Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao chất lượng giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra

Thứ bảy, 20/07/2013 - 10:13

(Thanh tra) - Đây là chủ đề chính của Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về công tác xử lý sau thanh tra do Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra phối hợp với Dự án hợp phần chương trình POSCIS tổ chức ngày 18/7/2013 tại TP. Hồ Chí Minh. Tham gia Hội nghị có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, cùng cán bộ lãnh đạo Thanh tra 31 tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam.

Hội nghị do Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra phối hợp với Dự án hợp phần chương trình POSCIS tổ chức ngày 18-7-2013.

Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra Trần Ngọc Liêm đã khái quát chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện kết luận thanh tra. Để bảo đảm hành lang pháp lý cho hoạt động này, sau khi Quốc hội thông qua Luật Thanh tra năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83/2012/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, trong đó có Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra. Tiếp đó, ngày 12/3/2013, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký Thông tư 01/2013/TT-TTCP quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Qua hội nghị này, Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra mong muốn ghi nhận tất cả các ý kiến của Chánh Thanh tra 31 địa phương để tổng hợp, đánh giá kết quả và hạn chế trong quá trình thực tiễn áp dụng các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.

Trình bày một số kinh nghiệm về xử lý sau thanh tra, đại diện Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra cho biết: Trước khi có Nghị định 83/2012/NĐ-CP, khi kết luận thanh tra có hiệu lực pháp luật, Tổng Thanh tra giao cho các Cục vụ, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra theo dõi tiến độ thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đối với đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do chưa ban hành quy định thống nhất nên mỗi Cục vụ, đơn vị có các phương pháp thực hiện khác nhau. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý sau thanh tra. Từ khi Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra được thành lập và Thông tư 01/2013/TT-TTCP được ban hành, công tác này được thực hiện theo hướng chuyên môn hóa, bài bản hơn, tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có biện pháp xử lý, đặc biệt là các trường hợp cố tình không thực hiện, thực hiện không nghiêm túc kết luận, kiến nghị thanh tra.

Kết luận hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu với tinh thần xây dựng, trong đó có nhiều bài học kinh nghiệm hay từ thực tiễn công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện kết luận thanh tra tại một số địa phương như: Khánh Hòa, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh. Biểu dương tinh thần chủ động của Chánh Thanh tra nhiều tỉnh, thành trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình khẳng định, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo công tác này. Việc xử lý sau thanh tra được dư luận xã hội quan tâm nên yêu cầu kết luận thanh tra phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Muốn nâng cao hiệu quả xử lý sau thanh tra, ngay từ khâu khảo sát, nắm tình hình phải bảo đảm chất lượng để tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo UBND cùng cấp ban hành các quyết định thanh tra đáp ứng mục tiêu đề ra, có trọng tâm, trọng điểm. Việc lựa chọn trưởng đoàn và thành viên đoàn thanh tra phải có bản lĩnh vững vàng, có phẩm chất đạo đức và năng lực điều hành. Quá trình thanh tra phải có phương pháp khoa học, phù hợp đặc điểm tình hình của đơn vị được thanh tra để có báo cáo kết luận có chất lượng cao trên cơ sở phán xét đúng, sai so với quy định pháp luật, đồng thời cần đề xuất, kiến nghị có lý, có tình, phù hợp thực tiễn và khả thi. Nếu làm được như thế, uy tín của ngành Thanh tra sẽ ngày càng được củng cố, nhiều mô hình mới được nhân rộng, các dấu hiệu tiêu cực được xử lý đúng cũng góp phần răn đe, bảo đảm kỷ cương hành chính. Đối với khu vực phía Nam, chất lượng giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra phải được gắn với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để bảo đảm hạn chế tiếp khiếu, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước. Những kiến nghị về sửa đổi Thông tư 475, Thông tư 90 sẽ được Thanh tra Chính phủ tiếp thu và kiến nghị với các Bộ, ngành sớm thống nhất ban hành văn bản sửa đổi nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp cho các địa phương nâng cao chất lượng giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.

Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến đóng góp cần có hành lang pháp lý, chế tài đủ mạnh để mỗi cán bộ, công chức ngành Thanh tra thực hiện tốt công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra. Báo Thanh tra ghi nhận một số ý kiến.

Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra Trần Ngọc Liêm: Chấp hành chỉ đạo của Tổng Thanh tra, chúng tôi tổ chức hội nghị này để lắng nghe, ghi nhận phải hồi của các địa phương sau một thời gian thực hiện quy định về giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra. Những thông tin từ hội thảo sẽ được tổng hợp cùng kết quả thực tế công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra năm 2012, cũng như 6 tháng đầu năm 2013 để báo cáo Tổng Thanh tra kiến nghị Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng Nghị định về xử lý sau thanh tra trong năm 2014 nhằm bảo đảm tính pháp lý vững chắc cho toàn ngành thực hiện tốt công tác này, với hiệu quả đồng bộ trên cả hai mặt: Xử lý cán bộ sai phạm; xử lý tài sản sai phạm. Thực tế, qua theo dõi báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ đều đặt vấn đề làm sao nâng cao tỷ lệ thu hồi sau thanh tra nên đây là nhiệm vụ cấp thiết cần sớm phải thực hiện.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đình Kiên: Để đáp ứng nhu cầu thực tế, Thanh tra tỉnh Bình Thuận đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành chỉ thị về công tác xử lý sau thanh tra. Nhưng để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, Thanh tra Chính phủ cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chế tài xử lý mạnh tay hơn đối với các đối tượng thanh tra chây ì. Trong các văn bản luật dự kiến ban hành nên bổ sung quy định xử lý sau thanh tra đối với tổ chức, cán nhân là người nước ngoài có đầu tư dự án tại Việt Nam. Biên chế cán bộ cấp huyện thị cũng cần được bổ sung để tránh hiện tượng kết luận, kiến nghị bị “bỏ trôi” với việc sửa đổi Thông tư 475. Ngoài ra, cũng phải tăng cường cán bộ có trình độ nghiệp vụ đối với những đoàn thanh tra phòng, chống tham nhũng, có chính sách phù hợp để tăng cường hiệu quả thu hồi diện tích đất sai phạm sau thanh tra.

Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước Phạm Phước Hải: Thực hiện đúng hướng dẫn, Thanh tra địa phương đã thành lập Phòng 5 có chức năng giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, cũng như tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ban hành chỉ thị để tạo sự thống nhất trong thực hiện công tác này. Bài học kinh nghiệm là phải thông báo, phối hợp với nhiều cơ quan để xử lý đối tượng thanh tra chậm thực hiện kiến nghị nhưng vẫn có trường hợp đối tượng khi bị phong tỏa tài khoản tại ngân hàng này thì tìm cách chuyển đến tổ chức tín dụng khác để mở tài khoản mới. Ngay cả đối với 600 ha đất cao su sử dụng sai mục đích chỉ mới thu hồi được một phần, các chủ đất liên tục khiếu nại, hoặc khởi kiện hành chính nên Chánh Thanh tra tỉnh lại phải đi hầu tòa. Do vậy, Thanh tra Chính phủ cần có chỉ đạo sát hợp hơn thông qua cụ thể hóa quy trình giám sát, thẩm định, xử lý để hạn chế việc bất hợp tác của đối tượng thanh tra.

Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Đức Hưng: Với phương pháp rà soát lại toàn bộ kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã phân loại được mức độ chấp hành của từng đối tượng thanh tra. Khi Thông tư 01/2013/TT-TTCP có hiệu lực thì hành lang pháp lý cho Thanh tra tỉnh Lâm Đồng ngày càng thuận lợi cho giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra. Đã có 64 văn bản được ban hành liên quan đến 64 đoàn thanh tra để kiến nghị và xử lý đúng quy định về hành chính hoặc kết hợp với Ủy Ban kiểm tra cùng cấp xử lý nên tiến độ thực hiện kiến nghị sau thanh tra được bảo đảm.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Nông Lương Hồng Hà: Cần quy định rõ hơn hình thức giám sát cho phù hợp thực tiễn mỗi địa phương với mục tiêu ngăn chặn việc đối tượng thanh tra không phối hợp với cán bộ thanh tra, cũng như tạo thuận lợi cho trưởng đoàn thanh tra, cán bộ giám sát thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Việc phong tỏa tài khoản đối tượng thanh tra khi phát hiện có sai phạm cũng chưa rõ ràng nên cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn trên cơ sở thống nhất quan điểm với các cơ quan chức năng khác. Hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu sai phạm sau thanh tra cũng cần được bổ sung.

Chánh Thanh tra tỉnh Trà Vinh Phạm Khải Trung: Để nâng cao hiệu quả xử lý sau thanh tra thì kinh nghiệm thực tế tại địa phương là ngay trong giai đoạn thanh tra nếu phát hiện sai phạm thì tổ chức làm việc với đối tượng để “chốt” lại việc thu hồi tài sản sai phạm. Nếu để sau khi kết luận thanh tra được thông qua thì việc yêu cầu đối tượng thực hiện nộp tiền, vật chất sai phạm rất khó thực hiện. Một số bất cập của Thông tư 90 đã ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi sau thanh tra như trường hợp Ban quản lý Dự án giao thông chấp nhận chuyển tiền sai phạm vào tài khoản tạm giữ của thanh tra nhưng sau đó Kho bạc và Sở Tài chính lại có ý kiến phải trả lại cho nhà thầu.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Trung: Để có được kết luận thanh tra đúng pháp luật, mỗi cán bộ đoàn thanh tra đều phải cố gắng xác minh, đối chiếu quy định pháp luật, hiện trạng hoạt động của đối tượng thanh tra để phát hiện sai phạm. Nhưng việc đôn đốc thu tài sản sai phạm sau thanh tra phải có sự phối hợp với nhiều có quan chuyên môn. Quy định về phong tỏa tài khoản đối tượng thanh tra chưa được bổ sung đã ít nhiều ảnh hưởng đến tỷ lệ thu hồi sau thanh tra. Hoạt động giám sát đoàn thanh tra tại cấp huyện nơi biên chế vừa thiếu vừa yếu cần được hướng dẫn cụ thể hơn hoặc có phân cấp phù hợp.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang Bùi Đức Long: Biên chế cho bộ phận giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra cấp tỉnh, thành cần được xây dựng theo quy mô dân số và địa lý. Như Kiên Giang có địa bàn rộng, có vùng biên giới, hải đảo thì cần có biên chế mở để phát huy hiệu quả xử lý sau thanh tra. Hiện nay, Thanh tra tỉnh Kiên Giang có Phòng Phòng, chống tham nhũng và xử lý sau thanh tra đảm nhận công tác này nên tỷ lệ thu hồi đạt cao. Quan điểm của Thanh tra tỉnh Kiên Giang là xử lý ngay trong quá trình thanh tra như trường hợp Ban quản lý các dự án huyện Tân Hiệp đã nộp vào tài khoản tạm giữ của thanh tra 3,7 tỷ đồng trước khi kết luận thanh tra được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thông qua.

Phó Chánh Thanh tra TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Quốc Cường: Để xử lý nhanh công tác thu hồi sau thanh tra cần thực hiện ngay trong quá trình thanh tra vì sau khi kết luận có hiệu lực pháp luật việc thu hồi rất khó khăn. Đơn cử như một doanh nghiệp sai phạm 5 tỷ đồng nhưng 10 năm qua vẫn chưa thu hồi hết vì chủ doanh nghiệp chỉ có thể nộp 30 triệu đồng/tháng vào tài khoản tạm giữ (số tiền này chưa bằng với lãi suất ngân hàng). Còn xử lý cán bộ sai phạm cũng rất chậm, hoặc không khả thi vì thời hiệu sai phạm theo quan điểm của Sở Nội vụ là 1 năm trong khi thanh tra lại tiến hành với giai đoạn nhiều năm trước đó nên có trường hợp cán bộ khi công tác ở cấp huyện có vi phạm nhưng khi kết luận thanh tra ban hành người đó đã là cán bộ chủ chốt của UBND TP. Hồ Chí Minh. Do đó phải có chế tài cụ thể, khả thi đối với giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm