Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hòa Bình: Chi lớn, thu không đảm bảo gây mất cân đối ngân sách

Thứ sáu, 29/06/2018 - 10:19

(Thanh tra) - Thanh tra công tác quản lý ngân sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2016, Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, điều hành chi ngân sách địa phương: Nhiều lần tạm ứng ngân sách địa phương ngoài dự toán hơn 834 tỷ đồng, trong khi đó có nhiều khoản đã chi cần phải thu hồi nhưng lại chưa thu được...

Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình. Ảnh: Internet

Nhiều lần tạm ứng ngân sách ngoài dự toán

Tỉnh Hòa Bình nhiều lần tạm ứng ngân sách địa phương ngoài dự toán được giao không đúng quy định của Luật Ngân sách số tiền 834,546 tỷ đồng, gồm:

Tại Khoản 2, Điều 5 của Luật Ngân sách năm 2002, chi ngân sách Nhà nước chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện “đã có trong dự toán ngân sách được giao; Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định…”.

Số dư nguồn tạm ứng ngân sách cấp tỉnh chi ngoài dự toán được giao (phát sinh từ năm 2016 trở về trước) địa phương chưa cân đối được nguồn để thu hồi hoàn trả đến thời điểm 31/12/2016 là 834,546 tỷ đồng (tạm ứng chi đầu tư 630,993 tỷ đồng; tạm ứng chi thường xuyên 203,553 tỷ đồng), trong khi nguồn kinh phí ngân sách cấp tỉnh còn dư (đã có nhiệm vụ thực hiện chi chuyển nguồn) là 191,114 tỷ đồng.

Nguyên nhân tỉnh Hòa Bình tạm ứng ngân sách để chi ngoài dự toán dẫn đến mất cân đối ngân sách là do nhu cầu chi hàng năm của địa phương quá lớn trong khi nguồn thu không đảm bảo; một số dự án đầu tư khi quyết định đầu tư không xác định được nguồn vốn, vượt quá ngân sách đảm bảo, thi công vượt kế hoạch vốn được giao dẫn đến nợ đọng thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành phải tạm ứng chi ngoài dự toán; khi xây dựng và giao dự toán không cân đối bố trí được nguồn địa phương từ đầu năm để trả nợ vay khi đến hạn dẫn đến phải tạm ứng ngân sách trong khi nguồn vốn vẫn còn dư không sử dụng…

Điển hình như: Năm 2015, UBND tỉnh Hòa Bình quyết định di dời Nhà máy Đường Hòa Bình từ trung tâm TP về xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ di dời là 70 tỷ đồng; khi xây dựng dự toán chi năm 2016, địa phương không bố trí nguồn dẫn đến phải tạm ứng ngân sách 70 tỷ đồng; năm 2017, ngân sách mới bố trí nguồn trong dự toán để thu hồi tạm ứng 20 tỷ đồng, còn lại 50 tỷ đồng chưa được ngân sách bố trí nguồn để thu hồi theo quy định.

Tạm ứng ngân sách để trả nợ vay tín dụng ưu đãi do dự toán chi địa phương không cân đối đủ nguồn để trả nợ theo quy định hơn 69 tỷ đồng, gồm: Dự án điện nông thôn II hơn 19,1 tỷ; các dự án khác 49,873 tỷ đồng).

Tạm ứng ngân sách để đầu tư hạ tầng tổ chức đấu giá đất từ năm 2008 đến 2014 dự án trung tâm thương mại bờ trái Sông Đà 137 tỷ đồng; tổng số tiền đấu giá đất 240,395 tỷ đồng (thời điểm 31/12/2016 đơn vị trúng đấu giá đất còn nợ chưa nộp ngân sách Nhà nước 53,113 tỷ đồng), địa phương sử dụng cho các dự án khác, không bố trí để thu hồi tạm ứng hoàn trả ngân sách Nhà nước theo quy định.

Tạm ứng ngân sách thi công dự án công trình hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Đa chức năng Quỳnh Lâm (quảng trường trung tâm TP Hòa Bình) nhưng chưa bố trí nguồn hoàn trả 60 tỷ đồng.

Tạm ứng ngân sách thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 433 nhưng chưa bố trí nguồn hoàn trả 52 tỷ đồng.

Ngân sách đã chi, đến hạn phải thu hồi nhưng chưa thu được

Tỉnh Hòa Bình chưa điều chỉnh và thu hồi chưa đủ số kinh phí chi sự nghiệp y tế do ngân sách hỗ trợ cho các bệnh viện (BV) thuộc Sở Y tế, sau khi chuyển sang áp dụng cơ chế giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư Liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC số tiền 16,675 tỷ đồng.

Ngày 29/10/2015, Liên Bộ (Y tế - Tài chính) ban hành Thông tư Liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc, trong đó quy định: Mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù áp dụng từ ngày 1/3/2016; mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương áp dụng từ ngày 1/7/2016.

Ngày 24/3/2016, Sở Y tế Hòa Bình ban hành Công văn số 335/SYT-TCKT về việc triển khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn đúng theo lộ trình ngày 1/3/2016 và ngày 1/7/2016 được quy định tại Thông tư Liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC.

Do chưa cập nhật kịp thời các phần mềm, các đơn vị triển khai chậm (BV Đa khoa tỉnh triển khai từ 16/8/2016, các BV còn lại triển khai từ 16-25/8/2016). Tổng kinh phí tiền lương ngân sách đã hỗ trợ khi giao dự toán đầu năm nhưng đã kết cấu trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải giảm trừ theo quy định là 26,635 tỷ đồng; năm 2017, UBND tỉnh đã xác định các đơn vị khối chữa bệnh triển khai Thông tư Liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC từ ngày 1/9/2016 để thu hồi và giao bổ sung kinh phí chi thường xuyên cho các đơn vị số tiền 9,960 tỷ; số kinh phí còn lại chưa thu hồi là 16,675 tỷ đồng.

BV đa khoa tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Tiền Phong

Thời điểm tháng 10/2017, địa phương chưa thu hồi hoàn trả ngân sách số tiền 16,675 tỷ đồng (trong khi dư nguồn 35% thực hiện cải cách tiền lương tại các BV thuộc Sở Y tế thời điểm 31/12/2016 là 90,803 tỷ đồng).

Đoàn kiểm tra việc lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán, nghiệm thu thanh toán tại 26 gói thầu thuộc 21 dự án tại 6 đơn vị thấy còn có sai sót: Dự toán giá gói thầu lập, phê duyệt tăng chưa đúng đơn giá, khối lượng của một số hạng mục, công tác số tiền 8,326 tỷ đồng, dẫn đến phải giảm trừ giá trị trúng thầu, giá trị hợp đồng khi nghiệm thu thanh, quyết toán 7,981 tỷ đồng và thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 264 triệu đồng.

Đặc biệt, mặc dù tỉnh phải nhiều lần tạm ứng ngân sách nhưng chưa kịp thời thực hiện việc xử lý, thu hồi các khoản chi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ Kho bạc Nhà nước tỉnh phát sinh trong giai đoạn 2011 - 2014 số tiền 39,175 tỷ đồng. Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh, thời điểm 31/12/2016 các khoản tạm ứng tại 4 dự án đã quá thời gian nhưng chưa được chủ đầu tư và các nhà thầu hoàn trả tạm ứng theo quy định.

Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp quyết liệt để bố trí vốn và thu hồi dứt điểm các khoản tạm ứng ngoài dự toán ngân sách theo đúng chế độ quy định; giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thu hồi nộp ngân sách 16,675 tỷ đồng đã hỗ trợ cho các BV năm 2016; báo cáo Bộ Tài chính việc quản lý, sử dụng 90,803 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư tại các BV; giao Kho bạc Nhà nước tỉnh thu hồi 39,175 tỷ đồng tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã tạm ứng trước năm 2015 và đã hết thời gian thực hiện hợp đồng nhưng chưa thu hồi.

Trần Kiên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thấy gì qua thanh tra Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

Thấy gì qua thanh tra Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

(Thanh tra) - Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 119/KL-TTr ngày 15/11/2024 về thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch do Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.

Trần Quý

21:00 13/12/2024
Trách nhiệm là của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

Trách nhiệm là của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định thu hồi tiền cho thuê đất chưa được Ban Quản lý các khu công nghiệp (QLCKCN) tỉnh thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định với số tiền 594,4 triệu đồng và xác định là trách nhiệm của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban QLCKCN tỉnh.

Nam Dũng

16:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm