Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 16/07/2015 - 14:47
(Thanh tra)- Đó là con số được nêu tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thanh tra toàn quốc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 được Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức chiều 15/7. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Vị thế, uy tín của ngành Thanh tra được khẳng định. Ảnh: HH
Đạt nhiều kết quả quan trọng
Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 268.251 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm gần 11.300 tỷ đồng, 656 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 7.593 tỷ đồng và 515 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 28 vụ, 76 đối tượng.
Thông tin về tình hình khiếu nại (KN), tố cáo (TC), Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nói: Năm 2015 là năm diễn ra nhiều ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước, đặc biệt là diễn ra đại hội đảng ở các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nên tình hình KN,TC có xu hướng diễn biến phức tạp, số lượng đơn thư các loại giảm khoảng 3%, nhưng số lượt đoàn đông người tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014, với thái độ bức xúc, gay gắt, có tổ chức, trong đó có không ít vụ việc đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp khiếu, trở thành điểm nóng.
Theo Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, nội dung KN vẫn chủ yếu trong lĩnh vực đất đai (chiếm tỉ lệ cao 64,6%), trong đó nổi lên là việc thu hồi đất xây dựng chợ, trung tâm thương mại; TC cán bộ có biểu hiện tham nhũng, làm trái quy định của Nhà nước; việc thực hiện các chính sách ưu đãi, chính sách an sinh xã hội… Bên cạnh đó, tình trạng đơn thư, vụ việc từ KN không thành chuyển sang TC cán bộ giải quyết cũng chiếm tỷ lệ đáng kể.
Trong công tác tiếp dân, cùng kỳ, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 190.012 lượt công dân đến KN,TC, kiến nghị, phản ánh (giảm 0,4% so với 6 tháng đầu năm 2014; có 2.233 lượt đoàn đông người (tăng 11,3%). Công tác tiếp công dân cho thấy, nội dung KN,TC chủ yếu trong lĩnh vực hành chính (chiếm 82,2%).
Về xử lý đơn thư, 6 tháng, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp nhận 111.797 đơn thư các loại (giảm 3% so với cùng kỳ năm 2014).
Giải quyết KN,TC được chú trọng, 6 tháng đã giải quyết 16.362/18.897 (đạt 86,6%) vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 103,3 tỷ đồng, 11,4 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.039 người, kiến nghị xử lý hành chính 195 người (đã xử lý 124 người); chuyển cơ quan điều tra xử lý 6 vụ, 6 đối tượng.
Việc thực hiện theo theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP đạt tỷ lệ cao, đã giải quyết 512/528 vụ việc (đạt 97%); kiểm tra, rà soát 503 vụ việc theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP, trong đó có 282 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý (52,9%). Các vụ việc còn lại đang được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết, ngành Thanh tra đã phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 9 cá nhân, kiến nghị xử lý hình sự 9 vụ, 7 đối tượng.
Cơ quan điều tra trong ngành Công an đã thụ lý điều tra 225 vụ, 600 bị can phạm tội về tham nhũng; kết luận điều tra đề nghị truy tố 103 vụ, 272 bị can; tiếp tục điều tra 114 vụ, 320 bị can. Có 1 người TC, phát hiện tham nhũng được khen thưởng.
Đánh giá công tác PCTN được triển khai thực hiện thường xuyên và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cũng chỉ ra, công tác PCTN ở các cấp, các ngành chưa được tập trung cao, còn thiếu quyết liệt, tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa tích cực và chưa phát huy hiệu quả thực tế. Hiệu quả một số cuộc thanh tra trách nhiệm chưa cao…
Nhiệm vụ còn nặng nề
Tại hội nghị trực tuyến, đại biểu tại các điểm cầu đã góp ý làm rõ những kết quả đạt được của địa phương, đơn vị mình, đồng thời đóng góp ý kiến, tham luận một số vấn đề có liên quan nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các điểm cầu, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng, ngành Thanh tra trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, kết quả đạt được đã được nêu đầy đủ trong báo cáo sơ kết.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Ngành Thanh tra trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng. Ảnh HH.
Đề cập tới nhiệm vụ những tháng cuối năm, Tổng Thanh tra cho rằng, nhiệm vụ còn hết sức nặng nề. Vì vậy, Tổng Thanh tra đề nghị, trong công tác thanh tra toàn ngành cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ theo kế hoạch đã phê duyệt. Đồng thời gắn thanh tra thường xuyên với thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều quan tâm, có nhiều đơn thư KN,TC.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Thực hiện công khai các kết luận thanh tra, tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 33 của Chính phủ quy định về việc thực hiện kết luận thanh tra.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan xây dựng định hướng công tác thanh tra năm 2016, bảo đảm có trọng tâm trọng điểm, hạn chế chồng chéo.
Trong công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC, Tổng Thanh tra đề nghị, các bộ ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của T.Ư, Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN,TC và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan T.Ư, đặc biệt là Ban Tiếp dân T.Ư, quan tâm thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, coi đây là việc làm thường xuyên. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 2100; ưu tiên tập trung giải quyết 16 vụ việc còn lại theo Kế hoạch 1130.
Về công tác PCTN, trong tháng 8 tới, T.Ư sẽ ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, Tổng Thanh tra đề nghị các địa phương, bộ ngành phải tiếp tục triển khai thực hiện đánh giá tình hình tham nhũng và kết quả công tác PCTN theo Thông tư 04 của TTCP. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCTN…
Những tháng cuối năm, nhiệm vụ của ngành Thanh tra còn rất nặng nề, cán bộ công chức toàn ngành phát huy những kết quả đạt được khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2015.
Vị thế, uy tín của ngành Thanh tra được khẳng định
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định điều này.
Phó Thủ tướng hoan nghênh những kết quả mà ngành Thanh tra đạt được trong thời gian qua và cho rằng, ngành Thanh tra đã tập trung giải quyết tốt nhiều vụ việc phức tạp góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội, đặc biệt trong năm quan trọng khi cả nước tiến hành Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Công tác thanh tra cũng góp phần chống quan liêu, tiêu cực tham nhũng, thất thoát tài sản. Công tác thu hồi sau thanh tra về đất đai, tài sản được nâng cao hơn. Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua thanh tra đạt con số kỷ lục trên 81% cho thấy những cố gắng, nỗ lực của ngành Thanh tra.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao TTCP đã chủ động phát hiện nhiều vụ tham nhũng với số tiền lớn. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác giải quyết KN,TC điển hình như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: HH
Trong công tác tiếp dân, Phó Thủ tướng nghi nhận và đánh giá cao việc Tổng TTCP và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trực tiếp xuống địa phương giải quyết những vụ việc khó, chấm dứt khiếu kiện kéo dài. “Nhiệm vụ của ngành Thanh tra rất nặng nề, nhưng các đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Những kết quả tích cực đó đã giúp vị thế, uy tín của ngành Thanh tra được nâng cao trong quần chúng nhân dân, được quốc tế ghi nhận” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế ngành cần khắc phục như: Một số địa phương chưa thật sự chú trọng công tác thanh tra; chưa quan tâm tạo điều kiện để cán bộ thực hiện nhiệm vụ; tình hình khiếu kiện còn nhiều, đặc biệt khiếu kiện đông người có tính gay gắt, kéo dài…
Phó Thủ tướng đề nghị, thanh tra các cấp, ngành tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc tham mưu các cấp lãnh đạo trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, nhất là các vụ việc KN,TC phức tạp kéo dài. “Thủ trưởng, cán bộ các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thi hành Luật Tiếp công dân, phải coi đây là việc thường xuyên, hàng ngày để đảm bảo công tác tiếp công dân sâu sát, hiệu quả hơn. Cán bộ tiếp dân không phải là văn thư cao cấp để chuyển thư đơn giản mà phải là người hướng dẫn người dân, theo dõi đơn thư, để giải quyết vụ việc đến cùng. Thực tế cho thấy, nếu lãnh đạo địa phương nào quan tâm đến công tác tiếp dân thì địa phương đó giải quyết rất tốt việc KN,TC” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập tới nhiệm vụ những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết KN, TC; các địa phương sớm phối hợp với TTCP và các bộ, ngành giải quyết các vụ việc phức tạp để ổn định tình hình địa phương; chú ý tới công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra; công tác thanh tra thực hiện đúng theo Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường hơn nữa tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN; tiếp tục xây dựng ngành Thanh tra đoàn kết, tăng cường kiểm tra nội bộ, đảm bảo đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch; quan tâm hơn tới công tác đào tạo cán bộ ngành Thanh tra; lãnh đạo các địa phương cần quan tâm hơn tới công tác thanh tra, đưa công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC ngày càng đi vào nền nếp; TTCP cần thực hiện thanh tra chuyên đề về công tác tiếp công dân để có những nhận định đánh giá đúng đắn về công tác này sau hơn một năm Luật Tiếp công dân có hiệu lực.
Hải Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Thu Huyền
21:00 14/12/2024(Thanh tra) - Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá, Nguyễn Việt Hùng đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung 50 triệu đồng, vì đã vi phạm không xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc.
Hương Trà
16:36 14/12/2024Thu Huyền
16:28 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Thu Huyền
06:00 14/12/2024Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương