Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiến triển công tác PCTN trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Việt Nam

Thái Thị Hải

Thứ ba, 14/12/2021 - 06:37

(Thanh tra) - Năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, song công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam tiếp tục được tăng cường với sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao.

Báo cáo tại Hội nghị ASEAN - PAC lần thứ 17, Thanh tra Chính phủ cho biết, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và thuyên giảm. Ảnh: TH

Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và thuyên giảm

Tham luận tại Hội nghị Nhóm Các cơ quan phòng, chống tham nhũng ASEAN (ASEAN - PAC) lần thứ 17 ngày 30/11, đại diện Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết, năm 2021, công tác PCTN đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, cụ thể:

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách về PCTN của Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung hướng đến mục tiêu xây dựng bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để không dám tham nhũng, cơ chế đãi ngộ phù hợp để không cần tham nhũng. Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên toà trực tuyến nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý, thúc đẩy công tác xét xử, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch Covid; yêu cầu Chính phủ, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chính phủ Việt Nam chỉ đạo tiến hành tổng kết trên phạm vi toàn quốc việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng để qua đó đánh giá kết quả đạt được, nhận diện, khắc phục những hạn chế, yếu kém và hoạch định chiến lược, chương trình, kế hoạch công tác PCTN trong giai đoạn tiếp theo.

Một số chính sách về PCTN tiếp tục được Việt Nam rà soát, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả thực hiện như: Tổ chức việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; kiểm soát xung đột lợi ích trong công ty đại chúng theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ; tổ chức công tác thanh tra trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong việc thực hiện Luật PCTN theo Thông tư 07/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra, năm 2021, Việt Nam hoàn thành thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021 với nhiều kết quả ấn tượng, đạt được các mục tiêu đề ra. Riêng năm 2021 đã tổ chức được 96.393 lớp cho 2.554.800 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... nhằm phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCTN (tăng 72,1% về số lớp so với năm 2020, trong đó có nhiều lớp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến). Đặc biệt là Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật PCTN do Thanh tra Chính phủ phát động đã thu hút đông đảo các tầng lóp trong xã hội tham gia với trên 220.000 người gửi bài dự thi.

Từ thực tiễn phát hiện được những vụ việc tham nhũng xảy ra trong các doanh nghiệp Nhà nước gây hậu quả không nhỏ cho đất nước, Chính phủ Việt Nam đã đúc rút kinh nghiệm, chỉ đạo xây dựng và Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 10/5/2021 ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa phát hiện xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước”, qua đó tập trung kiểm soát, chấn chỉnh đối với lĩnh vực này.

“Công tác phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan Nhà nước tiếp tục được duy trì, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả hơn, nhất là công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là trong bối cảnh cả nước tập trung nguồn lực ứng phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan có liên quan chủ động thực hiện công khai, theo dõi chặt chẽ các khoản kinh phí đầu tư, các khoản tiếp nhận tài trợ để sử dụng cho công tác phòng chống dịch, đảm bảo hiệu quả công bằng minh bạch” - báo cáo tham luận nêu rõ.

Đẩy mạnh xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục là một trong những nội dung được Việt Nam thực hiện trong năm 2021 với nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được triển khai.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công tại Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, được cải thiện đáng kể cả về quy mô và chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xử lý người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Năm 2021, có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, 16 người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật.

Mặt khác, năm 2021, hoạt động của các cơ quan chức năng về PCTN cũng có hiệu quả rõ rệt. Các cơ quan thanh tra Nhà nước phát hiện, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 245 vụ, 182 đối tượng (tăng 58% so với năm trước). Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 182 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Lực lượng công an khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp đã xét xử 54 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng với nhiều bản án nghiêm khắc, trong đó tuyên phạt tù chung thân 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đối với 22 bị cáo.

Đặc biệt là một số vụ án tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là tình trạng nâng giá trang thiết bị y tế đã được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, được đông đảo nhân dân ủng hộ, tin tưởng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng luôn coi trọng và tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN trước bối cảnh năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát. Việt Nam đã nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì tốt các hoạt động với hình thức phù hợp, bảo đảm nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và các cam kết khác.

Việt Nam cũng đã hoàn thành việc đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo chu trình 2; chủ trì tổ chức thành công Cuộc họp Ban Thư ký lần thứ 17 Nhóm Các cơ quan phòng, chống tham nhũng ASEAN; tổ chức thành công nhiều hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo trực tuyến về đạo đức, liêm chính và PCTN; tăng cường hợp tác với các quốc gia có liên quan trong điều tra, giải quyết một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra ngước ngoài...

“Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh công tác PCTN, mong muốn duy trì, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được để tiếp tục đóng góp sức mình, tham gia giải quyết những vấn đề chung của ASEAN cũng như của cộng đồng quốc tế” - báo cáo nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phòng, chống tham nhũng là một trong những yếu tố bảo đảm tiên quyết để đạt mục tiêu phát triển bền vững

Phòng, chống tham nhũng là một trong những yếu tố bảo đảm tiên quyết để đạt mục tiêu phát triển bền vững

(Thanh tra) - Trong khuôn khổ phi dự án “Nâng cao năng lực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024”, ngày 6/12, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT), Thanh tra Chính phủ phối hợp với UNDP tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.

Thái Hải

12:55 06/12/2024
Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ tham dự Hội nghị lần thứ 20 Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN

Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ tham dự Hội nghị lần thứ 20 Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN

(Thanh tra) - Triển khai khoản 3 Điều 6 của Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) và khoản 1 Điều 2 của văn kiện Điều khoản tham chiếu (TOR) của Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC), từ ngày 2-5/12/2024, Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ do ông Nguyễn Văn Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-PAC lần thứ 20 và các hoạt động bên lề Hội nghị tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a.

PV

11:08 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm