Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp lần thứ 8

Hoàng Nam

Thứ tư, 24/04/2024 - 14:29

(Thanh tra) - Sáng ngày 24/4, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức phiên họp lần thứ 8 để thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số; những hạn chế bất cập, rào cản, điểm nghẽn cần tháo gỡ; những cách làm hay, các điển hình và bàn những giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp.

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp lần thứ 8. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trong 4 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản, chính sách để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định, 2 chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương được kiện toàn, bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số kịp thời, hiệu quả. Ngày 29/3/2024, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ban hành Quyết định số 256/QĐ-TTg ngày 29/3/2024 bổ sung Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long làm Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thay Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng.

Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị chuyên trách CNTT, chuyển đổi số phục vụ công tác tham mưu, quản lý, điều hành triển khai chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương tiếp tục được quan tâm, thực hiện.

Đến nay, trong tổng số 22 đơn vị chuyên trách CNTT, chuyển đổi số thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ có 11 đơn vị chuyên trách CNTT hoạt động theo mô hình cấp cục và 11 đơn vị hoạt động theo mô hình trung tâm sự nghiệp. Có 3 đơn vị được kiện toàn chức năng nhiệm vụ, đổi tên gắn liền với chuyển đổi số. Tại các địa phương, thống nhất một mô hình đơn vị chuyên trách CNTT, chuyển đổi số tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ảnh: Hoàng Nam

Đã có 20 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực theo chức năng, phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương. 16 bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 06/CP.

Đến hết quý I năm 2024 đã có 10 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) theo quy định, đạt tỷ lệ 73%, tăng 8% so với năm 2023. Còn 12 bộ, ngành và 11 địa phương chưa ban hành danh mục CSDL. Tổng số CSDL thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau hiện nay là 2.398 CSDL, tăng 311 (14,5%) CSDL so với năm 2023; có 10 bộ, ngành và 41 địa phương ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, đạt tỷ lệ 59%, tăng 7% so với năm 2023.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ cho người dân doanh nghiệp tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu.

Điển hình, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành (tăng 2 bộ so với năm 2023), 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp, đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin (tăng 213 triệu so với năm 2023); nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống, CSDL của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối. Từ đầu năm 2024 đến nay, có trên 288 triệu giao dịch (bằng khoảng 44,3% tổng giao dịch của năm 2023), trung bình mỗi ngày khoảng 2,8 triệu giao dịch thực hiện qua nền tảng. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi đưa vào sử dụng đến nay là khoảng 2 tỷ giao dịch.

100% các bộ, ngành, địa phương có cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến đã ban hành danh mục DVC trực tuyến toàn trình, DVC trực tuyến một phần theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; 80,44% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp DVC trực tuyến toàn trình được cung cấp DVC trực tuyến; 47,79% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp DVC trực tuyến toàn trình được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính mới chỉ đạt khoảng 38,3%.

Theo thống kê, đến hết quý I năm 2024, tổng số tài khoản người dùng là 13,2 triệu tài khoản trên Cổng DVC quốc gia (riêng tháng 3/2024 số tài khoản đăng ký mới là trên 1,6 triệu); số dịch vụ công trực tuyến được tích hợp cung cấp trên Cổng DVC quốc gia là trên 4.500 dịch vụ (trên tổng số 6.317 dịch vụ, chiếm khoảng 71,2%); tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương được đồng bộ trạng thái xử lý lên Cổng DVC quốc gia để minh bạch thông tin giải quyết thủ tục hành chính là trên 299,5 triệu (riêng tháng 3 là 5,1 triệu hồ sơ).

Hoàn thành cung cấp 25/25 DVC thiết yếu theo Đề án 06/CP (trong đó 23/25 DVC thiết yếu đã được thực hiện toàn trình) và 16/28 DVC theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 trên Cổng DVC quốc gia.

Các DVC trực tuyến có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao như dịch vụ thông báo lưu trú (99,98%); dịch vụ cấp điện lưới mới từ lưới điện hạ áp (89,34%); dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông (trên 95%); dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng (trên 94%),...

Đến quý I năm 2024, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (đạt 71,63% hồ sơ tiếp nhận). Cũng trong quý I ứng dụng định danh cá nhân VNeID đã được tích hợp 8 dịch vụ tiện ích. Đến hết tháng 3/2024 đã có 29,3 triệu lượt truy cập (tăng trên 3 triệu lượt so với tháng 2/2024).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm