49% kế hoạch kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2021. Ảnh: TQ

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về quy định chính sách thuế, đồng thời cảnh báo người nộp thuế cố tình gian lận sẽ bị cơ quan thuế xử lý nghiêm.

Đối với việc quản lý hải quan về xuất xứ, nhãn hàng hóa mặt hàng ghế massage: Trên cơ sở nội dung báo phản ánh, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu để làm rõ việc khai báo về xuất xứ, nhãn hàng hóa mặt hàng ghế massage nhập khẩu. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp gian lận về xuất xứ, nhãn hàng hóa theo quy định.

Về kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng năm 2022 đạt 35,49% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 39,15%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (40,60%); trong đó vốn trong nước đạt 40,87% (cùng kỳ năm 2021 đạt 44,71%), vốn nước ngoài đạt 14,02% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,94%).

Có 07 bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (51,91%), Tiền Giang (63,5%), Thái Bình (57,9%), Phú Thọ (57,2%), Long An (55,1%).

Có 35/51 bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 27 bộ và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Số dư Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 cuối ngày 26/8/2022 là 1.709,31 tỷ đồng. Ảnh: TQ

Tình hình tiếp nhận, sử dụng Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19, Bộ Tài chính cho biết, Kho bạc Nhà nước tiếp tục quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid - 19 theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 đến 17h00 ngày 26/8/2022: Tổng số huy động 9.381,51 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 69,8 tỷ đồng). Chi từ Quỹ 7.672,2 tỷ đồng, trong đó, chi mua và sử dụng vắc-xin 7.667,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin 4,6 tỷ đồng). Số dư Quỹ cuối ngày 1.709,31 tỷ đồng. Có 675.044 lượt tổ chức cá nhân ủng hộ vào Quỹ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm