Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chỉ định đơn vị sự nghiệp rà phá bom mìn làm tăng chi ngân sách?

Văn Thanh

Thứ sáu, 02/10/2020 - 16:37

(Thanh tra) - Không thực hiện theo Quyết định số 30/2013/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 của Thủ tướng, nhiều chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách ở Thanh Hóa đã lựa chọn, chỉ định các đơn vị rà phá bom mìn, vật nổ là đơn vị sự nghiệp, làm tăng chi phí, có dấu hiệu lãng phí ngân sách Nhà nước.

Ông Lê Minh Hoàng, nguyên Trưởng Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp Thanh Hóa thực hiện việc chỉ định đơn vị sự nghiệp làm công tác rà phá bom mìm, vật nổ, có dấu hiệu làm thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước. Ảnh: P.V

Tại dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp Thanh Hóa làm chủ đầu tư, được sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh Thanh Hóa được yêu cầu thực hiện việc rà phá bom mìm, vật nổ trong năm 2020, khoảng 85ha (thuộc nhóm II).

Sau khi lựa chọn, chỉ định nhà thầu thi công rà phá bom mìn, vật nổ là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị sự nghiệp của Bộ Quốc phòng thì giá nhân công được tính theo từng bậc thợ. Cụ thể, phụ lục giá nhân công ở khâu “máy rò nông”, “máy rò bom trên cạn”, “máy dò bom dưới nước”, “thuyền cao su trung 3208” phải sử dụng bậc thợ QNCN 8/10 có giá 329.519 đồng/ngày công; giá nhân công “thuyền Compsit VS-600”, “thiết bị hút, sói bùn cát” sử dụng bậc thợ QNCN 5/10, giá ngày công 286.538 đồng/ngày công.

So sánh với Quyết định số 30/2013/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 của Thủ tướng về việc sửa đổi Khoản 2, Điều 1 Quyết định 122/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với quân nhân, công nhân viên chức Quốc phòng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ. “Mức hưởng sinh hoạt phí là 180.000 đồng/người/ngày”, tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ tại khu vực dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ.

Như vậy, nếu các chủ đầu tư ở Thanh Hóa lựa chọn, chỉ định đơn vị rà phá bom mìn, vật nổ là các đơn vị biên chế của Bộ Quốc phòng, không phải là đơn vị sự nghiệp và áp dụng đúng với tinh thần của Quyết định số 30/2013 của Thủ tướng thì giá nhân công không bị tăng (gấp khoảng 1,5 gần và gần gấp 2 lần), sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng ở dự án này.

Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Khu Kinh tế Nghi sơn và Các khu công nghiệp Thanh Hóa, nơi chỉ định đơn vị sự nghiệp tham gia rà phá bom mìn, vật nổ ở dự án mình làm chủ đầu tư có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Ảnh: P.V

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Lê Đình Trang, Phó Ban phụ trách Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp Thanh Hóa cho biết: Sau khi có thông tin phản ánh của Báo Thanh tra về vụ việc “có hay không việc rà phá bom mìn gây lãng phí ngân sách Nhà nước”, trong đó có nói đến dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia do làm chủ đầu tư thì đã có người của Công an tỉnh đã sang nắm thông tin, yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến vụ việc này. Đây là công việc đặc thù, do đó, từ khâu khảo sát, dự toán, lên phương án, thi công, giám sát đều rất chi tiết, cụ thể.

Theo Quyết định 30/2013 của Thủ tướng, nếu là quân nhân biên chế Quốc phòng, ngoài được hưởng lương theo quy định thì được hưởng thêm “sinh hoạt phí là 180.000 đồng/người/ngày”, còn đơn vị được chỉ định thi công rà phá bom mìn, vật nổ ở dự án này là đơn vị sự nghiệp của Quốc phòng thì ngân sách Nhà nước chi cho dự án phải chi trả lương theo hệ số, bậc cao hay bậc thấp và hưởng chế độ độc hại nguy hiểm tiền chi cho việc rà phá bom mìn, vật nổ phải cao hơn so với mức quy định của Quyết định 30 của Thủ tướng.

Một phần bảng tính ngày công rà phá bom mìn, vật nổ đối với đơn vị sự nghiệp quốc phòng, cao hơn so với Quyết định số 30/2013 của Thủ tướng. Ảnh: P.V

Việc thực hiện chỉ định đơn vị thi công rà phá bom mìn, vật nổ làm tăng thêm nguồn chi ngân sách Nhà nước này được thực hiện dưới thời ông Lê Minh Hoàng làm Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp Thanh Hóa. Ông Lê Minh Hoàng vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tín nhiệm điều động, luân chuyển về làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc vào tháng 9/2020 vừa qua.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hầu hết các dự án rà phá bom mìn, vật nổ đều được chỉ định cho các đơn vị thuộc biên chế của Bộ Quốc phòng thực hiện và hưởng “sinh hoạt phí là 180.000 đồng/người/ngày” theo Quyết định 30/2013 của Thủ tướng. Đến nay vẫn chưa có quyết định nào thay thế, nhưng gần đây không hiểu vì lý do gì mà nhiều chủ đầu tư lại quyết định lựa chọn, chỉ định đơn vị sự nghiệp được Bộ Quốc phòng cấp phép rà phá bom mìn, vật nổ làm tăng thêm chi phí, có dấu hiệu lãng phí ngân sách Nhà nước.

Theo một số người làm ở lĩnh vực rà phá bom mìn, vật nổ cho biết: Lâu nay, các dự án có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thì việc rà phá bom mìn, vật nổ chỉ sử dụng lực lượng là các đơn vị thuộc biên chế của quốc phòng để tiết kiệm nguồn ngân sách, còn các đơn vị sự nghiệp của Quốc phòng chỉ thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ ở các dự án tư nhân. Vì các đơn vị sự nghiệp này mang tính chất là làm kinh tế nên việc chỉ định, đưa vào thực hiện các dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước không biết đúng hay sai nên phải chi trả ngày công cao hơn, ngân sách phải chi trả nhiều hơn. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh vụ việc nếu có vi phạm.

Không chỉ riêng ở dự án này, một số dự án khác do UBND huyện Thọ Xuân làm chủ đầu tư cũng đã và đang thực hiện việc lựa chọn các đơn vị sự nghiệp rà phá bom mìn, vật nổ, có dấu hiệu lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm