Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phú Yên nghiệm thu, thanh toán chưa đúng quy định hơn 44,4 tỷ đồng

Lê Phương

Thứ năm, 10/10/2024 - 17:00

(Thanh tra) - Theo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Phú Yên trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng vừa được Thanh tra Chính phủ công bố công khai, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý đầu tư xây dựng, công tác đấu thầu còn để xảy ra sai sót.

Một số gói thầu khi khởi công vi phạm điều kiện khởi công công trình tại kè Xóm Rớ giai đoạn 2 chậm bố trí kế hoạch vốn. Ảnh: Sơn Ca

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2020 (riêng thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2020)

Theo Thanh tra Chính phủ, việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh Phú Yên còn chậm, chưa kịp thời gây ảnh hưởng cho việc triển khai thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư; không chỉ đạo triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 theo lộ trình; việc phê duyệt và quản lý quy hoạch, tỷ lệ phủ kín các quy hoạch chi tiết chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu quản lý đầu tư xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội.

Việc lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết một số nơi chưa đảm bảo nguyên tắc, điều kiện, chưa phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt; chưa rà soát điều chỉnh kịp thời về sự chồng chéo giữa các quy hoạch; việc lập và phê duyệt quy hoạch chung TP Tuy Hòa còn một số chỉ tiêu, nội dung chưa đầy đủ theo quy định.

UBND tỉnh, huyện chưa chú trọng việc bố trí nguồn vốn cho việc lập, phê duyệt quy hoạch trên địa bàn nên tỷ lệ phủ kín còn thấp. Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm của tỉnh, huyện còn chậm.

Việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đầu tư chưa chặt chẽ, sát năng lực và điều kiện thực tế địa phương nên phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần, kết quả kế hoạch vốn trong kỳ đạt thấp so với kế hoạch ban đầu. Nhiều dự án không đủ vốn thi công hoàn thành để phát huy hiệu quả, tạo áp lực cho kế hoạch trung hạn giai đoạn sau, có nguy cơ gây nợ đọng xây dựng cơ bản, công trình thiếu vốn kéo dài, chưa tuân theo quy định Luật Đầu tư công (có 38 dự án có thời gian bố trí vốn quá quy định theo Điều 52 Luật Đầu tư công với số tiền 439,175 tỷ đồng).

Kết quả thực hiện kế hoạch vốn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 còn thấp, chỉ đạt 77,8%; việc thẩm định phê duyệt danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm của các huyện, thị xã, TP còn dàn trải, thiếu tập trung, danh mục các dự án đầu tư nhiều, dự án nhỏ lẻ, chủ yếu nhóm C; có hiện tượng chia tách dự án nhỏ theo kế hoạch vốn hàng năm để không gây nợ đọng, gây thiếu tập trung, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án làm tăng chi phí dịch vụ tư vấn và chi phí khác của dự án.

Về thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, có 18 dự án có mức đầu tư hơn 3,7 nghìn tỷ đồng được phê duyệt nhưng chưa được triển khai, dừng lại ở bước chuẩn bị đầu tư dự án, gây lãng phí chi phí đầu tư; nhiều công trình chậm hoàn thành để đưa vào sử dụng có nguyên nhân từ việc thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư không chặt chẽ, chưa cân đối được nguồn vốn theo tiến độ dự án.

Về thẩm định và phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng - dự toán: nhiều quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi không đầy đủ nội dung theo quy định; một số dự án UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cùng ngày với chủ trương đầu tư; các dự án này sẽ không có đủ thời gian để thực hiện đúng quy trình, trình tự thủ tục, chất lượng hồ sơ ở bước chuẩn bị đầu tư như kè chống xói lở ven biển khu vực Xóm Rớ (giai đoạn 2); dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu có chi phí dự phòng cao hơn quy định. Chi phí này chủ đầu tư có thẩm quyền quyết định xử lý mà không xin ý kiến cấp thẩm quyền, tạo khe hở trong công tác quản lý chí phí đầu tư (tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện, TP: Tây Hoà, Phú Hoà, Tuy Hoà, Tuy An giai đoạn 2 chi phí dự phòng chiếm 22%).

Nhiều dự án có chất lượng khảo sát, thiết kế, lập phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công còn thấp, phải thay đổi điều chỉnh nhiều lần nhưng chủ đầu tư và các cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh khi chưa xem xét trách nhiệm xử lý các bên liên quan theo quy định trước khi xử lý, như các gói thầu EC của Ban Quản lý dự án đầu tư tỉnh phải điều chỉnh bổ sung, thay đổi nhiều lần làm tăng chi phí xây dựng trong hợp đồng ban đầu.

Công tác đấu thầu còn để xảy ra sai sót, vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, công tác lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu.

Một số gói thầu khi khởi công vi phạm điều kiện khởi công công trình tại kè Xóm Rớ giai đoạn 2 chậm bố trí kế hoạch vốn; phần lớn các hợp đồng được thanh tra của công trình cấp tỉnh quản lý đều chậm tiến độ theo hợp đồng đã ký…

Có 12 dự án chậm hơn 6 tháng, có 12 dự án chậm hơn 24 tháng (trong đó có 13 dự án cấp tỉnh quản lý tổng mức đầu tư hơn 1,9 nghìn tỷ đồng; 11 dự án cấp huyện quản lý tổng mức đầu tư hơn 56,1 tỷ đồng). Đến thời điểm thanh tra chưa thu hồi số công nợ 16 dự án hơn 3,6 tỷ đồng bị giảm trừ sau khi phê duyệt quyết toán các dự án, hạng mục công trình theo quy định. Cấp thẩm quyền chưa kiên quyết xử lý vi phạm chậm trong công tác quyết toán dự án hoàn thành theo quy định.

Việc áp dụng tiêu chuẩn, định mức, tính khối lượng, đơn giá; công tác kiểm tra, nghiệm thu, thanh toán chưa đúng quy định pháp luật, xử lý về kinh tế để giảm chi phí đầu tư đối với 12 dự án và một số dự án cấp huyện là hơn 44,4 tỷ đồng (giảm trừ nghiệm thu thanh toán 19,3 tỷ đồng, giảm tổng mức đầu tư dự án đường Điện Biên Phủ là hơn 25 tỷ đồng); cần xem xét trách nhiệm liên quan đến 2 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thuộc dự án đường Điện Biên Phủ, Tuy Hoà và dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai…

Riêng đối với các dự án sử dụng vốn ngoài Nhà nước, việc triển khai thực hiện các dự án đã đăng ký đầu tư quá thấp, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 2,5%, các dự án ngoài khu kinh tế, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 29%; chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo đầu tư với số tiền hơn 125,9 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra các tồn tại, sai phạm nêu trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực; giám đốc các sở, ban ngành có chức năng tham mưu liên quan; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP; chủ đầu tư các dự án có sai phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm