Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

10 sự kiện tiêu biểu ngành Công thương năm 2020

Lê Phương

Thứ sáu, 01/01/2021 - 20:03

(Thanh tra)- Bộ Công thương vừa công bố 10 sự kiện nổi bật tạo nên dấu ấn thành công trong năm 2020, trong đó, nhiều sáng kiến của ngành Công thương trong Năm Chủ tịch ASEAN đã được triển khai có hiệu quả…

1. Bứt phá trong công tác hội nhập: Nhiều sáng kiến của ngành Công thương trong Năm Chủ tịch ASEAN đã được triển khai có hiệu quả; ký kết, đàm phán và triển khai thành công các hiệp định thương mại (FTA) quan trọng

Hội nhập quốc tế là một điểm nhấn quan trọng của ngành Công thương trong năm 2020. Chưa bao giờ, trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 15.

2. Xuất khẩu vượt khó bất chấp đại dịch, duy trì tăng trưởng dương; xuất siêu đạt mức cao kỷ lục, duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp của cán cân thương mại Việt Nam

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Năm 2020, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD.

3. Công tác phòng vệ thương mại  đạt kết quả nổi bật, được triển khai toàn diện, góp phần  bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong  bối cảnh tham gia các hiệp định FTA thế hệ mới 

Năm 2020, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đạt mức cao nhất với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019.

Bộ Công thương đã nỗ lực xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Nhờ đó, cho tới nay, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp (kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản), duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Ca-na-đa....

4. Công tác quản lý thị trường có nhiều đột phá sau khi tổ chức lại  lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường,  phát hiện  triệt phá nhiều vụ vi phạm lớn

Sau 2 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã chứng minh được hiệu quả xuyên suốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại.

Đặc biệt, QLTT đã có những bứt phá nghiệp vụ khi đánh trúng vào những đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được, thậm chí còn đặt chân đến những địa điểm trước đó chưa một lần đến kiểm tra…

5. Công nghiệp chế biến chế tạo vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ,  là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước

Bước sang năm 2020, ngành công nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, dự kiến IIP cả năm tăng khoảng 4%. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp bình quân tăng 8,1%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (7,3%).

Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào thực chất hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. 

6. Công tác thăm dò và khai thác dầu khí  đạt  kết quả tích cực: Dòng khí thương mại đầu tiên đã “cập bờ” từ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt; phát hiện  dầu  khí trữ lượng lớn tại mỏ Kèn Bầu

Ngày 16/11, dòng khí đầu tiên từ mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt đã "cập bờ". Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỉ m3 khí, 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate.

Tháng 7/2020, giếng thẩm lượng 114-Ken Bau-2X đã được hoàn thành ở độ sâu 3.690 mMD với phát hiện dầu khí trữ lượng rất lớn tại mỏ khí Kèn Bầu (ước tính sơ bộ từ 7- 9 nghìn tỉ feet khối khí tự nhiên, tương đương khoảng 200 - 250 tỷ m3, bao gồm cả khí trơ), góp phần hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2020.

Với phát hiện này, dự kiến mỏ khí Kèn Bầu có thể đưa vào phát triển khai thác trong giai đoạn năm 2025 - 2030, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia.

Đây cũng là tiền đề cực kỳ quan trọng cho các hoạt động tìm kiếm thăm dò cũng như phát triển khai thác tiếp theo tại lô 114 và các khu vực lân cận, góp phần phát triển mạnh mẽ công nghiệp điện khí, các sản phẩm từ khí tại khu vực Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế và miền Trung.

7.  Thị trường trong nước được củng cố và giữ vững, là điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”

Ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh, Bộ Công thương đã sớm nhận định tình hình, chủ động theo sát, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, các kịch bản ứng phó với các cấp độ diễn biến của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ "chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ" và 3 sẵn sàng "chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”, nên đã thực hiện được mục tiêu bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân trong mọi tình huống, đặc biệt khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

8. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại  (XTTM), thực hiện mô hình XTTM mới kết hợp giữa trực truyến và trực tiếp (hybrid),  giúp doanh nghiệp trong nước  tiếp cận từ xa các  đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch

Bộ Công thương đã sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (facebook, viber, zalo...) để tạo sự kết nối thường xuyên, nhanh chóng giữa hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM trong nước, doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu…

Thông qua mạng lưới kết nối này, hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên khắp cả nước được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu.

9.  Thương mại điện tử chuyển mình, phát huy hiệu quả, tạo xung lực mới cho tăng trưởng

Năm 2020, trong khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành hoạt động chiến lược chủ chốt của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, giúp doanh nghiệp phát triển các kênh phân phối mới an toàn, hiệu quả, do vậy lĩnh vực TMĐT đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ ngay sau khi hàng hóa biên giới được thông thương thuận lợi trở lại.

Đặc biệt, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ.

10. Công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử không ngừng được  đổi mới, hành động quyết liệt, thực chất  và đi vào chiều sâu

Năm 2020, Bộ Công thương tiếp tục là Bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho giai đoạn này với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công thương.

Và chỉ sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công thương, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm 70%).

Đến thời điểm hiện tại, số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Điều này một lần nữa khẳng định, Bộ Công thương luôn nỗ lực thực hiện công tác đơn giản hóa TTHC, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm