Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch – còn nhiều bất cập

Thứ ba, 18/01/2011 - 12:05

(Thanh tra) – Thời gian vừa qua, ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam có những bước phát triển đáng kể, lượng khách du lịch gia tăng, nhiều cơ sở được đầu tư hiện đại... Tuy nhiên, cùng với đó là sự tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên… dẫn đến sự gia tăng áp lực của du lịch đến môi trường, gây ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái lâu dài.

Rác thải trên bãi biển. Ảnh minh họa

Du lịch và môi trường

Có thể thấy, hoạt động phát triển du lịch tác động đến môi trường khá mạnh mẽ. Trong giai đoạn xây dựng các khu du lịch, các hoạt động san lấp mặt bằng, khai thác vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng… sẽ ảnh hưởng trực tiếp cảnh quan, môi trường sống của nhiều loài sinh vật, làm tăng nguy cơ mất cân bằng trong việc phát triển các hệ sinh thái. 
 
Quá trình hoạt động du lịch sẽ tăng áp lực ô nhiễm môi trường, do lượng chất thải của khách du lịch và các cơ sở dịch vụ du lịch; tăng khả năng ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất… từ các phương tiện vận chuyển, vui chơi giải trí…; tăng khả năng phát sinh các dịch bệnh do khách mắc phải từ nơi khác; tăng nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học; nguy cơ xói mòn vùng cát ven biển; ùn tắc giao thông…
 
 

Rác thải trên dòng suối Yến (Chùa Hương)


Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã được triển khai trong lĩnh vực du lịch trong thời gian qua như: Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, bước đầu đã được ngành du lịch quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 149/2007 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch; Chỉ thị số 7 năm 2000 về tăng cường giữ gìn trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch. Quyết định số 2 năm 2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Nổi bật là Luật Du lịch 2005… Các văn bản trên là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hoạt động bảo vệ và kiểm soát ô nhiễm trong hoạt động phát triển du lịch.
 

Áp lực của du lịch lên môi trường đang gia tăng

Kết quả khảo sát chất lượng nước biển ven bờ của Bình Thuận đã phát hiện các chỉ tiêu N-NH3, BOD5, Coliform và tổng chất rắn lơ lửng đều cao hơn quy định tại các khu vực có nhiều hoạt động du lịch ven biển như Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, La Gi, TP Phan Thiết và Tuy Phong.
 
Theo “Khảo sát đánh giá ô nhiễm môi trường do các hoạt động du lịch, khách sạn, nhà nghỉ dọc bãi biển Bình Thuận, tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và phát triển bền vững du lịch Bình Thuận” - Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường Đại học Công nghiệp TP.HCM
Thời gian vừa qua, lượng khách du lịch của Việt Nam gia tăng đáng kể. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ riêng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2010 đạt 5.049.855 lượt, tăng 34,8% so với năm 2009. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch. Tuy nhiên, cùng với đó là sự tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên… dẫn đến sự gia tăng áp lực của du lịch đến môi trường, gây ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái lâu dài.

Tuy mang lại nhiều lợi ích như tăng trưởng kinh tế và giao lưu văn hóa, tạo việc làm cho lao động địa phương… nhưng hoạt động du lịch cũng đóng vai trò khá lớn làm suy thoái môi trường.

Việc quản lý vệ sinh môi trường tại các khu du lịch vẫn còn nhiều bất cập như: Thiếu lao động thu gom rác, việc bố trí các thùng chứa rác và bảng hướng dẫn bỏ rác ở các khu du lịch chưa hợp lý hoặc còn quá ít… Mặt khác, các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có hệ thống xử lý nước thải, không ít du khách vứt rác tùy tiện… đã gây ô nhiễm cục bộ tại một số khu, điểm du lịch.

Rác thải trên bãi biển Vũng Tàu


GS.TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết: Theo các nhà nghiên cứu qua khảo sát đánh giá ô nhiễm môi trường do các hoạt động du lịch, khách sạn, nhà nghỉ dọc bãi biển Bình Thuận, chính sự xả thải của các khu du lịch, nhà hàng và sinh hoạt của ngư dân đã góp phần làm gia tăng nguy cơ xuất hiện thủy triều đỏ (được biết đến dưới các đợt nở hoa bùng phát của tảo biển, tấn công và làm tổn thương hàng loạt đối với động vật biển giáp xác và thân mềm) hằng năm ở khu vực này.

Năm vừa qua, việc tạp chí National Geographic đưa Nha Trang  và Mũi Né vào nhóm các bãi biển tồi nhất thế giới khiến những người yêu biển VN đau lòng. Kết quả này dựa trên 6 tiêu chí, bao gồm chất lượng môi trường và hệ sinh thái, tính toàn vẹn văn hóa và xã hội, tình trạng của các di tích lịch sử và địa điểm khảo cổ, tính thẩm mỹ, chất lượng quản lý du lịch và tiềm năng phát triển. Đây được xem như lời cảnh báo, nhắc nhở, giúp chúng ta cảnh giác trước những thay đổi chưa được hợp lý trong phát triển du lịch dựa vào lợi thế biển

Du lịch Việt Nam tập trung thực hiện các hoạt động bền vững môi trường

Trong thời gian tới, du lịch Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện các hoạt động bền vững môi trường. Trước mắt, cần nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện từng bước các cơ chế chính sách như: ưu tiên miễn giảm hoặc không thu thuế trong thời gian nhất định với các hình thức đầu tư thuần túy cho việc bảo vệ môi trường du lịch, hoặc đầu tư trong các lĩnh vực khác của ngành với công nghệ đồng bộ về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên các dự án đầu tư du lịch có giải pháp cụ thể giảm thiểu và giải quyết ô nhiễm để giữ môi trường trong sạch; chính sách phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; khuyến khích và hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cần tiếp tục tổ chức “Tuần lễ du lịch xanh” tại nhiều trung tâm du lịch, khu du lịch trọng điểm trong cả nước như Cửa Lò (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hoà), Huế (Thừa Thiên – Huế); tổ chức các lớp tập huấn về môi trường cho các cán bộ quản lý, các doanh nghiệp du lịch…

Sự phát triển của bất kỳ ngành kinh tế nào cũng gắn liền với vấn đề môi trường. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao như du lịch. Môi trường được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách, đến sự tồn tại của hoạt động du lịch, để phát triển du lịch bền vững và lâu dài.

Đại Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm