Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam tích cực chủ động tham gia, thực hiện nhiều hoạt động hợp tác về phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ năm, 25/05/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Từ năm 2009, Việt Nam tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Từ đó đến nay, Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao mức độ tương thích và tuân thủ nhiều yêu cầu của công ước. Đồng thời, chủ động tham gia tích cực và thực hiện nhiều hoạt động hợp tác về phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Việt Nam luôn thể hiện là quốc gia thành viên có trách nhiệm khi đã chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện, diễn đàn quốc tế về PCTN. Ảnh: TH

Việt Nam đã thực hiện đầy đủ 217/240 yêu cầu của công ước

Sau gần 6 năm nghiên cứu và đánh giá về sự phù hợp của hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như những khó khăn, thách thức và giải pháp trong quá trình thực thi UNCAC, ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước đã phê chuẩn công ước tại Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN. Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 18/9/2009. Đây được coi là sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong công cuộc PCTN.

Tại phần III Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện UNCAC, lộ trình thực hiện công ước được chia thành 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn I từ năm 2010 - 2011; giai đoạn II từ năm 2011 - 2016; giai đoạn III từ năm 2016 - 2020.

Kể từ khi chính thức tham gia UNCAC, Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa những cam kết của mình bằng các chính sách, giải pháp tổng thể và có hệ thống nhằm đáp ứng các yêu cầu của công ước.

Việc nội luật hóa các quy định của công ước và tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN đã được Việt Nam nỗ lực thực hiện trong thời gian qua, thể hiện trách nhiệm là một thành viên tích cực của UNCAC. Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN theo hướng nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của công ước, đặc biệt là các yêu cầu bắt buộc.

Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật được Việt Nam chú trọng một cách toàn diện ở cả khía cạnh phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định tội phạm đối với hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài Nhà nước (bao gồm các tội: Tham ô; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; đưa hối lộ); quy định là tội phạm đối với hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của các tổ chức công quốc tế. Đồng thời, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân làm căn cứ xử lý trong các trường hợp pháp nhân phạm tội nói chung.

Luật PCTN năm 2018 đưa ra hàng loạt biện pháp mới dựa trên những kết quả đánh giá việc thực thi công ước của Việt Nam trong thời gian qua, như: Mở rộng chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn, các hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài Nhà nước (hành vi tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ), quy định về trách nhiệm giải trình và kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo Báo cáo Tổng kết Kế hoạch thực hiện UNCAC ngày 24/4/2023 của Chính phủ, Việt Nam đã hoàn thành 2 chu trình đánh giá thực thi UNCAC. Chu trình thứ nhất vào năm 2012 đánh giá việc thực hiện Chương III của công ước (hình sự hóa và thực thi pháp luật) và Chương IV của công ước (hợp tác quốc tế). Chu trình thứ hai vào năm 2018 đánh giá việc thực hiện Chương II của công ước (các biện pháp phòng ngừa) và Chương V của công ước (thu hồi tài sản).

Kết quả rà soát, đánh giá và hoàn thiện pháp luật về PCTN so với yêu cầu của công ước cho thấy, Việt Nam đã cơ bản tuân thủ và thực hiện tốt các yêu cầu. Kết thúc 2 chu trình đánh giá, Việt Nam đã ban hành, tuân thủ và thực hiện đầy đủ 217/240 yêu cầu của công ước (thuộc 4 chương của công ước nêu trên); ban hành, tuân thủ và thực hiện nhưng chưa đầy đủ 18/240 yêu cầu. Còn 5/240 yêu cầu của công ước chưa được ban hành và chưa thực hiện.

Tích cực chủ động, thực hiện nhiều hoạt động hợp tác về PCTN

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chủ động tham gia, thực hiện nhiều hoạt động hợp tác đa phương và song phương với các quốc gia, các tổ chức quốc tế; hợp tác trong việc ký kết các hiệp định, hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Trong đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế liên quan đến PCTN, ký kết các hiệp định về dẫn độ, tương trợ tư pháp, phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố... Đồng thời, Việt Nam đã cử chuyên gia tham gia hầu hết các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác về PCTN.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thể hiện là quốc gia thành viên có trách nhiệm khi đã chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện, diễn đàn quốc tế về PCTN. Tại các sự kiện này, Việt Nam đã thể hiện quan điểm và có đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung về PCTN, chia sẻ kinh nghiệm về hoàn thiện chính sách, pháp luật và các biện pháp nâng cao nhận thức của người dân, xã hội trong PCTN.

Trong số 33 yêu cầu tương trợ, Việt Nam đã có 7 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự liên quan đến tội phạm tham nhũng gửi các nước đề nghị thu hồi, trả lại tài sản tham nhũng cho Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, kể từ khi hoàn thành chu trình đánh giá thứ nhất đối với Báo cáo Quốc gia thực thi UNCAC của Việt Nam (năm 2012), Việt Nam đã gửi 3 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự cho nước ngoài đề nghị thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến các vụ án tham nhũng xuyên quốc gia. Quá trình điều tra, xét xử, các cơ quan có thẩm quyền của các nước liên quan đã phối hợp chặt chẽ, tích cực với các cơ quan của Việt Nam, phản ánh kết quả tốt đẹp về hợp tác quốc tế trong PCTN giữa Việt Nam và nước ngoài.

Có thể khẳng định, hợp tác quốc tế về PCTN của Việt Nam luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại. Một mặt thể hiện rõ thiện chí hợp tác và hội nhập, mặt khác luôn giữ vững lập trường chính trị, khẳng định độc lập và chủ quyền của Việt Nam, góp phần củng cố và nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phòng, chống tham nhũng là một trong những yếu tố bảo đảm tiên quyết để đạt mục tiêu phát triển bền vững

Phòng, chống tham nhũng là một trong những yếu tố bảo đảm tiên quyết để đạt mục tiêu phát triển bền vững

(Thanh tra) - Trong khuôn khổ phi dự án “Nâng cao năng lực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024”, ngày 6/12, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT), Thanh tra Chính phủ phối hợp với UNDP tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.

Thái Hải

12:55 06/12/2024
Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ tham dự Hội nghị lần thứ 20 Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN

Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ tham dự Hội nghị lần thứ 20 Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN

(Thanh tra) - Triển khai khoản 3 Điều 6 của Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) và khoản 1 Điều 2 của văn kiện Điều khoản tham chiếu (TOR) của Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC), từ ngày 2-5/12/2024, Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ do ông Nguyễn Văn Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-PAC lần thứ 20 và các hoạt động bên lề Hội nghị tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a.

PV

11:08 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm