Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Câu chuyện đầu Xuân với người làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế

Thứ năm, 07/02/2019 - 13:28

(Thanh tra)- Những chuyến xuất ngoại, hội nghị, đón tiếp, hội đàm; nụ cười và hoa... chỉ là bề nổi. Đằng sau đó là những giọt mồ hôi, những đêm thức trắng để mang lại các kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế (HTQT) về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của các cán bộ Vụ HTQT, Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong năm qua. Đầu Xuân, Báo Thanh tra đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT, TTCP.

Đoàn đại biểu cấp cao TTCP do Tổng Thanh tra Lê Minh Khái làm Trưởng đoàn thăm và làm việc tại Nhật Bản từ 20-27/8/2018. Ảnh: Vụ HTQT

- PV: Xin ông cho biết một số điểm nổi bật trong công tác HTQT của TTCP trong năm qua?

+ Thực hiện chính sách hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra, trong năm 2018, TTCP tiếp tục chú trọng tăng cường HTQT trên các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Trong năm, TTCP đã tổ chức 27 đoàn công tác nước ngoài, trong đó có 6 đoàn cấp cao, nhiều đoàn công tác liên ngành; TTCP cũng đã đón 19 đoàn đại biểu nước ngoài vào làm việc. Các đoàn ra, đoàn vào được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, chương trình làm việc thiết thực, hiệu quả.

Các hoạt động HTQT song phương, đa phương của TTCP đều đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan TTCP và ngành Thanh tra, đồng thời góp phần tăng cường vai trò, vị thế đối ngoại của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Về hợp tác song phương, trong năm 2018, TTCP đã ký Thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Chống tham nhũng Cộng hòa Pháp (ký mới, tháng 1/2018) và Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc (ký lại, tháng 9/2018). Tính đến nay, TTCP đã ký kết Thỏa thuận hợp tác song phương với 16 đối tác của 15 quốc gia. Các thỏa thuận này hướng đến trao đổi kinh nghiệm về thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN, thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật và nhất là tăng cường hợp tác đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công chức hai bên...

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT, TTCP. Ảnh: Vụ HTQT

Trong năm 2018, TTCP cũng đạt được đồng thuận với các đối tác là Cơ quan Thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc (BAI) và Ủy ban Chống tham nhũng độc lập Hồng Công, Trung Quốc (ICAC) về việc hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ của ngành Thanh tra Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, TTCP tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ cho 2 đối tác truyền thống là TTCP Lào và Bộ Quan hệ với Quốc hội - Thượng viện và Thanh tra Campuchia. Các khóa học có nội dung  phù hợp với nhu cầu công tác thực tiễn, được Bạn đánh giá cao.

Về hợp tác đa phương, là cơ quan đầu mối về thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) của Việt Nam, TTCP đã chủ trì hoàn thành Báo cáo tự đánh giá thực thi UNCAC của Việt Nam trong Chu trình đánh giá thứ 2. Hiện nay các chuyên gia Indonesia và Honduras đang tiến hành đánh giá dựa trên Báo cáo tự đánh giá này và dự kiến sẽ tiến hành đánh giá thực địa tại Việt Nam trong Quý I/2019. Đồng thời với việc chuẩn bị cho hoạt động đánh giá của chuyên gia quốc tế đối với Việt Nam, chúng ta cũng cử chuyên gia tham gia đánh giá việc thực thi UNCAC đối với các quốc gia khác (Quốc đảo Solomon và CHDC Congo).

Trong năm 2018, tiếp nối thành công của năm APEC 2017, với tư cách là Phó Chủ tịch Nhóm Công tác Chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch APEC (ACTWG), TTCP đã tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Sáng kiến của Việt Nam trong năm APEC 2017, tập hợp kinh nghiệm, thực tiễn tốt của APEC về tăng cường sự tham gia của xã hội trong PCTN.

- PV: Trong hoạt động HTQT, những nội dung ưu tiên nào được các đoàn công tác của TTCP chia sẻ với bạn bè quốc tế?

+ Tại các diễn đàn song phương và đa phương, TTCP chú trọng cấp những thông tin chung về đất nước, về tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam; những định hướng chính sách, những kết quả đạt được cũng như các khó khăn, thách thức trong công tác thanh tra, giải quyết KNTC và nhất là PCTN.

Về công tác PCTN, chúng ta thông tin về các nỗ lực mà TTCP nói riêng và Việt Nam nói chung đang tập trung đẩy mạnh trên cả 3 mặt: (1) Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về PCTN; (2) Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa; (3) Tăng cường thực thi pháp luật, xử nghiêm tội phạm tham nhũng gắn với nỗ lực thu hồi tài sản tham nhũng.

Bên cạnh việc nhấn mạnh tới những kết quả ấn tượng trong tăng cường thực thi pháp luật, kết quả xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng thời gian vừa qua; chúng ta cũng thông tin cập nhật những quy định mới như mở rộng đối tượng điều chỉnh, thực hiện PCTN trong khu vực tư, tăng cường minh bạch tài sản, thu nhập và phòng ngừa xung đột lợi ích trong thực thi công vụ được quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật Tố cáo và Luật PCTN mới được sửa đổi.

- PV: Và, những kinh nghiệm quốc tế nào đã được tiếp thu để có thể áp dụng tại Việt Nam?

+ Thông qua hoạt động HTQT, các đoàn công tác của TTCP cũng như các đoàn liên ngành Việt Nam luôn tranh thủ học tập kinh nghiệm quốc tế để có thể nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực hợp tác song phương, TTCP chú trọng khai thác những mặt mạnh của đối tác để nâng cao hiệu quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác đã ký kết.

Như phần đầu tôi đã đề cập, trong năm 2018, trên cơ sở đề xuất của TTCP, đối tác Pháp đã cử chuyên gia sang để tổ chức 3 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Pháp về Kê khai tài sản (ngày 31/8), xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử PCTN (ngày 3/12 và 5/12).

Hay trong các chương trình đào tạo do phía Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức, các học viên được nghe nhiều kinh nghiệm về giải quyết khiếu nại hành chính, các vấn đề chuyên môn về kiểm toán, thanh tra PCTN. Kinh nghiệm đánh giá công tác PCTN của Ủy ban Chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) cũng đã được Việt Nam áp dụng đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh.

Trong lĩnh vực hợp tác đa phương, chúng ta cũng đã tiếp thu nhiều bài học thực tiễn tốt của các nước về các nội dung thu hồi tài sản, các kỹ thuật điều tra tài chính, sử dụng hiệu quả các cơ chế HTQT trong PCTN, kê khai tài sản và kiểm soát xung đột lợi ích, PCTN trong khu vực công.

Ví dụ có thể kể tới là Hội nghị Chống tham nhũng quốc tế lần thứ 18 (IACC 18) diễn ra từ ngày 22-24/10/2018 tại Đan Mạch đã chia sẻ về thực trạng tham nhũng, các biện pháp PCTN từ nhiều góc độ khác nhau. Bên lề Hội nghị, Ban Tổ chức đã bố trí cho Đoàn Việt Nam tham gia 2 Tọa đàm chuyên đề với chuyên gia của TI Vương quốc Anh và Giáo sư Matthew C. Stephenson của Đại học Havard về chủ đề xử lý tài sản có nguồn gốc không giải trình được và PCTN trong khu vực tư. Những nội dung của Hội nghị, nhất là 2 tọa đàm riêng dành cho Đoàn công tác rất hữu ích trong bối cảnh chúng ta vừa có Luật PCTN sửa đổi 2018, hiện đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật cũng như triển khai áp dụng trong thời gian tới.

- PV: Câu chuyện của chúng ta có vẻ hơi khô khan cho một số Báo Xuân, ông có thể chia sẻ với độc giả Báo Thanh tra về những chuyện bên lề các chương trình công tác?

Làm công tác đối ngoại của ngành, chúng tôi luôn ý thức rằng mỗi việc làm của mình là một phần hình ảnh của ngành Thanh tra, của đất nước Việt Nam trước bạn bè quốc tế, vì thế mỗi công chức trong Vụ HTQT đều hết sức nỗ lực trong công việc. Trong hoạt động chuyên môn, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ, đơn vị của TTCP và nhiều việc phải phối hợp liên ngành để tham mưu cho lãnh đạo giải quyết các nhiệm vụ đối ngoại liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của TTCP, của ngành Thanh tra.

Đoàn công tác của TTCP tham dự Hội nghị SEA-PAC lần thứ 14 tại Singgapore, ngày 30-31/10/2018. Ảnh: Vụ HTQT

Bên cạnh công việc chuyên môn, chúng tôi cũng chú trọng giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế. Đối với các đoàn đi công tác nước ngoài, cùng với tà áo dài truyền thống của chị em trong các hội nghị, hội thảo, khi bên ngoài hành lang phòng họp chúng tôi thường chia sẻ những câu chuyện về Việt Nam với thiên nhiên tươi đẹp, người dân thân thiện, cần cù, sáng tạo, hay những món quà nông sản, những sản phẩm thủ công khi gặp xã giao.

Khi đón tiếp các đoàn khách nước ngoài, trong chương trình làm việc, thường có hoạt động đưa các bạn đi thăm các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử qua đó giới thiệu về đất nước, truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam góp phần nâng cao “sức mạnh mềm” của quốc gia.

Nhân đây, tôi xin kể lại một chuyện nhỏ, tháng Chín vừa rồi, khi tổ chức các hoạt động cho một đoàn khách quốc tế tại các tỉnh phía Nam, chúng tôi bố trí đưa các bạn thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Chuyến thăm đã tạo ấn tượng rất mạnh đối với các vị khách. Rời Bảo tàng, đoàn khách đề nghị được đưa tới một nơi thoáng mát để tĩnh tâm, bên bờ sông Sài Gòn, vị Trưởng đoàn chia sẻ: “Chiến tranh thực là khủng khiếp, vì thế chúng ta cần hợp tác đề gìn giữ hòa bình”. Tôi đã trao đổi lại: “Tôi đồng ý với ông, trong chiến tranh Việt Nam đã chịu nhiều hy sinh, gian khổ, vượt qua những thách thức tưởng chừng như không thể để giành thắng lợi cuối cùng. Vì thế, chúng tôi cũng sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay để giữ vững chủ quyền, gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước Việt Nam văn minh và giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn”.

Xin trân trọng cảm ơn ông về bài phỏng vấn!

Ngọc Bích (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm