Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công bố kết luận thanh tra liên quan đến Út trọc và Công ty Phát triển Đầu tư Thái Sơn

Thứ năm, 11/04/2019 - 18:07

(Thanh tra) - Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ 4 nội dung...

Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn đã bị khởi tố, đưa ra xét xử.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại Văn bản số 1397/VPCP-V.I ngày 17/5/2018 của Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTCP ngày 1/6/2018 về thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (Bộ Q.P) và đã ban hành Kết luận thanh tra số 35/KL-TTCP ngày 8/1/2019 về việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P.

Ngày 29/3/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2501/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong đó có nội dung đồng ý với nội dung báo cáo, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra số 35/KL-TTCP ngày 8/1/2019.

Căn cứ Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010 về công khai kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra như sau:

I. NỘI DUNG THANH TRA

Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (sau đây gọi tắt là Công ty Thái Sơn Bộ Q.P) gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Việc góp vốn, chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P;

- Về năng lực và kinh nghiệm của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P;

- Việc chấp hành quy định pháp luật của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại các dự án đầu tư xây dựng.

II. NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM, VI PHẠM

1. Việc góp vốn, chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P

1.1. Việc góp vốn thành lập Công ty Thái Sơn Bộ Q.P

- Ngày 5/8/2009, Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (viết tắt là Tổng công ty Thái Sơn) có Quyết định số 823/QĐ-TS về việc góp vốn đầu tư bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P trị giá 10.200 triệu đồng, tương đương 51% vốn điều lệ. Trong đó, uỷ quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ, Phó Tổng Giám đốc đại diện quản lý 21% và ông Cung Đình Minh, Tổng Giám đốc quản lý 30% vốn điều lệ của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vi phạm quy định tại Khoản 6, Điều 16  Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Thái Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP ngày 22/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Năm 2013, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thay đổi đăng ký kinh doanh với nội dung tăng vốn điều lệ từ 20.000 triệu đồng lên 120.000 triệu đồng, theo đó, số tiền tương ứng Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn là 24.000 triệu đồng. Thực tế, đến thời điểm thanh tra, Tổng công ty Thái Sơn đã đăng ký góp vốn với tổng số tiền là 34.200 triệu đồng nhưng không thực góp. Việc làm này là vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 11, Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 về việc góp vốn điều lệ theo thời hạn đăng ký kinh doanh.

Mặt khác, theo sổ sách kế toán của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, tại thời điểm tăng vốn điều lệ (năm 2013) từ 20.000 triệu đồng lên 120.000 triệu đồng, các cổ đông Công ty chưa góp đủ vốn, đến năm 2016 mới góp đủ 120.000 triệu đồng bằng tiền mặt (do các cá nhân gồm: Bà Lê Thị Thảo góp 37.200 triệu đồng, bà Vũ Thị Hoa góp 41.400 triệu đồng, bà Vũ Thị Hoan góp 41.400 triệu đồng). Việc góp vốn điều lệ không đúng và đủ theo thời hạn đăng ký kinh doanh là vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 11, Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11, theo đó, việc thực hiện góp vốn bằng tiền mặt, không phát sinh giao dịch bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng là thiếu khách quan và minh bạch.

1.2. Về việc chuyển nhượng vốn góp của Tổng công ty Thái Sơn

2.1. Lần 1 - chuyển nhượng 31%  cổ phần tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P

Theo Quyết định số 1658/QĐ-TS ngày 28/11/2012 của Chủ tịch Tổng công ty Thái Sơn về việc chuyển nhượng số cổ phần nói trên tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cho cá nhân là bà Lê Thị Thảo trị giá 6.400 triệu đồng. Việc ký hợp đồng chuyển nhượng được thực hiện cùng ngày 28/11/2012, sau đó được bà Thảo nộp bằng tiền mặt và ghi tăng phần vốn góp của bà Thảo tương ứng tỉ lệ và giá trị nhận chuyển nhượng tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P. Kiểm tra thấy: Việc chuyển nhượng cổ phần không có Biên bản họp Đại hội cổ đông, thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, không đúng như thỏa thuận thanh toán bằng chuyển khoản. Việc làm này là vi phạm quy định tại Điều 6, Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 về thanh toán bằng tiền mặt.

2.2. Lần 2 - Chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại

Theo Quyết định số 969/QĐ-TS ngày 2/10/2017 của Chủ tịch Tổng công ty Thái Sơn về việc chuyển nhượng toàn bộ 20% cổ phần còn lại với giá trị chuyển nhượng là 25.200 triệu đồng, cũng được bán chỉ định (không thông qua đấu giá công khai) cho bà Lê Thị Thảo đang là cổ đông hiện hữu theo Hợp đồng chuyển nhượng ngày 05/10/2017, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13, nguy cơ thất thoát vốn của Nhà nước.

Như vậy, việc Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng, thanh toán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là không đúng quy định, thiếu công khai, minh bạch; Tổng công ty Thái Sơn chưa làm đúng vai trò Chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, trong đó có nhiệm vụ thanh kiểm tra và đánh giá Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty theo quy định tại Khoản 7, Điều 16, Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP ngày 22/1/2007 của Bộ Quốc phòng.

2. Về năng lực và kinh nghiệm của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P

2.1. Về năng lực tài chính

Qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu hiện có của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cho thấy:

Hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 đến năm 2017 được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hằng năm với các cơ quan Thuế nhưng không được kiểm toán. Nhưng trong các hồ sơ xin vay vốn của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại các chi nhánh của Ngân hàng BIDV (Thành Đô, Bà Chiểu…); hồ sơ tham gia liên danh nhà đầu tư các dự án BOT, BT (Cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20 đoạn Km123-Km268) và hồ sơ dự thầu một số gói thầu xây lắp thấy: các báo cáo tài chính có đóng dấu, ký xác nhận của một số công ty kiểm toán (như: FAC, HDT, VNASC, SG-VN, Đệ Nhất ...). Tuy nhiên, qua xác minh, một số đơn vị tư vấn đã xác nhận không thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.

Về số liệu tại các báo cáo tài chính “được cho là đã kiểm toán” để xin vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có đủ năng lực; nhưng so với báo cáo tài chính để quyết toán thuế hàng năm có nhiều sai khác, không đúng thực tế, tình hình tài chính rất yếu kém, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu luôn âm, lỗ (năm 2015 lỗ 4,21 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 5,975 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 628 triệu đồng).

Những việc làm trên của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, các đơn vị, cá nhân liên quan có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu các dự án.

2.2. Về năng lực máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm

Theo tài liệu của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cung cấp, chỉ có danh sách tài sản cố định, không có hồ sơ, lý lịch đầy đủ về tài sản; không thực hiện kiểm kê tài sản hằng năm theo quy định. Tài sản cố định đủ hồ sơ chứng minh đến thời điểm năm 2017 của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có tổng giá trị theo nguyên giá khoảng 120.000 triệu đồng, trong đó, chủ yếu là: 01 bồn chứa dầu và khoảng từ 10 đến 40 xe ô tô du lịch từ 04 đến 07 chỗ ngồi, không có máy móc, thiết bị phục vụ thi công, xây lắp các công trình được giao nhận thầu.

 Theo sổ sách, kế toán tiền lương từ khi thành lập (tháng 9/2009) đến tháng 12/2014, Công ty có rất ít lực lượng nhân công, chủ yếu chỉ có nhân viên phòng hành chính, lái xe, kế toán, thủ quỹ… và một số rất ít cán bộ kỹ thuật xây dựng (các năm 2009, 2010, 2011, 2013 chỉ có 01 người, năm 2012 không có, đến 12/2014 mới có 04 người thuộc Phòng dự án).

 Theo hồ sơ tham gia dự thầu các dự án với vai trò là thành viên liên  danh và nhà thầu xây lắp, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có kê khai về kinh nghiệm đã tham gia một số dự án với vai trò là nhà thầu, nhưng thực tế chỉ đứng tên, chưa trực tiếp thực hiện gói thầu, dự án nào tương tự như Hồ sơ yêu cầu hay Hồ sơ mời thầu và sau khi được lựa chọn, trúng thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng lại cho các đơn vị khác thực hiện như: một số gói thầu tại các dự án BOT và BT (Cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20 đoạn Km 123-Km268) chủ yếu do Tổng công ty 319 và Cienco I thi công; các gói thầu xây lắp (tại sân bay Pleiku, sân bay Cam Ranh, tại Quảng Ninh, Long An, Hà Nội …) cũng được chuyển nhượng toàn bộ cho các nhà thầu phụ khác thực hiện thi công xây lắp.

Như vậy, thực chất Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không có đủ năng lực về máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án, gói thầu nhưng vẫn được các chủ đầu tư lựa chọn trúng thầu.

3. Việc chấp hành quy định pháp luật của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại các dự án đầu tư xây dựng

3.1. Việc thực hiện trách nhiệm là Nhà đầu tư

3.1.1. Tại Dự án khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 theo hình thức BOT kết hợp BT

Ngày 20/12/2013, Bộ Giao thông Vận tải có Quyết định số 4208/QĐ-BGTVT, trong đó: chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án là liên  danh Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty Yên Khánh; công trình được khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2015; tổng vốn đầu tư là 4.110.980 triệu đồng; thời hạn kinh doanh chuyển giao công trình đối với phần BOT dự kiến là 22 năm tính từ ngày bắt đầu thu phí; phần BT được chuyển giao cho Nhà nước sau khi xây dựng xong, thời điểm thanh toán BT dự kiến bắt đầu từ năm 2018 đến năm 2022.

Ngày 6/3/2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp dự án lần đầu số 5801233598 cho Công ty TNHH BOT và  BT Quốc lộ 20; theo đó, ngày 07/11/2014 Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 88/BKHĐT-GCNĐTTN cho Liên  danh.

Ngày 25/3/2015, Bộ Giao thông Vận tải, Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án ký Hợp đồng số 10/HĐ.BOT.BT-BGTVT (sau đó, ký các phụ lục hợp đồng: số 28/PLHĐ.BOT.BT-BGTVT ngày 15/12/2015, số 29/PLHĐ.BOT.BT-BGTVT ngày 22/02/2017 và số 30/PLHĐ.BOT.BT-BGTVT ngày 11/7/2017).

Kết quả thanh tra, kiểm toán một số nội dung liên quan đến Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cho thấy:

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 166/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính, các nhà đầu tư khi tham gia dự thầu phải có hồ sơ chứng minh về năng lực tài chính, trong đó, Vốn chủ sở hữu (CSH) được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán. Tuy nhiên, tại Hồ sơ yêu cầu do Tổ chuyên gia tư vấn đấu thầu lập, Ban Quản lý dự án 7 phê duyệt chỉ yêu cầu có Báo cáo tài chính năm 2012 và Báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất được kiểm toán, dẫn đến, việc đánh giá tiêu chí về Vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính của Liên danh tham gia dự thầu thiếu chính xác, cụ thể: cả 03 nhà đầu tư đều không đạt yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo các quy định của Hồ sơ yêu cầu và Điều 5, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ, đó là: Tổng công ty 319 cần phải có vốn CSH ≥ 222,12 tỷ đồng (tương đương 40% vốn điều lệ), Công ty Yên Khánh và Công ty Thái Sơn Bộ Q.P phải có vốn CSH ≥ 166,59 tỷ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ) nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

- Theo đề xuất của Nhà đầu tư "Mức thu phí từ năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước quy định", không đúng với quy định tại Phần 2, Mục IV.1 của Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài chính nhưng vẫn được Ban Quản lý dự án 7 đánh giá đạt để Bộ Giao thông vận tải lựa chọn làm nhà đầu tư.

- Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải còn chấp thuận giao cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thực hiện thi công Gói thầu số 23, sau đó, đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty TNHH MTV Vạn Tường thực hiện.

Như vậy, mặc dù các điều kiện về năng lực, hồ sơ của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P chưa đáp ứng yêu cầu và không đúng quy định nhưng vẫn được Tổ chuyên gia đấu thầu, Ban Quản lý dự án 7 trình để Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chỉ định Nhà đầu tư tại Quyết định số 4208/QĐ-BGTVT ngày 20/12/2013 và được chấp thuận giao gói thầu số 23, nhưng lại chuyển nhượng thầu, vi phạm Khoản 8a, Điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.

- Công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình còn có nhiều tồn tại, thiếu sót, sai phạm đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị… nhưng chưa được Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xử lý theo quy định như: việc lập dự toán, áp dụng định mức, đơn giá, thiết kế, ký kết hợp đồng, hoàn công, nghiệm thu thanh toán… Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án Đầu tư cây dựng công trình khôi phục, cải tạo QUốc lộ 20 đoạn Km123 – Km268 cần phải xử lý với tổng số tiền 18.030,98 triệu đồng; theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ: chênh lệch tăng sai tại gói thầu số 23 thuộc dự án thành phần 1 (BOT) là 299,983 triệu đồng, tại các gói thầu XL2.1, XL2.2, XL2.9 thuộc dự án thành phần 2 (BT) cần phải điều chỉnh giảm khi quyết toán 836,222 triệu đồng, việc xác định giá trị thu hồi quyền thu phí Trạm Bảo Lộc chưa đúng quy định 284.705,3 triệu đồng. Ngoài ra, tiến độ huy động, góp vốn của nhà đầu tư cho dự án chậm, đến hết Quý IV/2016 (sau 9 tháng kể từ khi ký hợp đồng) Công ty Thái Sơn Bộ Q.P mới góp được 106.411/164.258 triệu đồng, đạt 64,78% theo yêu cầu; tiến độ xây dựng chậm gần 01 năm so với quyết định đầu tư.

- Trước khi lập dự án và quyết định đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã không rà soát, tổng hợp cân đối kế hoạch bố trí vốn thanh toán cho các dự án, đảm bảo bố trí vốn đúng kế hoạch và hiệu quả, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước và Doanh nghiệp dự án. Đến nay, Dự án khôi phục và cải tạo Quốc lộ 20 chưa được phê duyệt kế hoạch bố trí vốn trung hạn để thanh toán cho phần BT, do đó, theo hợp đồng BT, Bộ Giao thông vận tải sẽ phải thanh toán toàn bộ vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư từ năm 2018 đến năm 2022; trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải đã và đang phải thực hiện nhiều dự án BT khác (như: QL 20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc; đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Tuý Loan…), nguy cơ thiệt hại cho cả doanh nghiệp và nhà nước.

3.1.2. Tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì theo hình thức Hợp đồng BOT.

Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 2932/QĐ-BGTVT ngày 25/9/2013 của Bộ Giao thông vận tải với tổng mức đầu tư là 1.900.548 triệu đồng bằng nguồn vốn do nhà đầu tư tự huy động từ vốn chủ sở hữu và vốn vay; dự kiến thời gian xây dựng từ năm 2013 đến năm 2015; thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 20 năm 8 tháng.

Bộ Giao thông vận tải đã quyết định lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án là Liên  danh Cienco 1 - Thái Sơn - Yên Khánh tại Quyết định số 3567/QĐ-BGTVT ngày 07/12/2013. Hợp đồng BOT số 45/BOT-BGTVT được ký chính thức vào ngày 29/8/2014 giữa Bộ Giao thông vận tải, Liên danh và Doanh nghiệp dự án với Tổng vốn đầu tư là 1.745.111 triệu đồng.

Dự án được khởi công ngày 30/11/2013, hoàn thành thông xe kỹ thuật ngày 19/5/2015, Chủ đầu tư đề nghị và được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho thu phí từ 0giờ ngày 07/12/2015 tại Quyết định số 4245/QĐ-BGTVT ngày 30/11/2015.

Qua kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước và kết quả thanh tra một số nội dung liên quan đến Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cho thấy:

- Hồ sơ yêu cầu mời thầu do Ban Quản lý dự án Thăng Long lập, Bộ Giao thông vận tải thẩm định và phê duyệt lại chỉ yêu cầu “có Báo cáo tài chính năm 2012 và Báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất được kiểm toán” là không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 166/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính quy định các nhà đầu tư khi tham gia dự thầu phải có hồ sơ chứng minh về năng lực tài chính, trong đó, “Vốn chủ sở hữu (CSH) được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán độc lập kiểm toán”. Dẫn đến, việc đánh giá tiêu chí về Vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính của Liên danh tham gia dự thầu thiếu chính xác, cụ thể như: tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia dự thầu, Cienco 1 là Doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước chưa được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho phép tham gia dự thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án, vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 4, Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/07/2013 của Chính phủ; nguồn vốn chủ sở hữu của Cienco 1 không đạt yêu cầu phải lớn hơn 20% vốn điều lệ theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ; Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là thành viên Liên danh cũng không đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm… như đã nêu trên.

- Nhà đầu tư đã đề xuất và được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận "Mức thu phí từ năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước" nhưng vẫn được đánh giá “Đạt”, vi phạm quy định tại Khoản 1, Mục IV, Phần 2 Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài chính.

Như vậy, mặc dù các điều kiện về năng lực, hồ sơ của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và các thành viên trong liên danh chưa đáp ứng yêu cầu mời thầu theo quy định nhưng vẫn được Ban Quản lý dự án Thăng Long chấp thuận và trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt chỉ định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cầu Việt Trì theo hình thức BOT tại Quyết định 3567/QĐ-BGTVT ngày 07/12/2013.

- Theo Biên bản đàm phán hợp đồng ngày 22/11/2013 đã được Bộ Giao thông vận tải ký kết với Nhà đầu tư quy định về tiến độ góp vốn: “nhà đầu tư góp 20% giá trị vốn chủ sở hữu trong 02 tháng đầu tiên; 40% giá trị vốn chủ sở hữu trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký tắt Hợp đồng, đồng thời đáp ứng chi phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trong trường hợp chưa ký được hợp đồng tín dụng”. Tuy nhiên, sau 90 ngày kể từ khi thành lập (ngày 22/11/2013 - ngày 20/02/2014), Nhà đầu tư mới chỉ góp được tổng số 39.900 triệu đồng, đạt 15,06% (Trong đó: Công ty Yên Khánh 14.650 triệu đồng, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P 14.650 triệu đồng, Cienco 1 là 10.600 triệu đồng); đến ngày 21/7/2016, tổng vốn góp được 212.737,40 triệu đồng, đạt 80,28%; kể từ đó các nhà đầu tư không thực hiện góp vốn như đã đăng ký tại Phụ lục 2, Hợp đồng BOT ký tắt số 12799/ĐC.BOT-BGTVT ngày 27/11/2013 và Hợp đồng BOT số 45/BOT-BGTVT ngày 29/8/2014.

- Các vi phạm trong việc lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công xây lắp đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, trong đó: không chấp nhận quyết toán tại các gói thầu XL.01-1, XL.01-2 và XL.01-3 với tổng số tiền 74.737 triệu đồng.

3.2. Việc thực hiện trách nhiệm Nhà thầu xây lắp

3.2.1. Tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku

- Liên danh Cienco 4 và Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) trúng thầu gói thầu số 6 với giá trị hợp đồng là 606.429 triệu đồng. Sau đó, Cienco 4 và ACC đã chuyển nhượng một phần khối lượng công việc với giá trị 120.000 triệu đồng (chiếm 19,8% giá trị hợp đồng) cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P để thi công nhưng không có văn bản chấp thuận của Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Sau đó, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P lại chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam; thực tế, Công ty 168 cũng không trực tiếp thi công mà tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng và Thương mại Dương Đạt, Gia Lai thực hiện thi công.

- Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không trực tiếp thi công nhưng vẫn được nhà thầu chính nghiệm thu, thanh toán khối lượng công việc hoàn thành, trong đó, nhà thầu chính thanh toán khối lượng được nghiệm thu cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nhưng Công ty này đã thanh toán không đúng giá trị khối lượng cho các nhà thầu thứ cấp số tiền 13.745,882 triệu đồng, có dấu hiệu không rõ ràng, minh bạch trong việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công; đồng thời, không hoạch toán đủ số doanh thu 120.000 triệu đồng theo hợp đồng thi công, dẫn đến, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp 3.436 triệu đồng.

Như vậy, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và các đơn vị liên quan đã thực hiện việc chuyển nhượng thầu, có dấu hiệu trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, vi phạm các quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH1, Điều 108 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006.

3.2.2. Tại gói thầu thi công xây dựng Khối nhà cơ quan 4 trong Khu trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Long An trị giá 130.238 triệu đồng

- Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã kê khai trong hồ sơ dự thầu: có 20 loại máy móc thiết bị, trong đó, có 13 loại máy móc, thiết bị là của nhà thầu, 07 thiết bị máy móc nhà thầu đi thuê, nhưng không có đầy đủ hồ sơ chứng minh; về nhân công đơn vị kê khai có 10 kỹ sư thuộc các ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, điện, cơ khí, cầu đường bộ, an toàn lao động, thực tế, không có đủ lực lượng nhân công như kê khai nhưng vẫn được chủ đầu tư đánh giá đạt yêu cầu.

- Tương tự, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã kê khai trong hồ sơ dự thầu về kinh nghiệm thi công bằng một số hợp đồng như: (1) Hợp đồng số 59/HĐXD/2010-YK ngày 15/8/2010 về thi công nhà làm việc tại 19A Cộng Hòa ký giữa Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty Yên Khánh với giá trị hợp đồng là 189.960 triệu đồng, có Biên bản nghiệm thu hoàn thành, bàn giao, thanh lý hợp đồng và xuất Hóa đơn thuế giá trị gia tăng (MST: 0309425470) 187.403 triệu đồng; (2) Hợp đồng kinh tế số 19/2011/HĐKT ngày 17/01/2011 giữa Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty cổ phần Đầu tư Cái Mép về "Thi công xây dựng toàn bộ phần móng, kết cấu, kiến trúc, phần điện nước và hoàn thiện công trình Khu văn phòng và căn hộ cho thuê VK 928 Cộng Hòa, phường 13, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh trị giá 179.779 triệu đồng, đã nghiệm thu, thanh lý hợp đồng và xuất hóa đơn giá trị gia tăng (MST: 0309425470); (3) Hợp đồng số 37/HĐXL/PVC-IC.TS ngày 06/6/2010 với Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (PVC-IC) về xây dựng Khu nhà ở Cán bộ công nhân viên PVC-IC là 339.258 triệu đồng, đã nghiệm thu bàn giao, thanh lý hợp đồng và xuất Hóa đơn (MST: 0309425470) giá trị là 330.722 triệu đồng.

Tuy nhiên, kiểm tra thấy: trên sổ sách kế toán của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không phản ánh các hoạt động liên quan đến các hợp đồng nêu trên; Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định các hóa đơn mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P xuất cho các đơn vị nêu trên không có giá trị sử dụng.

Như vậy, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không đủ năng lực về tài chính, nhân công, thiết bị và kinh nghiệm thi công, đặc biệt, có dấu hiệu làm giả mạo hồ sơ về kinh nghiệm thi công nhưng vẫn được Đại diện Chủ đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh Long An đánh giá đủ năng lực và công nhận trúng thầu. Sau khi trúng thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng toàn bộ hợp đồng cho Công ty cổ phần Xây dựng ST và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Quang Phương, vi phạm Khoản 8a, Điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.

3.2.3. Tại một số gói thầu thuộc các dự án khác

Qua thanh tra tại một số gói thầu thuộc các dự án khác mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P được chỉ định, công nhận trúng thầu xây lắp đã phát hiện những khuyết điểm, vi phạm tương tự như:

- Dự án Khối nhà làm việc của Huyện ủy, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An trị giá 28.450 triệu đồng, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã trúng thầu và chuyển nhượng cho nhà thầu phụ là Công ty cổ phần Xây dựng ST thực hiện.

- Công trình nhà làm việc và kho chứa bia, Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại Sabeco Sông Hậu tại An Giang giá trị 11.711,249 triệu đồng do Tổng công ty Thái Sơn trúng thầu, sau đó đã ký Hợp đồng số 174/HĐ-XD giao toàn bộ công trình cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thực hiện là 11.594,136 triệu đồng, sau đó, Công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Văn Minh AB.

- Tại Dự án Nút giao trung tâm quận Long Biên do Công ty cổ phần Him Lam làm nhà đầu tư theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 2.847.001 triệu đồng; trong đó, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P được chỉ định thầu thi công 04 gói thầu, sau đó, đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho các nhà thầu phụ khác không đúng quy định (như: Công ty Hạ tầng Bảo Tín, Coma, Xí nghiệp Cầu 17, Cienco 1, Công ty Thành An…).

- Tại các gói thầu XL04 “Xây dựng cầu Cẩm Hải” thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Cẩm Hải - Vân Đồn” trị giá 464.958 triệu đồng và gói thầu XL05 “Xây dựng cầu Sông Chanh” thuộc Dự án Đường nối Thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng”, tỉnh Quảng Ninh giá trị 897.981 triệu đồng. Dự án được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, các liên danh Cienco 1 - Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty cổ phần Cầu 12 - Công ty cổ phần Xây dựng Cầu 75 - Công ty Thái Sơn Bộ Q.P trúng thầu. Sau khi trúng thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cũng không tổ chức thi công mà chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho Cienco1 thi công.

- Tại gói thầu BP04 “Công tác cơ sở hạ tầng, chuẩn bị công trường và cầu dẫn”, thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa trị giá 488.322 triệu đồng do Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh ký Hợp đồng số 02/2017-TTHĐ-CRTC ngày 03/4/2017 với Liên danh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P - Cienco 1, trong đó, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P làm đại diện liên danh, thực hiện giá trị khối lượng công việc trị giá 146.497 triệu đồng, chiếm 30%; Cienco 1 thực hiện giá trị khối lượng công việc trị giá 341.825 triệu đồng, chiếm 70%. Ngay sau đó, ngày 07/4/2017, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng lại toàn bộ khối lượng công việc cho Cienco 1 với giá trị 144.299 triệu đồng, hưởng chênh lệch theo sổ sách gần 2,2 tỷ đồng.

- Tại 02 gói thầu thuộc Dự án “Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông”, qua xem xét hồ sơ thấy: đây là các gói thầu có tính cấp bách thuộc dự án được lựa chọn hình thức chỉ định thầu rút gọn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 06/4/2015 của Văn phòng Chính phủ; việc phân chia các gói thầu và lựa chọn hình thức thực hiện được phê duyệt tại Quyết định số 1575/QĐ-UBND ngày 12/10/2015 của UBND tỉnh Đăk Nông. Theo đó, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P trong liên danh nhà thầu được chỉ định thầu đảm nhiệm 60% giá trị công việc gồm 02 Gói thầu (Gói số 2XL “San lấp và gia cố mái ta luy tại nhà máy luyện nhôm - Hạng mục công trình San nền và Bảo vệ mái dốc” và số 6XL “Đường nối từ QL14 vào cổng Khu Công nghiệp Nhân Cơ”.

Sau khi ký hợp đồng với Chủ đầu tư, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc của mình trong từng gói thầu cho các nhà thầu phụ như: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng KCON, Công ty cổ phần Thương mại số 7 Hà Tĩnh, Chi nhánh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P...

- Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không dự thầu, được Công ty Yên Khánh giới thiệu làm nhà thầu phụ tại Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, không trực tiếp thi công nhưng vẫn được Chủ đầu tư là Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tạm ứng tiền thi công và để trả nợ vay ngân hàng; Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chiếm dụng vốn của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng số tiền 695.540 triệu đồng, làm giảm thu nhập chịu thuế của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, gây thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính là 26.853 triệu đồng.

3.3. Việc quản lý và sử dụng vốn của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P

3.3.1. Việc quản lý, sử dụng các khoản phải thu, phải trả

- Theo tài liệu, hồ sơ do Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cung cấp, tính đến ngày 31/12/2017, tổng số tiền Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cho các cổ đông vay chưa thu hồi được là 192.490 triệu đồng. Tuy nhiên, các hợp đồng vay không nêu mục đích sử dụng tiền vay, tất cả các khoản vay đều được chi bằng tiền mặt. Đáng chú ý, kèm theo mỗi hợp đồng vay đều có Biên bản họp Hội đồng quản trị hoặc Biên bản họp Đại hội cổ đông có tất cả các cổ đông cùng ký xác nhận thông qua, chấp thuận việc cho vay, trong đó, có chữ ký của ông Cung Đình Minh, Phó Tổng Giám đốc, nguyên đại diện vốn của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, qua kết quả làm việc với ông Cung Đình Minh, ông Minh đã xác nhận không tham gia cũng như không ký bất kỳ văn bản nào tại các cuộc họp Hội đồng quản trị về việc thông qua nội dung cho các cổ đông vay tiền như nêu trên, những việc làm trên của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu.

Tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không lưu trữ đầy đủ hồ sơ, chứng từ kế toán theo quy định, đặc biệt là các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động vay, trả phát sinh bằng tiền mặt như nêu trên, không làm rõ được trách nhiệm thu hồi số tiền mà các cổ đông đã vay nhưng chưa trả với số tiền là 192.490 triệu đồng.

- Kiểm tra việc quản lý, hạch toán một số khoản phát sinh vay, trả thấy: (i) ngày 01/11/2013 và ngày 07/11/2013, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tạm ứng tiền thi công kho bia Z11 của Công ty Yên Khánh số tiền là 119.400 triệu đồng, ngay sau đó, ngày 08/11/2013, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P chuyển tiền cho Công ty Yên Khánh vay số tiền 111.000 triệu đồng, từ ngày 11/11/2013 đến ngày 14/11/2013, Công ty Yên Khánh trả lại hết tiền vay cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P; (ii) trong năm 2015, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P chuyển tiền mặt cho Công ty Yên Khánh 48.800 triệu đồng, sau đó được cấn trừ công nợ của cùng một khách hàng với Công ty Yên Khánh cũng với số tiền 48.800 triệu đồng… nhưng trên hồ sơ, sổ sách tại Công ty Yên Khánh không phản ánh các phát sinh nêu trên. Đồng thời, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không cung cấp được hồ sơ chứng minh các phát sinh vay, trả (như: hợp đồng kinh tế, chứng từ đối chiếu công nợ…), vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ quy định về việc thanh toán bằng tiền mặt.

Như vậy, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có dấu hiệu giả mạo chữ ký, hồ sơ, tài liệu, vi phạm quy định tại Điều 4, Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 và Điều 14, Điều 40, Điều 41, Luật Kế toán số 03/2003/QH11.  

3.3.2. Việc quản lý, sử dụng các khoản vay ngân hàng

- Tại Dự án Cầu Việt Trì mới: Ngân hàng BIDV đã dựa trên hồ sơ do Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cung cấp để đánh giá năng lực về tài chính “Đạt” là không đúng thực tế do: các số liệu trên Báo cáo tài chính sai lệch so với thực tế nhiều lần; điều chuyển cân đối qua lại giữa các chỉ số về tài sản và nguồn vốn không chính xác. Hậu quả là, dự án đã không trả nợ đúng cam kết, không bố trí đủ vốn để trả nợ, thiếu tài sản đảm bảo an toàn vốn vay.

- Tương tự, Ngân hàng BIDV chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, không có biện pháp, tiến hành xác minh, kiểm tra thực tế tại đơn vị, không phát hiện ra những số liệu sai lệch, dẫn đến, nhận định, đánh giá không đúng về năng lực, kinh nghiệm của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và thực hiện tài trợ vốn vay cho Dự án BOT, BT Quốc lộ 20, không đảm bảo an toàn vốn cho vay.

- Công ty Yên Khánh (một bên trong liên danh Công ty cổ phần Yên Khánh - Hải Thành được thành lập theo Hợp đồng liên danh số 07 ngày 04/9/2006 giữa Công ty Yên Khánh và Công ty Hải Thành, Bộ Tư lệnh Hải Quân) đã sử dụng giá trị quyền sử dụng lô đất 3.531 m2 tại số 7-9 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh theo Giấy chứng nhận số BA 881193 để làm tài sản đảm bảo của bên thứ ba và vay vốn tại một số ngân hàng để thực hiện nhiều dự án (như: QL20, cầu Việt Trì mới, Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương …) là không đúng quy định trong khi khu đất này là đất Quốc phòng, không được phép thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 9 Thông tư số 35/2009/TT-BQP ngày 20/7/2009 của Bộ Quốc phòng. Ngày 23/11/2018, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số bị can có hành vi vi phạm về quản lý đất đai tại khu đất này.

 - Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có dấu hiệu giả mạo hồ sơ như: sử dụng các hóa đơn không có giá trị, Báo cáo tài chính không chính xác về số liệu để vay vốn từ năm 2015 đến năm 2017 tại BIDV Chi nhánh Bà Chiểu với tổng hạn mức tín dụng là 1.050.000 triệu đồng; lập hồ sơ giả (gồm: hồ sơ thiết kế, dự toán, bản nghiệm thu thanh toán, các hoá đơn GTGT) tại công trình Tổng kho bia Sài Gòn, tại Z11, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP.Hồ Chí Minh để rút vốn vay tại 02 ngân hàng (BIDV Chi nhánh Thành Đô và Liên Việt PostBank Chi nhánh Sài Gòn) với tổng số tiền là 305.000 triệu đồng; chiếm dụng vốn tại ngân hàng LiênViệt PostBank Chi nhánh Chợ Lớn 187.000 triệu đồng Những việc làm trên là vi phạm quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.

3.3.3. Việc thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước

Qua hồ sơ, sổ sách kế toán thấy: tổng doanh thu từ các dự án là 1.214.609 triệu đồng, tổng chi phí phục vụ cho các dự án (chủ yếu thanh toán cho các nhà thầu phụ) là 1.079.549 triệu đồng, chênh lệch 135.059 triệu đồng không được Công ty Thái Sơn Bộ Q.P hạch toán, phản ánh trên tài khoản doanh thu và nộp thuế theo quy định, vi phạm Điều 108, Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006. Qua thanh tra, xác định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính cần xử lý theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính là  31.000 triệu đồng.

3.4. Việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm cho người lao động

Từ năm 2009 đến hết năm 2014, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đóng thiếu Bảo hiểm cho người lao động với tổng số tiền là 205 triệu đồng (trong đó, Bảo hiểm xã hội bắt buộc 177 triệu đồng và Bảo hiểm y tế là 28 triệu đồng), vi phạm quy định tại Điều 14 và Điều 216 Luật Bảo hiểm năm 2006 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.

III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ XỬ LÝ

1. Kết luận

1.1. Việc góp vốn và chuyển nhượng cổ phần của Tổng công ty Thái Sơn

 - Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, không thực hiện việc góp vốn Điều lệ như cam kết, vi phạm quy định.

- Việc Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng cổ phần là thiếu khách quan, minh bạch và không đúng quy định tại Điều 6, Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ; không thực hiện đúng, đủ vai trò, trách nhiệm của Chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P theo quy định tại Khoản 7, Điều 16 Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP ngày 22/01/2007 của Bộ Quốc phòng.

Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc Lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn và các đơn vị, cá nhân liên quan.

1.2. Việc thực hiện các dự án đầu tư

- Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu (như: Báo cáo tài chính, xác nhận của đơn vị kiểm toán, năng lực máy móc, thiết bị, nhân công, kinh nghiệm…) để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu tại các dự án được thanh tra (như: Cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20…),  nhưng vẫn được các Chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, trúng thầu thi công xây lắp nhiều gói thầu, dự án với giá trị lớn. Sau khi được lựa chọn là nhà thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các doanh nghiệp khác để hưởng lợi.

Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn, các chủ đầu tư dự án và đơn vị, cá nhân có liên quan.

- Việc thực hiện trách nhiệm Nhà đầu tư tại dự án Cầu Việt trì, Quốc lộ 20:

+ Các Ban Quản lý dự án phê duyệt yêu cầu hồ sơ mời thầu, Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư không đúng quy định về vốn chủ sở hữu, dẫn đến, đánh giá năng lực tài chính không chính xác nhưng vẫn được Bộ Giao thông vận tải thẩm định, nhận xét, đánh giá đạt và quyết định lựa chọn Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là Nhà đầu tư dự án trong liên danh, nhưng sau đó Công ty Thái Sơn Bộ Q.P lại chuyển nhượng thầu; Nhà đầu tư đề xuất mức thu phí không đúng quy định nhưng vẫn được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận là vi phạm quy định.

+ Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thiếu năng lực cả về tài chính, máy móc, thiết bị, kinh nghiệm nhưng vẫn được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giao thầu xây lắp Gói thầu số 23 thuộc Dự án Quốc lộ 20. Sau đó, Công ty đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho các doanh nghiệp khác, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu; tính giá trị quyền thu phí Trạm Bảo Lộc đưa vào Tổng vốn đầu tư không đúng giá trị 284.705,3 triệu đồng; lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu thanh toán các gói thầu còn nhiều sai sót, vi phạm nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các Ban Quản lý dự án, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.

- Việc thực hiện trách nhiệm là nhà thầu xây lắp: Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không đủ năng lực nhưng vẫn tham gia dự thầu các gói thầu xây lắp tại các dự án và được lựa chọn bằng hình thức chỉ định hoặc trúng thầu, sau đó, chuyển nhượng thầu không đúng quy định hầu hết khối lượng công việc cho các nhà thầu khác thi công để hưởng lợi; hoạch toán thiếu doanh thu 135.059 triệu đồng, có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước tạm tính là 31.000 triệu đồng. Những việc làm trên là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đấu thầu, thuế và quản lý đầu tư xây dựng. Trách nhiệm này thuộc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, chủ đầu tư các dự án và các đơn vị, cá nhân liên quan.

1.3. Việc quản lý, sử dụng vốn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P

- Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, không lưu trữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu kế toán theo quy định nhằm: (i) hợp pháp hoá thủ tục thu chi tiền mặt với giá trị trên 192.000 triệu đồng, vi phạm các quy định pháp luật về kế toán; chiếm dụng vốn, sử dụng tiền sai mục đích 695.540 triệu đồng, gây thất thu cho Ngân sách nhà nước 26.853 triệu đồng; (ii) vay vốn tại Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Bà Chiểu, Chi nhánh Thành Đô) và Ngân hàng Liên Việt PostBank với giá trị hàng 100 tỷ đồng; (iii) sử dụng giá trị quyền sử dụng lô đất tại số 7-9 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh làm tài sản đảm bảo không đúng quy định để vay vốn nhiều ngân hàng… Trách nhiệm thuộc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty Yên Khánh.

          - Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không chấp hành đúng quy định của Nhà nước về bảo hiểm, đóng thiếu bảo hiểm cho người lao động với số tiền 205 triệu đồng.

          2. Kiến nghị biện pháp xử lý:

Từ kết quả thanh tra nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện những nội dung sau:

          2.1. Về cơ chế, chính sách

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể: về trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các cơ quan chức năng và nhà thầu liên quan đến tính chính xác, trung thực về hồ sơ dự thầu; về yêu cầu kiểm chứng các tài liệu kê khai năng lực của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu.

- Đối với Ngân hàng Nhà nước: nghiên cứu, bổ sung cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng khác như: thuế, hải quan… và giữa các hệ thống tổ chức tín dụng để chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm ngăn chặn việc giả mạo hồ sơ vay vốn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân có vi phạm các quy định về hoạt động tín dụng.

- Đối với Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải: nghiên cứu quy định về mức vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư phù hợp khi tham gia đầu tư các dự án, đảm bảo đủ năng lực về tài chính thực hiện dự án; hạn chế sử dụng vốn vay ngân hàng, làm tăng chi phí các dự án PPP, nâng cao hiệu quả các dự án.

2.2. Kiến nghị xử lý trách nhiệm

2.2.1. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định đối với các nội dung sau:

          2.2.1.1. Việc giả mạo hồ sơ, tài liệu như: Báo cáo tài chính, hồ sơ kê khai về máy móc thiết bị, nhân công, kinh nghiệm, hóa đơn Gía trị gia tăng …không đúng thực tế để tham gia dự thầu tại các dự án mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã trúng thầu với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp.

2.2.1.2. Việc thực hiện chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án, trong đó, có dấu hiệu thanh toán khống khối lượng tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku.

          2.2.1.3. Việc vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng: kê khai, giả mạo hồ sơ về Báo cáo tài chính, năng lực, kinh nghiệm; sử dụng tài sản đảm bảo không đủ căn cứ pháp lý để vay vốn tại các ngân hàng.

          2.2.1.4. Dấu hiệu trốn thuế, Bảo hiểm: hạch toán thiếu doanh thu trên 135 tỷ đồng và không đóng bảo hiểm 205 triệu đồng.

          2.2.2. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm trong việc góp, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P

2.2.3. Đối với Bộ Quốc phòng:

- Thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm được nêu tại Kết luận thanh tra; chấn chỉnh công tác quản lý vốn của Bộ tại các doanh nghiệp.

- Rà soát, kiểm tra, làm rõ và xử lý theo quy định việc cho thuê đất, thủ tục đầu tư xây dựng để làm hệ thống Tổng kho bia và Phòng trưng bày tại Kho Z11.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc Bộ tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm như Kết luận thanh tra đã nêu theo quy định.

2.2.4. Đối với Bộ Giao thông vận tải:

- Thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm đã nêu tại Kết luận thanh tra.

- Kiểm tra, rà soát, xử lý đối với giá trị quyền thu phí Trạm thu phí Bảo Lộc khi quyết toán Dự án sửa chữa và nâng cấp mở rộng một số đoạn qua thị trấn trên QL20 (đoạn từ Km76-Km206) đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Chấn chỉnh công tác quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó, cần có quy định chế tài cụ thể, chặt chẽ hơn đối với công tác thẩm định, xác minh tính chính xác của hồ sơ dự thầu, đề xuất của nhà đầu tư.

- Kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm (nếu có) đối với các dự án khác có liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ và Công ty Thái Sơn Bộ Q.P. Kết quả thực hiện và kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, gửi Thanh tra Chính phủ để theo dõi, phối hợp.

2.2.5. Đối với UBND các tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Long An, Đắc Nông, Hà Nội)

Chỉ đạo các chủ đầu tư kiểm tra, rà soát việc quản lý đầu tư xây dựng các dự án do Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tham gia để kịp thời, chấn chỉnh, xử lý theo quy định pháp luật. Thực hiện tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan đã để xảy ra các thiết sót, khuyết điểm, vi phạm nêu tại phần kết quả kiểm tra, xác minh.

2.2.6. Đối với Tổng công ty Thái Sơn: Tiếp tục rà soát, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền tại Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên; chấn chỉnh công tác quản lý vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị liên danh, liên kết có vốn góp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

2.3. Kiến nghị xử lý về tài chính

- Bộ Giao thông vận tải giảm trừ khi quyết toán: (i) tại Gói thầu số 23 số tiền 299,983 triệu đồng thuộc Dự án Quốc lộ 20; (ii) tại các gói thầu XL2.1, XL2.2, XL2.9 thuộc dự án thành phần 2(BT), Dự án Quốc lộ 20 là 836,222 triệu đồng.

- UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Chủ đầu tư thực hiện giảm trừ khi quyết toán dự án đối với Gói thầu NG-13A thuộc Dự án nút giao Long Biên với giá trị 1.881 triệu đồng.

- Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát, xử lý các khoản thuế của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, trong đó, có số tiền Thanh tra Chính phủ tạm tính là 31.000 triệu đồng.

- Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, rà soát, xử lý các khoản bảo hiểm xã hội và y tế cho người lao động tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, trước mắt xử lý số tiền tạm tính là 205 triệu đồng qua thanh tra đã phát hiện.

2.4. Kiến nghị xử lý khác

- Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế tổ chức kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định pháp luật về thuế đối với các công ty: Yên Khánh, Cái Mép, An Hiền, Đức Bình, Khánh An và các Chi nhánh của Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; phát hiện kịp thời để xử lý đối với những vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nêu trên.

- Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo về nguồn vốn cho dự án thành phần 2 BT của Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo QL20 đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra khuyết điểm và thiếu sót sau thanh tra ở Con Cuông

Nghệ An: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra khuyết điểm và thiếu sót sau thanh tra ở Con Cuông

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Nghệ An vừa ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trong việc chấp hành pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); việc thực thi công vụ, nhiệm vụ cán bộ, công chức, viên chức.

Văn Thanh

19:00 11/12/2024
Quản lý cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Quản lý cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng

(Thanh tra) - Tình trạng khai thác trái phép đặc biệt là cát, sỏi lòng sông, khai thác vượt mốc giới, không đúng thiết kế, vượt công suất; việc kinh doanh mua bán khoáng sản không rõ nguồn gốc, qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý cơ bản đã được ngăn chặn, số lượng các tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm và truy thu số lợi bất hợp pháp tăng gấp nhiều lần.

Hương Trà

18:24 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm