Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với Sở Giáo dục Đào tạo

Vũ Linh

Thứ hai, 03/04/2023 - 19:40

(Thanh tra) - Liên quan tới các sai phạm trong việc tham mưu triển khai thực hiện Đề án 1436 trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã có kiến nghị giao Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm của Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) và Giám đốc Sở GDĐT.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với Sở Giáo dục Đào tạo. Ảnh: Vũ Linh

Ngoài các sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong việc triển khai các gói thầu đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục (TTBGD) thuộc Chương trình Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình Giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà Báo Thanh tra đã phản ánh trước đó, còn có một số hạn chế, vi phạm khác về kinh tế.

Theo đó, tổng sai phạm về kinh tế phát hiện qua thanh tra tại các gói thầu đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là hơn 2,1 tỷ đồng. Căn cứ tính chất, mức độ các khuyết điểm, vi phạm, Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định xử lý về kinh tế số tiền trên. Trong đó, quyết định truy thu nộp vào ngân sách Nhà nước các khoản tiền của các đơn vị là hơn 1,6 tỷ đồng, kiến nghị đơn vị tự thu hồi 4,3 triệu đồng, kiến nghị các nhà thầu cung cấp, lắp đặt bổ sung, hoàn thiện các thiết bị giáo dục với giá trị hơn 500 triệu đồng. Theo nguồn tin của PV Báo Thanh tra nắm được, số sai phạm về kinh tế trên hiện đã được các đơn vị khắc phục ngay khi thanh tra phát hiện.

Sau khi thanh tra, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã có kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm của Sở GDĐT, Giám đốc Sở GDĐT đối với hạn chế, khuyết điểm trong việc tham mưu triển khai thực hiện Đề án 1436 trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, chuyển đến Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy xem xét, xử lý theo quy định của Đảng về trách nhiệm của Sở GDĐT, Giám đốc Sở GDĐT đối với các khuyết điểm trong việc quản lý, giám sát, nghiệm thu tại Gói thầu Cung cấp, lắp đặt thiết bị cho các trường có học sinh học bán trú năm 2021 còn để xảy ra việc cung cấp 5 loại thiết bị không đúng xuất xứ theo hồ sơ dự thầu, hợp đồng.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh kiến nghị Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông tăng cường việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện việc đầu tư, mua sắm TTBGD nói riêng và việc thực hiện Đề án 1436 trên địa bàn tỉnh để kịp thời kiến nghị UBND các huyện, thành phố, các Phòng GDĐT thực hiện có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề án trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc Sở GDĐT có liên quan trong việc tham mưu thực hiện mua sắm các gói thầu TTBGD để đề ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã được Thanh tra tỉnh chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh Đắk Nông kiến nghị đối với UBND các huyện Đắk R’lấp có ý kiến đề nghị Thường trực Huyện ủy giao UBKT Huyện ủy xem xét, xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định đối với ông Đặng Bá Hiệp, nguyên Trưởng phòng GDĐT huyện này. UBKT Huyện ủy kiểm tra, xem xét xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định đối với khuyết điểm, vi phạm của ông Bùi Thanh Long, Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng GDĐT, ông Nguyễn Tấn Sô, kế toán Phòng GDĐT thời kỳ 2021 trong việc quản lý, giám sát, nghiệm thu, bàn giao tại Gói thầu Mua sắm trang thiết bị tối thiểu lớp 1, 2 và lớp 6 còn để xảy ra thiếu số lượng, không đúng quy cách thiết bị.

Phòng Nội vụ huyện Đắk R’lấp chủ trì, phối hợp với Phòng GDĐT huyện tổ chức kiểm điểm, xem xét làm rõ trách nhiệm, tham mưu UBND huyện xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân tại 10 trường học đối với các khuyết điểm trong thực hiện 10 gói thầu mua sắm trang thiết bị. Đồng thời, chỉ đạo Phòng GDĐT tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc Phòng GDĐT, các trường học trực thuộc qua các thời kỳ có liên quan để đề ra giải pháp chấn chỉnh nghiêm túc, kịp thời các hạn chế, khuyết điểm trong việc tổ chức thực hiện đầu tư mua sắm các gói thầu TTBGD.

Đối với UBND các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong giao Phòng Nội vụ huyện chủ trì, phối hợp với Phòng GDĐT huyện tổ chức kiểm điểm, xem xét làm rõ trách nhiệm. Đồng thời, tham mưu UBND huyện xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm trong việc thực hiện đầu tư, mua sắm các gói thiết bị trường học.

Chương trình Mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng DTTS, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 775); với mục tiêu là tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và bàn ghế học sinh, trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu ở nội trú; sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và các trường phổ thông dân tộc bán trú. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương (vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp). Về tổ chức thực hiện, UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương, trong đó giao Sở GDĐT là đơn vị đầu mối chủ trì tổng hợp, tham mưu đề xuất phương án đầu tư, triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát đánh giá, lưu trữ dữ liệu và báo cáo UBND tỉnh, Bộ GDĐT và các cơ quan liên quan theo quy định.

Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình Giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1436); với mục tiêu là bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Kinh phí thực hiện đề án gồm: Ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ, các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt); nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác. Về tổ chức thực hiện, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công, phân cấp trách nhiệm của từng cấp và các sở, ban, ngành của địa phương trong việc tổ chức thực hiện đề án.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm