Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kon Tum: Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại Măng Đen

Thu Minh

Thứ ba, 15/03/2022 - 13:09

(Thanh tra) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành Kết luận thanh tra số 222/KL-TTCP ngày 18/2/2022 về thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất (SDĐ) và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Qua đó, cho thấy nhiều sai phạm trong 89 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ (sổ đỏ) tại thị trấn Măng Đen; đồng thời, chỉ ra nhiều dự án (DA) chậm thực hiện, vi phạm Luật Đầu tư.

Khu vực DA có hơn 6 ha rừng sản xuất đã được mở đường. Ảnh: TM

Nhiều sai phạm về đất đai

TTCP đã kiểm tra điểm trình tự, thủ tục 89 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ tại thị trấn Măng Đen, phát hiện nhiều vi phạm như ý kiến của cơ quan đăng ký đất đai trong đơn đăng ký cấp sổ đỏ không nêu căn cứ pháp luật về công nhận quyền SDĐ hoặc không ghi đầy đủ nội dung theo quy định. Chưa kể, thời gian giải quyết thủ tục chậm so với quy định, sổ đỏ được cấp không ghi ngày tháng.

Đáng nói, trong sổ đỏ cấp lần đầu cho các trường hợp giao đất xây dựng nhà ở biệt thự ghi không đúng quy định về mục đích SDĐ, thời hạn SDĐ.

TTCP yêu cầu UBND huyện Kon Plông chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát các trường hợp còn lại, thu hồi sổ đỏ đã cấp, điều chỉnh lại mục đích SDĐ, thời hạn SDĐ theo đúng quy định.

Trước đó, Chánh Thanh tra tỉnh Kon Tum ra quyết định thanh tra toàn diện DA khai thác quỹ đất khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông. Cụ thể, DA này được HĐND huyện Kon Plông phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2019 với quy mô hơn 21 ha (diện tích đất dự kiến sẽ phân lô, bán đấu giá gần 4 ha, đất xây dựng cơ sở hạ tầng và đất khác gần 17 ha).

Đến tháng 1/2021, UBND huyện Kon Plông quyết định phê duyệt đồ án DA trên. Tuy nhiên, kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2020 của huyện Kon Plông cho thấy, khu vực DA có hơn 6 ha rừng sản xuất (rừng tự nhiên 5,75 ha, rừng trồng 0,26 ha).

Thanh tra tỉnh Kon Tum ra thông báo kết luận (năm 2020) về trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Kon Plông khi thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đất đai; thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại UBND huyện (từ năm 2016 - 2018).

Công tác giao đất ở và đất sản xuất cho hộ gia đình cũng như cá nhân ở xã Măng Cành (khu 37 hộ, huyện Kon Plông) có nhiều sai phạm; cấp 18 sổ đỏ có thời hạn sử dụng sai so với quyết định giao đất của UBND huyện (20 năm thành 50 năm).

Không những thế, các phòng ban chuyên môn huyện này không đôn đốc, nhắc nhở và có biện pháp khi 11 hồ sơ chậm nộp tiền SDĐ khiến thất thoát ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, có 23 hồ sơ, sổ đỏ ghi sai địa chỉ thửa đất, dẫn đến việc làm thủ tục cấp sổ đỏ và lưu trữ còn sai sót là sai quy định…

Khu chợ ở thị trấn Măng Đen được giao đất không qua đấu giá. Ảnh: TM

Thanh tra tỉnh cũng chỉ rõ, có hồ sơ giao đất theo phương án xây dựng nhà ở biệt thự nhưng không thực hiện việc xây dựng, không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong thời điểm 2008 - 2018 là sai quy định; các đơn vị cũng không kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính. Hơn nữa, việc xây dựng nhà, quán kiên cố để kinh doanh buôn bán không đúng theo đề án; triển khai các DA không đúng tiến độ, diện tích đã được giao, dẫn tới việc bỏ hoang.

Nhiều DA lập nên để “nhận” đất

Thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon plong, tỉnh Kon Tum. Đây vốn được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” bởi khung cảnh hoang sơ cùng với khí hậu quanh năm mát mẻ. Thời điểm mới thành lập, chính quyền đã dùng nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Thậm chí, còn xây dựng cả riêng một khu hoa màu để thu hút những người làm nông ở tỉnh Lâm Đông sang (khu này được gọi là khu 37 hộ).

Đối với khu đất biệt thự, điều kiện được thuê đất biệt thự ở đây là sau khi làm thủ tục thuê đất, những nhà đầu tư phải tiến hành xây dựng trên đất theo thiết kế mà chính quyền đưa ra. Để đối phó, nhiều nhà đầu tư đã xây thô nhiều căn nhà rồi để hoang. Có một thời kỳ, người ta gọi Măng Đen là “thị trấn nhà hoang” bởi đa số những căn biệt thự ở đây đều để hoang, rêu phong phủ kín.

Không chỉ các biệt thự, mà hàng chục DA của Măng Đen cũng chỉ được thực hiện trên giấy. Cụ thể: DA kinh doanh vườn hoa, cây cảnh và du lịch sinh thái của Công ty Cổ phần Măng Đen (địa chỉ ở ấp 2, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) triển khai giai đoạn 1 từ năm 2011 - 2013. DA là quần thể vườn hoa, khu du lịch sinh thái, có 50 nhà nghỉ, cáp treo… quy mô gần 63 ha ở tiểu khu 487 xã Đăk Long. Tuy nhiên, sau 10 năm, tất cả chỉ là “bánh vẽ” của nhà đầu tư.

DA bảo tồn và phát triển các loại hoa phong lan phục vụ du lịch sinh thái của Hợp tác xã Lan rừng Măng Đen được huyện Kon Plông bố trí 1 ha đất ngay trung tâm huyện. Thế nhưng, đến nay khu đất này chỉ có một căn nhà lụp xụp.

Hay khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen có quy mô gần 19 ha tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long, sau 14 năm, tất cả những gì DA làm được là công trình trung tâm hội nghị với diện tích rộng gần 1.000 m2 gần ngã tư của đường Hồ Xuân Hương và Sư Vạn Hạnh. Tuy nhiên, công trình đã xuống cấp, cỏ mọc um tùm. Trung tâm hội nghị xuống cấp trầm trọng, mốc, rêu.

Đề án xây dựng 40 biệt thự nghỉ dưỡng (Công ty Cổ phần Sài Gòn Măng Đen) với tổng vốn gần 136 tỷ đồng trở thành chòi nghỉ home stay chưa được cấp phép xây dựng.

Khoảng đầu năm 2020, nhiều người đổ xô nhau về mua đất Măng Đen khiến cho vùng đất này “sốt” chưa từng thấy.

Theo anh N.P.T, một người đầu tư bất động sản: “Khoảng năm 2019, một lô đất biệt thự chỉ dao động từ 1,5 - 4 tỉ/1.000 m2 thì đến đầu năm 2022, một lô biệt thự đã dao động từ 10 - 20 tỉ. Thậm chí, có căn biệt thự nằm trên tuyến đường quốc lộ 24 đã giao dịch tầm nửa năm trước với giá 1 triệu đô la Mỹ. Khi đất biệt thự tăng cao, nhiều người đã mở rộng tìm mua những mảnh rẫy ở xung quanh thị trấn”.

Những căn biệt thự từng bị bỏ hoang được tu sửa lại. Ảnh: TM

Chính việc đất tăng quá cao trong một thời gian ngắn đã khiến nhiều DA được sang nhượng. Ngay trong Báo cáo số 38-BC/HU ngày 12/10/2020 của Huyện ủy Kon Plông, có nhiều DA, nhà đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện DA, triển khai chậm so với tiến độ đã cam kết, không đảm bảo về quy mô và mục tiêu của DA; có tình trạng lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để chiếm đất, giữ chỗ, bán sang nhượng DA.

Toàn huyện Kon Plông hiện có 88 DA đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất đăng ký trên 8.400 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư trên 23.000 tỷ đồng. Trong số này có 52 DA đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 5.000 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư gần 18.000 tỷ đồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm