Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở tiếp công dân

Thứ sáu, 23/09/2016 - 11:32

(Thanh tra)- Đó là một trong những nội dung tại Quy chế Phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư (Trụ sở) vừa được ký kết giữa Ban Tiếp công dân T.Ư với Công an TP Hà Nội.

Có biện pháp ngăn chặn, xử lý các vụ việc đông người, phức tạp

Việc phối hợp giữa Công an TP Hà Nội và Ban Tiếp công dân T.Ư nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật trong công tác đảm bảo ANTT tại Trụ sở.

Theo Quy chế, Ban Tiếp công dân T.Ư có trách nhiệm duy trì ANTT trong trụ sở cơ quan tiếp công dân. Khi phát hiện việc công dân có hành vi gây phức tạp về ANTT, lực lượng bảo vệ Trụ sở phải có phương án ngăn chặn, đồng thời phối hợp với các lực lượng của chính quyền địa phương kịp thời xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo phương án đã thống nhất, không để diễn biến phức tạp, gây cản trở đến hoạt động bình thường của Ban Tiếp công dân T.Ư.

Công an TP Hà Nội có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền quản lý trong việc phối hợp với Ban Tiếp công dân T.Ư đảm bảo về ANTT tại Trụ sở; phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Công an TP Hà Nội, Ban Tiếp công dân T.Ư có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc có liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ trong việc xử lý, giải quyết tình hình phức tạp về an ninh, trật tự khi có tình huống xảy ra.

Đồng thời, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), giữ gìn an ninh, trật tự đối với cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng công an được giao thực hiện nhiệm vụ tại Trụ sở; khi có văn bản pháp quy mới ban hành của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ tại Trụ sở, cần thông báo, trao đổi kịp thời để phổ biến, quán triệt tới cán bộ, chiến sỹ công an, công chức, người lao động của đơn vị phối hợp.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Trụ sở, bên cạnh hình thức tuyên truyền, phổ biến thông qua loa phát thanh, bảng biển, cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng công an được giao thực hiện nhiệm vụ tại Trụ sở có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền, phổ biến, phân tích các quy định của nội quy Trụ sở, quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN, TC và ANTT để công dân hiểu và chấp hành.

Hai bên cũng có trách nhiệm trong việc trao đổi thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội

Quy chế cũng nêu rõ, Công an TP Hà Nội cử cán bộ có kinh nghiệm để hướng dẫn cán bộ tiếp công dân, lực lượng bảo vệ Trụ sở phương thức tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính khi công dân có hành vi vi phạm nội quy Trụ sở, gây mất ANTT, vi phạm pháp luật.

Sẵn sàng lực lượng ứng trực giải quyết các vụ việc phức tạp

Quy chế cũng quy định trách nhiệm của 2 bên.

Công an Hà Nội: Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung đã được quy định tại Quy chế này. Tổ chức tốt công tác nắm tình hình, quản lý, giám sát hoạt động của các đối tượng nghi vấn lợi dụng khiếu kiện để chống phá Đảng, Nhà nước; khi phát hiện có hoạt động tập trung đông người khiếu kiện, gây mất an ninh, trật tự thông báo kịp thời cho Ban Tiếp công dân T.Ư để chủ động có phương án tổ chức tiếp công dân, phối hợp xử lý tình huống và ngăn chặn không để xảy ra hoạt động gây mất ANTT tại Trụ sở. Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, không để ùn tắc quanh khu vực Trụ sở (nhất là khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến Trụ sở làm việc). Bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát phía ngoài khu vực Trụ sở Tiếp công dân T.Ư, sẵn sàng lực lượng ứng trực để tăng cường giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra tại Trụ sở. Khi có yêu cầu của Ban Tiếp công dân T.Ư, chỉ đạo Công an quận Hà Đông chủ trì, bố trí lực lượng chức năng của Công an TP phối hợp với bảo vệ Trụ sở ngăn chặn kịp thời các đối tượng quá khích, gây mất an ninh, trật tự trong khu vực Trụ sở theo đúng quy định của pháp luật. Tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở và các lực lượng có liên quan giải quyết những vụ việc gây mất ANTT tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ban Tiếp công dân T.Ư: Chủ trì đôn đốc, theo dõi, đánh giá công tác phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị có trách nhiệm thuộc Công an TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ được quy định tại Quy chế này; đảm bảo công tác an ninh nội bộ, an toàn tài sản và trật tự bên trong Trụ sở; phát hiện kịp thời, chủ động thông báo và phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an TP trong việc xử lý các tình huống phức tạp về ANTT xảy ra tại Trụ sở. Tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thông báo kịp thời tới Công an TP thời gian làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư để các lực lượng chủ động triển khai các phương án bảo vệ.

Quy chế quy định, định kỳ hàng tháng, hai bên tổ chức họp tại Trụ sở để trao đổi, đánh giá kết quả phối hợp. Trong trường hợp xảy ra tình huống phức tạp, có thể họp đột xuất do đề nghị của một trong hai bên.

Định kỳ 6 tháng, một năm, Ban Tiếp công dân T.Ư chủ trì, tổ chức họp tại Trụ sở để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp. Căn cứ kết quả công tác phối hợp, hai bên có trách nhiệm đề xuất lãnh đạo cơ quan, đơn vị khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy chế phối hợp.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm