Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đem ấm no về xã Tủa Thàng

Thứ ba, 03/11/2015 - 10:29

(Thanh tra) - Hôm nay, nhà ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng huyện Tủa Chùa, Điện Biên đông vui như ngày Tết. Người bên bản Tà Sí Láng, Tà Huổi Cháng 1, Tà Huổi Cháng 2, Làng Vùa 2, thôn Tủa Thàng kéo đến đứng, ngồi, chuyện trò râm ran, tiếng cười đầy ắp nhà ông Chủ tịch.

Đàn dê sẽ là nguồn thu chính của đồng bào bản Tà Sí Láng, xã Tủa Thàng. Ảnh: Hồng Bài

“Mình có thông báo đâu. Bà con biết cán bộ về thăm Tủa Thàng, mọi người gọi nhau đến chào cán bộ thôi”, Chủ tịch Sang nói với anh Phạm Phú Duẩn, Chánh Thanh tra tỉnh Điện Biên.

“Năm 2013, cán bộ cho mình một con dê giống, bây giờ nhà mình có bốn con dê to rồi” - Chang A Chớ, đoàn viên chi đoàn bản Tà Sí Láng hồ hởi "báo công" với Chánh Thanh tra tỉnh và anh em trong đoàn. Đoàn viên Mùa A Công, chi đoàn bản Làng Vùa 2 khoe: "Nhà mình để ba con dê to nuôi, chia cho vợ chồng nhà thằng em 2 con làm giống, bây giờ nhà nó có 3 con rồi. Nghe lời cán bộ bảo, mình làm chuồng rộng, thoáng mát nên dê khỏe lắm". Mùa A Công chưa nói xong, đoàn viên Sùng A Tùng, Giàng A Dờ, Thào A Nhè, chi đoàn bản Tủa Thàng đã giơ tay xin nói. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tủa Thàng, Chang A Vàng phải dơ tay ra hiệu, mọi người mới im lặng.

Bữa cơm trưa tại nhà Chủ tịch xã, đúng là "khách 3, chủ nhà... 20". Chủ nhà cầm bát rượu đứng giữa nhà nói: "Có cán bộ Thanh tra tỉnh giúp đỡ, bà con Tủa Thàng mới có bát rượu thơm, có mâm cơm đầy hôm nay. Bà con Tủa Thàng hứa với cán bộ Thanh tra sẽ phát triển sản xuất, có nhiều lúa, ngô, phát triển đàn dê thật nhiều, để nhà nào cũng có dê nuôi. Có nhiều dê là có nhiều tiền, nhiều tiền thì hết nghèo. Bà con đừng phụ tấm lòng của cán bộ Thanh tra tỉnh dành cho Tủa Thàng mình". Chủ tịch xã Mùa A Sang vừa dứt lời, tiếng vỗ tay vang lên. Tiếp đến, người bản Tà Sí Láng hỏi anh em trong đoàn cách "chữa bệnh" cho ruộng lúa bị sâu. Người bản Làng Vừa hỏi dê đẻ nhiều có được bán không? Con dê đau bụng thì chữa thế nào? Chánh Thanh tra Phạm Phú Duẩn phân công từng "chuyên gia" trả lời bà con. Bữa cơm đãi khách của Chủ tịch xã mà như cuộc họp dân, buổi chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

Được biết, thực hiện Quyết định 1620 ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", năm 2012, Thanh tra tỉnh Điện Biên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao giúp đỡ xã Tủa Thàng, một xã nghèo nhất nhì huyện Tủa Chùa. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã tổ chức khảo sát tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân Tủa Thàng. Từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch, định hướng cụ thể giúp đỡ xã Tủa Thàng thiết thực, hiệu quả nhất.

Anh Duẩn cho biết: Sau khi khảo sát thực tế, Thanh tra tỉnh quyết định giúp đỡ Tủa Thàng 3 việc chính. Một là, nâng cao nhận thức, chuyển giao kỹ thuật sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào. Hai là thay đổi cơ cấu giống cây trồng (lúa, ngô, đậu tương), đưa giống mới vào thay giống cây trồng địa phương. Ba là, hỗ trợ đồng bào dê giống để phát triển đàn dê núi, tạo mặt hàng sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Từ đó tạo nguồn thu nhập cao, ổn định làm đòn bẩy xóa đói giảm nghèo bền vững cho từng hộ gia đình và toàn xã.

Theo nhận định, Tủa Thàng có điều kiện tự nhiên, khí hậu, lao động khá thuận lợi cho phát triển đàn dê. Tuy nhiên, để đồng bào tin, làm theo, Thanh tra tỉnh Điện Biên đã thống nhất với Đảng ủy, Chính quyền xã, lấy tổ chức Đoàn thanh niên làm lực lượng nòng cốt xây dựng mô hình điểm. Để có vốn mua dê giống, đơn vị đã vận động cán bộ, công chức tiết kiệm tiền lương ủng hộ xã nghèo Tủa Thàng. Ngay trong đợt đầu, toàn đơn vị đã quyên góp được trên 50 triệu đồng. Số tiền trên được chuyển về Tủa Thàng mua dê giống. Để đảm bảo con giống tốt, những hộ được nhận dê giống tự tìm con giống ngay trong vùng, Tổ công tác của Thanh tra tỉnh và UBND xã, Đoàn xã trực tiếp thanh toán tiền. Cách làm này đã nâng cao ý thức trách nhiệm, khuyến khích được người chăn nuôi. Trước khi đưa con giống về, Tổ công tác và UBND xã tổ chức hướng dẫn các hộ làm chuồng, chuyển giao kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, chữa bệnh dê.

Trong 2 năm 2013 - 2014, Thanh tra tỉnh Điện Biên đã mua 20 cặp dê giống, giúp đỡ, hỗ trợ 20 hộ gia đình là đoàn viên nghèo ở bản Làng Vùa 2, Tà Sí Láng và thôn Tủa Thàng. Năm 2015, tiếp tục hỗ trợ 11 hộ gia đình đoàn viên nghèo ở hai bản Tà Huổi Cháng 1, Tà Huổi Cháng 2. Đến nay đàn dê đã phát triển trên 100 con. Nhiều nhà nuôi năm 2013 và 2014 đã có dê bán giống và dê thịt. Theo giá thị trường, một con dê từ 10 - 15 kg, bán tại nhà được trên dưới 2 triệu đồng. Theo như anh Lù A Chỉnh, từ một cặp dê giống, sau 2 năm sẽ có đàn dê thịt từ 4 - 5 con. Năm thứ 3 sẽ tăng lên gấp đôi. Như vậy, một năm, ít cũng có 2 con dê để bán, thu vài triệu đồng.

Làm việc với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Tủa Thàng, chúng tôi mới hiểu sâu sắc hơn tấm lòng của bà con đồng bào Mông Tủa Thàng đối với cán bộ, công chức Thanh tra tỉnh Điện Biên. Chủ tịch xã Mùa A Sang cho biết: Tủa Thàng là xã nghèo của huyện Tủa Chùa. Đời sống của đồng bào chủ yếu là làm nương. Mùa màng được, mất phụ thuộc vào "ông trời", sản xuất, chăn nuôi bằng kinh nghiệm, chưa biết áp dụng kỹ thuật nên năng suất cây trồng thấp. Đồng bào làm lụng vất vả mà vẫn nghèo. Năm 2012, Tủa Thàng được Thanh tra tỉnh giúp đỡ nhiều mặt, cả vật chất với tinh thần. Trong đó, cái quý nhất, đem lại lợi ích nhiều nhất cho người dân Tủa Thàng là cán bộ Thanh tra tỉnh đã phối kết hợp với Trạm khuyến nông huyện Tủa Chùa tổ chức mở lớp tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; đưa giống ngô, lúa mới vào sản xuất, xây dựng mô hình điểm để đồng bào xem, học tập, từ đó đã làm chuyển biến tư tưởng, ý thức của đồng bào trong sản xuất, đời sống sinh hoạt. Đó là, từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất sản phẩm hàng hóa. Từ sản xuất quảng canh sang thâm canh tăng năng suất. Ví như, trước đây bà con chỉ nuôi lợn, gà để cải thiện bữa ăn, nuôi theo kiểu thả rông, nuôi 10 may thì sống 2 - 3 vì bệnh dịch. Nay, nuôi lợn, gà để bán, có chuồng trại sạch sẽ, được tiêm phòng dịch bệnh, phun trùng khử độc. Mừng nhất là Thanh tra tỉnh đã định hướng cho đồng bào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó hiệu quả cao nhất là mô hình chăn nuôi, phát triển dê núi. Sau 3 năm (2013 - 2015), mô hình này đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều gia đình nuôi dê đã có thu nhập cao, thoát được nghèo. Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tủa Thàng xác định, trong chăn nuôi, con dê sẽ là con chủ lực, con xóa đói giảm nghèo.

Từ thực tế xã Tủa Thàng cho thấy, Thanh tra tỉnh Điện Biên không chỉ làm tốt chức năng nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thiết thực giúp đỡ những khó khăn vướng mắc ở cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, mà còn làm tốt nhiệm vụ giúp đỡ xã nghèo bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã vùng dân tộc thiểu số, thuộc diện đặc biệt khó khăn như xã Tủa Thàng.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm