Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giao Thanh tra Chính phủ chuyển cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu làm giả tài liệu

Thứ ba, 12/09/2017 - 10:11

(Thanh tra)- Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về giải quyết tố cáo của ông Trần Quốc Quang và những người có liên quan trú tại số 16-18 Trần Quốc Hoàn, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh về chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm), TP Hà Nội. Liên quan đến vụ việc này, Báo Thanh tra đã có nhiều bài phản ánh từ năm 2012.

Ảnh chụp ông Cát nằm viện ngày 10/4/2011

Văn bản trên nêu rõ, sau khi nghe Thanh tra Chính phủ (TTCP) báo cáo và ý kiến của các đại biểu Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội, Ban Tiếp công dân Trung ương và TAND Tối cao, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết luận: Hợp đồng công chứng chuyển nhượng QSDĐ số 1340/2011/HĐCN ngày 7/4/2011 giữa ông Trần Duy Cát và bà Khuất Thị Tính với ông Lê Văn Tuấn có nội dung không xác thực do không được ký, điểm chỉ trước mặt công chứng viên. Điều này vi phạm Khoản 1, Điều 41 Luật Công chứng năm 2006 và vi phạm về nội dung của văn bản công chứng.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao TTCP chỉ đạo, tiến hành xác minh, làm rõ vấn đề năng lực hành vi dân sự của ông Trần Duy Cát tại thời điểm ký, điểm chỉ Hợp đồng công chứng chuyển nhượng QSDĐ số 1340//2011/HĐCN ngày 7/4/2011 (lúc này tình trạng sức khỏe của ông Cát đã suy kiệt, tiếp xúc lơ mơ và đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 - PV); bổ sung, hoàn thiện kết luận thanh tra đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng quy định của pháp luật, đồng thời, có văn bản kiến nghị cơ quan công an xem xét dấu hiệu làm giả tài liệu, xử lý vi phạm của công chứng viên và người có liên quan theo đúng quy định; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu TAND Tối cao xem xét Bản án Dân sự phúc thẩm số 50/2016/DSPT ngày 4/5/2016 của TAND cấp cao tại Hà Nội về tranh chấp yêu cầu công nhận Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (công chứng) theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trở lại với vụ việc, theo TTCP, vụ việc chuyển QSDĐ (mua bán, tặng cho) tại xóm 6, thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) giữa ông Cát, bà Tính (bố, mẹ) cho ông Thắng (con trai thứ 3) và Hợp đồng chuyển QSDĐ giữa ông Cát, bà Tính (bên chuyển nhượng) với ông Lê Văn Tuấn (bên nhận chuyển nhượng) đã được Văn phòng Đăng ký nhà đất huyện Từ Liêm lập hồ sơ; đã được Văn phòng Công chứng A9 (địa chỉ tại 62 Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội) do công chứng viên Đoàn Thị Lý chứng thực, diễn biến khá phức tạp.

Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh, các chứng cứ thu thập từ khâu Đơn xin chuyển nhượng và Đơn tặng cho QSDĐ; việc xác định hiện trạng ranh giới thửa đất; văn bản đề nghị của Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Từ Liêm và 2 bản hợp đồng công chứng tặng cho, chuyển QSDĐ của Văn phòng Công chứng A9, TTCP xác định, vụ việc được xem là tặng cho, chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Cát, vợ là bà Tính cho con trai Trần Duy Thắng (diện tích 343,8m2) chuyển nhượng cho ông Lê Văn Tuấn (diện tích 420,3m2) khi các con của ông bà (Trần Duy Toàn, Trần Quốc Dân, Trần Quốc Quang) không hay biết là hành vi vi phạm pháp luật; giao dịch dân sự này xảy ra trong tình trạng ông Cát ốm nặng (ung thư phổi nguy kịch, hôn mê; nhập Viện ngày 16/2/2011, Hợp đồng công chứng ngày 7/4/2011, ngày 16/4/2011 ông Cát mất tại Bệnh viện 175 TP Hồ Chí Minh); trình tự thủ tục, hồ sơ mua bán tặng cho về nhà đất, Hợp đồng công chứng có dấu hiệu giả mạo, thiếu trung thực, vi phạm pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, những hành vi vi phạm pháp luật đã được Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) điều tra, báo cáo tại Văn bản số 440/CSĐT (ĐTTH) ngày 5/6/2011 và Kết luận thanh tra số 950/KL-TTTP (P7) ngày 24/4/2013 của Thanh tra TP Hà Nội đã xác định đây là hành vi phạm pháp luật và yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ do UBND huyện Từ Liêm đã cấp, đồng thời xử lý cán bộ theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, kết luận không được UBND huyện Từ Liêm, Sở Tư pháp Hà Nội và UBND TP Hà Nội xử lý triệt để gây mâu thuẫn nội bộ gia đình trầm trọng, vi phạm đạo đức xã hội, đặc biệt là xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân (đồng thừa kế). Quan trọng hơn, khi xảy ra vụ việc, các ông Toàn, Dân, Quang có đơn tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật của các cán bộ, công chức Nhà nước của công chứng viên (Văn phòng Công chứng A9).

Song, điều đáng nói, mặc dù theo thẩm quyền, UBND TP Hà Nội có chỉ đạo giao các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xem xét, kết luận và kiến nghị giải quyết nhưng UBND huyện Từ Liêm, Sở Tư pháp và các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực hiện kiên quyết, triệt để, khách quan để giải quyết khiếu tố theo quy định pháp luật, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy; lẽ ra vụ việc cần chỉ đạo tập trung giải quyết theo hướng thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước lại hướng dẫn công dân sang tố tụng dân sự, dẫn đến vụ việc kéo dài gây bức xúc cho công dân, giảm lòng tin của công dân đối với Cơ quan hành chính Nhà nước; đưa vụ việc vào tình huống càng phức tạp, kéo dài, khó xử lý.

Cũng theo TTCP, các hành vi vi phạm gồm Biên bản kiểm tra hiện trạng nhà, đất chuyển nhượng, tặng cho do ông Nguyễn Tiến Quang (Phó Văn phòng Đăng ký nhà đất huyện Từ Liêm) lập ngày 24/3/2011 ghi ông Trần Duy Cát, bà Khuất Thị Tính (đại diện bên cho, tặng) có mặt tại hiện trường khu đất tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (Hà Nội) đã đọc biên bản và ký tên trong khi ông Cát và bà Tính đang ở TP Hồ Chí Minh (ông Cát đang điều trị tại Bệnh viện 175 TP Hồ Chí Minh trong tình trạng sức khỏe nguy kịch).

Tiếp đó là việc ông Nguyễn Tiến Quang ký Văn bản số 526/VPĐKĐ&N ngày 4/4/2011 về việc chuyển QSDĐ tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm gửi các cơ quan Công chứng trên địa bàn TP Hà Nội, có ghi “Căn cứ Đơn đề nghị chuyển QSDĐ của ông Trần Duy Cát” trong khi chữ viết, chữ ký trong đơn không phải của ông Cát. Đồng thời, cũng tại Văn bản này ông Quang gửi Văn phòng Công chứng xác nhận “Trường hợp này đủ điều kiện để làm thủ tục chuyển QSDĐ”.

Hay như việc ghi lời chứng của công chứng viên Đoàn Thị Lý (Văn phòng Công chứng A9) tại 2 Hợp đồng số 1340/2011/HĐCN và số 1341/2011/HĐTC với lời chứng sự có mặt của ông Cát, bà Tính tại Văn phòng Công chứng A9 trong khi ông Cát đang điều trị tại Bệnh viện 175 TP Hồ Chí Minh trong tình trạng sức khỏe nguy kịch (sau 9 ngày Hợp đồng công chứng thì ông Cát mất).

Mặt khác, công chứng viên Đoàn Thị Lý đã cử ông Trần Viết Thắng (nhân viên Hợp đồng) vào Bệnh viện Quân y 175 (tại TP Hồ Chí Minh) thực hiện lấy điểm chỉ của ông Cát về Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho trong khi ông Cát mất năng lực hành vi dân sự, nhưng không mời người làm chứng, về thời gian công chứng chậm 2 ngày. Những hành vi của công chứng viên Lý vi phạm điểm d, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 12; vi phạm Khoản 2 Điều 38 của Luật Công chứng 2006.

Tất cả những hành vi trên, theo TTCP là có dấu hiệu cấu thành tội giả mạo trong công tác, vi phạm điểm b, Khoản 1 và điểm a, điểm b, Khoản 2, Điều 284 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Từ những căn cứ trên, TTCP khẳng định, nội dung tố cáo ông Lê Văn Thư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (nay là Bí thư Quận ủy quận Bắc Từ Liêm) bao che cấp dưới là ông Nguyễn Tiến Quang và bà Nguyễn Thị Nắng Mai về hành vi vi phạm pháp luật để cấp GCNQSDĐ cho ông Tuấn, ông Vinh trái pháp luật đúng một phần.

Nội dung tố cáo ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp bao che cho công chứng viên Đoàn Thị Lý có hành vi sai phạm trong thực hiện công chứng Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tặng cho là đúng một phần.

Đan Quế

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm