Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ phổ biến, quán triệt Luật Tố cáo năm 2018

Thứ tư, 19/09/2018 - 15:15

(Thanh tra) - Ngày 19/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Tố cáo 2018. Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TH

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh: Luật Tố cáo 2018 được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Đây là một trong những bộ luật quan trọng đối với cán bộ thanh tra, đặc biệt là những thanh tra viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, tất cả cán bộ thanh tra phải nắm được những nội dung cơ bản, đặc biệt là các nội dung mới của luật.  

Theo Phó Tổng Thanh  tra, cán bộ đi giải quyết tố cáo mà không nắm được Luật Tố cáo thì rất nguy hiểm nên phải hiểu được, nắm được và vận dụng được trong quá trình giải quyết để hạn chế sai sót. 

Phó Tổng Thanh tra đề nghị,toàn thể cán bộ, công chức phải nghiêm túc lắng nghe tiếp thu nội dung rất cơ bản trong Luật Tố cáo. 

Vụ pháp chế tập trung vào những điểm mới của Luật Tố cáo năm 2018 so với Luật Tố cáo năm 2011 để phổ biến, quát triệt.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Kim, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã trình bày các nét cơ bản của Luật Tố cáo và chỉ ra những điểm mới của Luật. 

Luật Tố cáo năm 2018 bao gồm 9 chương với 67 điều, Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8; Chương II: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, gồm 3 điều, từ Điều 9 đến Điều 11; Chương III: Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, gồm 28 điều, từ Điều 12 đến Điều 40.Chương IV: Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực, gồm 3 điều, từ Điều 41 đến Điều 43; Chương V: Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, gồm 3 điều, từ Điều 44 đến Điều 46; Chương VI: Bảo vệ người tố cáo, gồm 12 điều, từ Điều 47 đến Điều 58; Chương VII: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo, gồm 3 điều, từ Điều 59 đến Điều 61. Chương VIII: Khen thưởng và xử lý vi phạm, gồm 4 điều từ Điều 62 đến Điều 65; Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều, từ Điều 66 đến Điều 67 quy định về hiệu lực thi hành và quy định chi tiết các điều khoản thi hành Luật.

Ông Kim cho biết, Luật Tố cáo năm 2018 tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật là tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực. 

Điểm mới của Luật này là đã bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo; bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Luật quy định thêm về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, trong Kiểm toán Nhà nước và trong các cơ quan khác của Nhà nước như tại các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Đặc biệt, Luật Tố cáo mới đã dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, Luật quy định cụ thể các vấn đề cơ bản liên quan tới người được bảo vệ (Điều 47), phạm vi bảo vệ (Điều 47), quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ (Điều 48), cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ (Điều 49), trình tự, thủ tục bảo vệ (từ Điều 50 đến Điều 54) và các biện pháp bảo vệ (từ Điều 56 đến Điều 58).

Để phân biệt việc giải quyết tố cáo trong Luật này với việc giải quyết đối với tố giác và tin báo về tội phạm, Khoản 2 Điều 3 của Luật quy định: “Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.

Ngoài những nội dung chính nêu trên, Luật Tố cáo năm 2018 còn quy định về nguyên tắc giải quyết tố cáo, áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, các hành vi bị nghiêm cấm và điều khoản thi hành.

Thái Hải


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm