Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TAND Tối cao cần xem xét lại quan điểm của mình

Thứ sáu, 23/05/2014 - 14:01

(Thanh tra) - Ngày 29/4/2014, TAND Tối cao mới có Văn bản số 658/TANDTC-DS “Thông báo xử lý đơn thư” gửi ông Hán Văn Sáu. Tuy nhiên, nội dung thông báo thể hiện rõ sự thiếu thận trọng trong xem xét, xử lý đơn thư công dân của TAND Tối cao.

Án sơ thẩm, phúc thẩm, quyết định thu hồi GCNQSDĐ và bản thông báo với những tình tiết không đúng thực tế của TAND Tối cao. Ảnh (chụp lại): Ngân Hà

>> Kỳ II: Cơ quan điều tra “né” việc?
>> Kỳ I: Phản ánh của Báo Thanh tra hoàn toàn đúng

Diễn biến vụ việc


Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2008/HNGĐ-ST, ngày 26/8/2008 “v/v kiện đòi tài sản” giữa 2 chị em ruột (cùng trú quán tại thôn Cường Tráng, xã An Thịnh, huyện Lương Tài), TAND huyện Lương Tài đã tuyên cho bà Hán Thị Năm thắng cuộc. 

Ngày 19/11/2008, TAND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 05/2008/QĐ-PT, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kể trên. Án sơ thẩm của TAND huyện Lương Tài có hiệu lực pháp luật.

Cho rằng án sơ thẩm tuyên không thỏa đáng vì dựa trên cơ sở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của bà Năm được UBND huyện Lương Tài cấp trái pháp luật cùng lời làm chứng thiếu khách quan của nhân chứng, đồng thời TAND tỉnh Bắc Ninh đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án với lý do thiếu thuyết phục, ông Hán Văn Sáu (người được tòa án các cấp xác định là có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đã làm đơn khiếu nại đến Báo Thanh tra.

Sau khi xác minh, Báo Thanh tra đã đăng loạt bài: “Đứa con bất hiếu”; “UBND huyện Lương Tài hợp lý hóa cho một mưu đồ chiếm đoạt đất”, “Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”, “Cần khởi tố vụ án hình sự”… bằng các chứng cứ thuyết phục, phân tích và chứng minh rõ việc bà Hán Thị Năm đã câu kết với ông Dương Văn Học ngụy tạo ra tờ giấy “Trao đổi đất” đứng tên mình sau khi việc mua - bán đất giữa ông Học và bố đẻ bà Năm (ông Hán Văn Ngận) diễn ra cách đó tới hơn mười năm. Đồng thời cũng chứng minh rõ việc một số cán bộ có thẩm quyền từ cấp xã tới cấp huyện đã cố tình hợp lý hóa hồ sơ, trình UBND huyện Lương Tài cấp GCNQSDĐ cho bà Hán Thị Năm trái các quy định pháp luật. Để rồi, với tấm GCN được cấp trái pháp luật này, bà Năm kiện em trai (ông Hán Văn Hoa) ra tòa và được tuyên thắng cuộc. (Ngoài chứng cứ là tấm GCNQSDĐ kể trên, trong bản án này, TAND huyện Lương Tài còn viện dẫn 2 chứng cứ khác là giấy “Trao đổi đất” được lập ngày 5/1/1989 giữa ông Học, bà Năm và lời làm chứng trước tòa của ông Học. Nhưng giấy “Trao đổi đất” không có giá trị pháp lý bởi đây chỉ là mảnh giấy nguệch ngoạc, không có chữ ký của 2 bên mua - bán, không có người làm chứng, không có xác nhận của chính quyền địa phương. Bố mẹ, anh chị em ruột thịt, hàng xóm láng giềng của cả 2 bên không hề biết có sự mua bán này và chỉ đến năm 2002 (nghĩa là tới 13 năm sau) mới được bà Năm trình cho UBND xã để làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ trái các quy định pháp luật. Còn lời làm chứng trước tòa theo kiểu “độc thoại” của ông Dương Văn Học cũng không có giá trị pháp lý bởi thiếu khách quan vì ông Hán Văn Ngận đã chết, không có người đối chứng).

Sau loạt bài của Báo Thanh tra, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh, được Thanh tra tỉnh hỗ trợ về nghiệp vụ, UBND huyện Lương Tài đã giao các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét lại vụ việc và ngày 18/2/2009, ban hành Quyết định số 259/QĐ-UBND, thu hồi, huỷ bỏ GCNQSDĐ số hiệu AH 493935, ngày 2/12/2006 của bà Hán Thị Năm vì đã được cấp trái các quy định pháp luật, đồng thời xóa tên bà Hán Thị Năm trong quyết định cấp GCNQSDĐ của Chủ tịch UBND huyện Lương Tài.

Quyết định thu hồi GCNQSDĐ kể trên của UBND huyện Lương Tài là lời cáo chung cho số phận Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2008/HNGĐ-ST, ngày 26/8/2008 của TAND huyện Lương Tài (vì được tuyên trước đó tới 6 tháng và trên cơ sở GCNQDĐ được cấp trái quy định pháp luật của bà Hán Thị Năm). Theo đó, Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 05/2008/QĐ-PT của TAND tỉnh Bắc Ninh cũng không còn hiệu lực pháp luật (vì được ban hành trước đó tới 3 tháng).

TAND Tối cao thiếu thận trọng trong xử lý đơn thư?

Theo hướng dẫn của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tại các Văn bản số 2677/UBND-NC, ngày 2/12/2011 và số 787/UBND-NC, ngày 26/4/2013, ông Hán Văn Sáu có tới 4 lần làm đơn, kèm theo các chứng cứ liên quan có thể làm thay đổi cơ bản nội dung Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2008/HNGĐ-ST, ngày 26/8/2008 của TAND huyện Lương Tài, gửi và đề nghị TAND Tối cao xem xét theo trình tự tái thẩm. 

Phải đến ngày 29/4/2014, TAND Tối cao mới có Văn bản số 658/TANDTC-DS “Thông báo xử lý đơn thư” gửi ông Hán Văn Sáu. Tuy nhiên, nội dung thông báo thể hiện rõ sự thiếu thận trọng trong xem xét, xử lý đơn thư công dân của TAND Tối cao. 

Thứ nhất, trong tất cả các “Đơn khiếu nại” gửi TAND Tối cao, ông Hán Văn Sáu đều ghi rõ địa chỉ nơi cư trú là: Nhà số 376/3 đường Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Vậy mà không hiểu sao, “Thông báo xử lý đơn” lại được TAND Tối cao gửi theo địa chỉ: Thôn Thanh Lâm, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh!

Thứ hai, mặc dù có thành lập Hội đồng Xét xử phúc thẩm, có mở phiên tòa, nhưng với lý do đương sự vắng mặt trái quy định, TAND tỉnh Bắc Ninh đã đình chỉ xét xử phúc thẩm. Việc xét xử phúc thẩm không thực hiện được thì lấy đâu ra bản án phúc thẩm? Vậy mà, tại “Thông báo xử lý đơn” số 658/TANDTC-DS, ngày 29/4/2014, TAND Tối cao lại khẳng định: Vụ án đã được TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm tại Bản án dân sự phúc thẩm số 05/2008/DSPT, ngày 19/11/2008! 

Thứ ba, trừ lá đơn đầu gửi ngay sau khi TAND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự số 05/2008/QĐ-PT, trong cả 4 lá đơn gửi TAND Tối cao sau đó, ông Hán Văn Sáu đều gửi kèm các chứng cứ mới phát sinh, có khả năng làm thay đổi toàn bộ nội dung bản án, đặc biệt là bản sao Quyết định số 259/QĐ-UBND, ngày 18/2/2009 của UBND huyện Lương Tài “v/v Thu hồi GCNQSDĐ của bà Hán Thị Năm, xóa tên bà Năm khỏi danh sách cấp GCNQSDĐ của Chủ tịch UBND huyện Lương Tài”. Quyết định kể trên của Chủ tịch UBND huyện Lương Tài là một chứng cứ mới vì được ban hành sau ngày TAND huyện Lương Tài xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai giữa 2 bên tới 6 tháng (mà TAND huyện Lương Tài lại lấy căn cứ chính là GCNQSDĐ này để tuyên án) và 3 tháng sau ngày TAND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

Vậy mà, tại phần cuối “Thông báo xử lý đơn” số 658/TANDTC-DS, TAND Tối cao lại cho rằng: “Ông (Hán Văn Sáu) tiếp tục có đơn đề nghị xem xét lại bản án nhưng chưa có tài liệu, chứng cứ là tình tiết mới làm căn cứ để kháng nghị bản án theo thủ tục tái thẩm”!

Từ những phân tích kể trên, để bảo đảm nguyên tắc công bằng, khách quan của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đề nghị TAND Tối cho xem xét lại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2008/HNGĐ-ST của TAND huyện Lương Tài theo đúng các quy định pháp luật.

                                                Ngân Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Chỉ đạo chấm dứt tình trạng tổ chức kinh doanh chợ dưới dạng hộ gia đình, nhóm và chợ cóc

Thanh Hoá: Chỉ đạo chấm dứt tình trạng tổ chức kinh doanh chợ dưới dạng hộ gia đình, nhóm và chợ cóc

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Thi vừa có văn bản về việc giải quyết đề nghị của Hiệp hội Phát triển chợ tỉnh về quản lý, chấm dứt tình trạng tổ chức kinh doanh chợ dưới dạng hộ gia đình, nhóm và chợ có trên địa bàn tỉnh.

Hương Trà

09:54 05/12/2024
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu thực hiện nghiêm túc Nghị định số 127/2018/NĐ-CP

UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu thực hiện nghiêm túc Nghị định số 127/2018/NĐ-CP

(Thanh tra) - Khi việc phân cấp quản lý chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đang còn có lúng túng, chưa thống nhất khiến dư luận quan tâm trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Trị đã nêu rõ “phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục từ tỉnh đến huyện…”.

Minh Tân

21:00 02/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm