Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình 1719

Hoàng Nam

Thứ năm, 19/10/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Thanh tra việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình 1719) và một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc tại tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc khiến cho việc thực hiện chậm, kết quả giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân được.

Các địa phương của Khánh Hòa còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn nội dung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Ảnh: MH

Kết luận của Thanh tra Ủy ban Dân tộc xác định, những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan là: Tỉnh Khánh Hòa chưa xây dựng, ban hành các văn bản như cơ chế lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách, dự án khác theo quy định của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình theo quy định của Thông tư số 02/2022/TT-UBDT.

Đến thời điểm thanh tra, vốn của năm 2022 và 2023 đã được UBND tỉnh phân bổ cho các cơ quan, đơn vị là 293,399 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 163,393 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 130,006 tỷ đồng.

Toàn bộ vốn đầu tư phát triển đã được phân bổ hết, nhưng vốn sự nghiệp còn 22,465 tỷ đồng chưa phân bổ được, do chưa có văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương đối với một số dự án nên Ban Dân tộc tỉnh chưa có cơ sở để tham mưu phân bổ vốn.

Tại dự án 1, việc rà soát, tổng hợp đối tượng thụ hưởng để xây dựng báo cáo khả thi và đề xuất nhu cầu kinh phí giai đoạn 2021-2025 của UBND các huyện chưa sát đúng với thực tế cũng tạo ra những khó khăn cho việc tổ chức thực hiện ở các cấp.

Năm 2022, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế sử dụng vốn đầu tư công, định mức hỗ trợ nhà ở, định mức đất ở, đất sản xuất khiến cho các nội dung về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán tại các huyện, thị xã không thực hiện được và phải chuyển nguồn sang năm 2023. Trong khi, vốn đầu tư năm 2022 và năm 2023 chủ yếu để xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung.

Đến tháng 6 năm 2023, UBND tỉnh phân bổ toàn bộ vốn đầu tư 8,096 tỷ đồng cho các huyện thực hiện hỗ trợ nhà ở, vì vậy, không còn vốn để hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán.

Qua kiểm tra việc thực hiện Dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (dự án 3), đoàn thanh tra nhận thấy, các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong việc lựa chọn nội dung, chưa có mức hỗ trợ đối với việc xây dựng mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; UBND các huyện chưa phê duyệt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chưa tiến hành thẩm định, hỗ trợ kinh phí cho các mô hình.

Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì đối với một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình chưa kịp thời và thường xuyên. Việc giao nhiệm vụ, phân bổ vốn, giao dự toán, điều chuyển kinh phí còn chưa kịp thời và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị. Một số cơ quan, đơn vị còn chưa chủ động, linh hoạt, trao đổi học hỏi kinh nghiệm hoặc gặp khó khăn về phương pháp, cách làm nhưng chưa có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Việc tham mưu, đề xuất của các sở, ngành liên quan trong việc ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chương trình còn chưa đầy đủ, kịp thời.

Nguyên nhân khách quan gây ra những khó khăn được chỉ ra là, chương trình có nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; nhiều cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức được phân công nhiệm vụ thực hiện; việc ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền còn chưa kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương thực hiện chương trình được giao vào giữa năm 2022; các cơ quan, đơn vị là chủ đầu tư được giao kinh phí chủ yếu tập trung vào các tháng cuối năm 2022.

Tại Dự án Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (dự án 5), theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong các năm 2022 và 2023, đơn vị được giao 1,292 tỷ đồng nhưng không thực hiện được do chưa có bộ chữ viết, chưa có tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc Raglai, theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, nội dung bồi dưỡng kiến thức dân tộc thực hiện theo Quyết định số 03/2016/QĐ-BGDĐT ngày 24/01/2016 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành chương trình khung dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) (có chữ viết). Do vậy, Sở GD&ĐT dự kiến trả lại số tiền 1,292 tỷ đồng cho tỉnh quản lý theo quy định.

Sở GD&ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường sư phạm mở ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc ở các cấp học, đề nghị Học viện Dân tộc soạn thảo tài liệu, khung chương trình để tập huấn giảng dạy tiếng DTTS cho các đối tượng trong vùng có đông đồng bào DTTS.

Do chưa có tài liệu tập huấn do Ủy ban Dân tộc ban hành, nên các năm 2022 và 2023, Phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn được giao ngân sách là 1,594 tỷ đồng để thực hiện đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp, nhưng đơn vị chưa ban hành kế hoạch thực hiện.

Các bộ, ngành Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn là nguyên nhân chung dẫn đến việc tỉnh Khánh Hòa chưa phân bổ 20,371 tỷ đồng kinh phí thuộc ngân sách Trung ương hỗ trợ Dự án Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn (dự án 9), đến thời điểm 31/5/2023, kết quả giải ngân của dự án là 781,5 triệu đồng, đạt 6,6% so dự toán giao.

Ban Dân tộc tỉnh chưa tham mưu phân bổ, giao dự toán năm 2022 và năm 2023 cho các cơ quan đơn vị thực hiện Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS và miền núi (dự án 10).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thấy gì qua thanh tra Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

Thấy gì qua thanh tra Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

(Thanh tra) - Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 119/KL-TTr ngày 15/11/2024 về thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch do Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.

Trần Quý

21:00 13/12/2024
Trách nhiệm là của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

Trách nhiệm là của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định thu hồi tiền cho thuê đất chưa được Ban Quản lý các khu công nghiệp (QLCKCN) tỉnh thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định với số tiền 594,4 triệu đồng và xác định là trách nhiệm của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban QLCKCN tỉnh.

Nam Dũng

16:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm