Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động của trung tâm ngoại ngữ và tin học

Văn Thanh

Thứ hai, 27/09/2021 - 17:57

(Thanh tra) - Thực hiện kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Thanh Hoá; quyết định của Chánh Thanh tra Sở, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 13 trung tâm trên địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Yên Định và thành phố Thanh Hoá.

Một trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn Thanh Hóa. Ảnh minh họa: Văn Thanh

Tính đến tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 153 trung tâm (trong đó có 7 trung tâm ngoại ngữ, tin học và 146 trung tâm ngoại ngữ), tăng hơn so với tháng 12/2020 là 11 trung tâm và 5 trung tâm tự giải thể hoặc hết hạn cấp phép hoạt động.

Các trung tâm được kiểm tra đầy đủ hồ sơ thành lập trung tâm, cấp phép hoạt động, quyết định thành lập, quyết định công nhận chức danh giám đốc, quyết định cấp phép hoạt động, nội quy hoạt động của trung tâm, báo cáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học, hồ sơ nhân sự của trung tâm… theo quy định.

Đa số các trung tâm được kiểm tra lưu trữ khá đầy đủ hồ sơ, như hợp đồng lao động, sơ yếu lý lịch, các loại bằng cấp, chứng chỉ và các loại giấy tờ hợp pháp khác phù hợp vị trí việc làm theo quy định.

4/13 trung tâm được kiểm tra có giáo viên là người nước ngoài, gồm các quốc tịch Ghana, Nam Phi, Philippines, đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, hồ sơ nhân sự tại các trung tâm chưa được quản lý, sắp xếp khoa học, một số bằng cấp của giáo viên nước ngoài chưa có bản dịch thuật theo quy định.

Các trung tâm đã xây dựng kế hoạch hoạt động, kế hoạch tuyển sinh, dạy học của giáo viên, giáo trình, tài liệu dạy học và bảng phân công giảng dạy. Hoạt động dạy học đã được các trung tâm tổ chức linh hoạt theo hình thức trực tiếp tại trung tâm; quản lý học viên theo lớp, nhóm học bằng hệ thống sổ sách hoặc trên máy tính. Có sổ theo dõi công tác giảng dạy, đánh giá nhận xét của giáo viên, danh sách lớp, số điện thoại, điểm danh học sinh… Tuy nhiên, kế hoạch dạy học và việc đánh giá, nhận xét của giáo viên chưa chi tiết, còn chung chung, việc lưu trữ hồ sơ chuyên môn chưa khoa học.

Các trung tâm đều có đề xuất sử dụng chương trình, tài liệu, giáo trình như trong đề án xin thành lập. Thực hiện chương trình giáo dục theo Quyết định số 66/QĐ-BGDĐT ngày 2/12/2008 của Bộ GDĐT; Công văn số 4329/BGDĐT-GDTH ngày 27/6/2013 của Bộ GDĐT; Công văn số 1303/BGDĐT-GDMN ngày 18/3/2014 của Bộ GDĐT.

Một số trung tâm huyện Yên Định đề xuất sử dụng chương trình tiếng Anh theo Thông tư số 03/2019/TT-BLĐTBXH.

Trong quá trình hoạt động, một số trung tâm sử dụng chương trình quốc tế theo giáo trình, tài liệu với cấp độ Starters, Movers, Ket (flyer), PET… phù hợp với nhu cầu người học trong rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học viên và đáp ứng nhu cầu nâng cao và cải thiện tiếng Anh của người học ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Đa số, các trung tâm đều có cơ sở vật chất (CSVC) đảm bảo thực hiện hoạt động giáo dục, phòng chức năng, phòng làm việc, phòng học đủ ánh sáng (diện tích tối thiểu bảo đảm 1,5m2/học viên/ca học, có bàn ghế, quạt mát hoặc điều hoà), có công trình vệ sinh và nơi chứa rác thải, có thiết bị phòng cháy, chữa cháy đảm bảo theo quy định, có thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và một số CSVC khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động giáo dục.

Công tác kiểm tra hoạt động của các trung tâm của các phòng GDĐT chưa được thường xuyên, việc nắm bắt các thông tin quản lý về trung tâm tại địa phương chưa được cụ thể, như quyết định thành lập, quyết định công nhận giám đốc, quyết định cấp phép hoạt động, số lượng giáo viên người Việt Nam và người nước ngoài, trình độ của giáo viên, chương trình dạy học, công tác tuyển sinh…

Đối với các trung tâm, việc lưu trữ hồ sơ nhân sự ở một số trung tâm chưa đầy đủ, sắp xếp chưa khoa học, hồ sơ nhân sự thiếu theo quy định (K Enghlish Club, Apolly, Lan Anh - thành phố Thanh Hóa; Helios, PRO - Yên Định; Google, Aplus, SA, Camellia - Hoằng Hoá); đặc biệt, Trung tâm Ngoại ngữ K Enghlish Club - thành phố Thanh Hóa không có lưu hồ sơ giáo viên người nước ngoài đang làm việc tại trung tâm hoặc hồ sơ tại một số trung tâm (A Plus, PRO - Yên Định; Camellia - Hoằng Hoá) thiếu bản dịch thuật bằng cấp của cơ quan pháp luật; Trung tâm Helios, PRO - Yên Định không có bản báo cáo về Sở GDĐT khi có thay đổi hợp đồng giáo viên, đặc biệt là giáo viên người nước ngoài; Trung tâm SA và Trung tâm Camellia - Hoằng Hoá sử dụng giáo viên không đúng bằng cấp theo quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, các trung tâm (Camelia, A Plus, Anh ngữ Quốc tế SA, Anh ngữ Google, Green Star, Helios, Anh ngữ PRO) chưa cung cấp bản/phần mô tả chi tiết, cụ thể các mục tiêu cần đạt cho từng đối tượng học viên; chưa có khung chương trình dạy học, kế hoạch dạy học cụ thể từng thời điểm theo đối tượng học viên; hồ sơ quản lý theo dõi đánh giá, nhận xét của giáo viên cho từng lớp học chưa đầy đủ.

Hồ sơ của các trung tâm được kiểm tra không có quyết định ban hành danh sách, danh mục tài liệu dạy học cho các đối tượng học viên (Điều 7, Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT); không có văn bản báo cáo Sở GDĐT về chương trình, tài liệu đang sử dụng tại trung tâm (Điều 13, Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT); không tổ chức sinh hoạt chuyên môn, giáo án giảng dạy không lưu tại trung tâm, phân công giảng dạy, danh sách học sinh theo lớp học, hồ sơ tài chính chủ yếu lưu trên máy tính.

Cơ sở vật chất của Trung tâm Green Star, Google - Hoằng Hóa không đảm bảo yêu cầu dạy học; Trung tâm Ngoại ngữ Ocean Edu - Yên Định không cung cấp được quyết định thành lập trung tâm và chưa được Sở GDĐT cấp phép hoạt động, nhưng đã thực hiện tuyển sinh và thu học phí của 40 học viên với mức thu ưu đãi là 1.294.000 đồng/học viên/tháng; biển hiệu của Trung tâm Aplus - Hoằng Hóa ghi không đúng trong quyết định cấp phép hoạt động.

Nguyên nhân thiếu sót, tồn tại, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động dạy và học của các trung tâm và một số trung tâm đã thành lập nhưng không tổ chức hoạt động được. Công tác quản lý hoạt động các trung tâm đang gặp rất nhiều khó khăn vì địa bàn rộng, lực lượng rà soát mỏng, sự phối hợp giữa các ban, ngành cùng thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; việc rà soát thường xuyên của các cơ quan chức năng về giấy phép hoạt động, chương trình, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, chất lượng đào tạo của các trung tâm trên địa bàn còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý lớp học tại các trung tâm còn nhiều bất cập như xếp thời khóa biểu, xếp lịch dạy cho giáo viên, nhân viên quản lý lớp, đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên và xếp học viên vào từng lớp tương ứng với trình độ.

Một số trung tâm chưa tổ chức hoạt động giảng dạy hợp lý, để hấp dẫn người học, vì vậy gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Vẫn còn một số cán bộ trung tâm năng lực quản lý chưa cao, thiếu kinh nghiệm hoặc chưa đầu tư nâng cao trình độ quản lý, chưa quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động của trung tâm.

Từ kết quả thanh tra nói trên, Thanh tra Sở GD&ĐT đã kiến nghị, tham mưu cho Ban Giám đốc ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý, giám sát, chuyên môn, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý các hoạt động của các trung tâm trong toàn tỉnh theo quy định tại Điều 2, Thông tư 12/2020/TT-BGDĐT. Xây dựng bộ tiêu chí chung đánh giá chất lượng của trung tâm, tăng cường tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các trung tâm theo chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT.

Tham mưu cho Ban Giám đốc ban hành các hướng dẫn cụ thể cho các trung tâm trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý hoạt động đối với người nước ngoài tại trung tâm; hướng dẫn triển khai hồ sơ, sổ sách tại trung tâm. Tăng cường kiểm tra, thẩm định các điều kiện thành lập trung tâm để việc tổ chức hoạt động sau khi được cấp phép đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phát hiện các trung tâm hoạt động giáo dục sai quy định.

Phối hợp với Văn phòng Sở GDĐT thực hiện công khai thường xuyên hơn trên website của sở (đầy đủ các thông tin) các trung tâm đang hoạt động, giúp người có nhu cầu học lựa chọn, được bảo đảm các quyền lợi phù hợp; các trung tâm đã bị thu hồi giấy phép để người có nhu cầu học biết và tránh bị lừa đảo theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT.

Đối với phòng GD&ĐT, nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý, kiểm tra (thường xuyên và đột xuất) của phòng GDĐT về hoạt động giáo dục của các trung tâm trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền tại địa phương trong công tác quản lý hoạt động đối với các trung tâm trên địa bàn.

Các trung tâm hoàn thiện hồ sơ nhân sự, tài chính, chuyên môn, đặc biệt là hồ sơ giáo viên người nước ngoài theo quy định tại Điều 18 Thông tư 21/2018/TT-BGDDT. Khi có thay đổi giáo viên giảng dạy, thì phải báo cáo và photo nộp các văn bằng về Sở GDĐT và phòng GDĐT.

Thực hiện treo biển hiệu theo đúng nội dung trong quyết định cấp phép hoạt động; một số trung tâm tại huyện Hoằng Hoá và Yên Định đang dạy học cho đối tượng là học sinh mầm non, tiểu học không thuộc đối tượng của hệ giáo dục thường xuyên và đào tạo nghề (cao đẳng, trung cấp). Cần xem xét lại việc sử dụng chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành được biên soạn theo Quyết định số 66/QĐ-BGDĐT.

Yêu cầu các trung tâm nghiêm túc thực hiện quy định “3 công khai” theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT trên website và tại phòng ghi danh của trung tâm để người học nắm rõ trước khi quyết định ghi danh học, đồng thời làm căn cứ cho cơ quan quản lý và cộng đồng giám sát.

Giám đốc trung tâm thực hiện đúng và chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học tại trung tâm, đồng thời báo cáo Sở GDĐT các chương trình, tài liệu được sử dụng tại trung tâm trước khi thực hiện; nghiêm túc thực hiện việc xây dựng khung chương trình bài dạy phù hợp cho từng đối tương học viên, thường xuyên kiểm tra việc đánh giá, nhận xét chi tiết của giáo viên trong hồ sơ theo dõi của từng lớp học tại trung tâm. Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Ocean Edu -Yên Định thực hiện giải trình về việc tổ chức và hoạt động của trung tâm khi chưa đủ điều kiện; Giám đốc Trung tâm Anh ngữ quốc tế SA và Trung tâm Ngoại ngữ Camellia - Hoằng Hoá thực hiện giải trình về việc sử dụng giáo viên không đúng bằng cấp theo quy định; Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ K Enghlish Club - thành phố Thanh Hóa thực hiện giải trình về hồ sơ giáo viên người nước ngoài đang làm việc tại trung tâm với đoàn kiểm tra tại Sở GDĐT.

Các trung tâm cập nhật các văn bản liên quan đến chương trình dạy học ngoại ngữ cho các đối tượng học viên (Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ GDĐT về việc ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo; Công văn số 681/BGDĐT-GDTH ngày 4/3/2020 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn tổ chức dạy học môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Yêu cầu các trung tâm tự rà soát, bổ sung các loại hồ sơ đúng quy định của pháp luật và sắp xếp khoa học, thuận tiện cho việc kiểm tra khắc phục kết luận của Thanh tra Sở GDĐT.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm