Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 24/05/2023 - 18:00
(Thanh tra) - Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 24/5. Vấn đề áp dụng luật này với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước hay không được các đại biểu quan tâm cho ý kiến, tranh luận.
“Không phải cứ làm Luật Đấu thầu, làm một số vòng “kim cô” thì cho là mọi việc sẽ tốt", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói. Ảnh: P.Thắng
Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có “khoảng trống”?
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, theo dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đề xuất không áp dụng luật này với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
“Việc tiếp tục mở rộng hơn nữa đối tượng doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Đấu thầu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, làm giảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, theo Chính phủ.
Ý kiến ngược lại cho rằng, nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn Nhà nước phải đấu thầu, tạo “khoảng trống” pháp luật trong quản lý vốn Nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước khác… sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này.
Quan điểm này dẫn số liệu khảo sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách với 13 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, số dự án thực hiện đấu thầu ở công ty mẹ chỉ chiếm 17%, 83% còn lại được thực hiện ở các công ty con.
Số dự án đấu thầu của các công ty con là “doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn điều lệ” là 65%; số dự án được đấu thầu của công ty con là “doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước có từ 50% đến 99% vốn điều lệ” là 18%.
Đề nghị áp dụng Luật Đấu thầu với dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước. Điều này nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp Nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp Nhà nước nắm quyền chi phối.
Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đại biểu cho ý kiến cụ thể phương án để chỉnh lý dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Lo ngại ảnh hưởng đến sự linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp
Nêu ý kiến sau đó, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước.
Theo ông, doanh nghiệp Nhà nước được phân ra làm các cấp độ là công ty mẹ, công ty con, các mức độ sở hữu của Nhà nước (100%, hay trên 50% vốn điều lệ), từ đó có phương thức, cách thức quản lý khác nhau, phù hợp với từng loại doanh nghiệp Nhà nước.
Thêm nữa, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý doanh nghiệp Nhà nước, mà còn các cơ chế giám sát khác. Bản thân các doanh nghiệp cũng thiết kế các quy trình đấu thầu phù hợp, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát nghiêm để chống thất thoát.
“Nếu áp dụng cứng nhắc Luật Đấu thầu cho các công ty con của doanh nghiệp Nhà nước có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt, chủ động trong sản xuất kinh doanh. Như vậy, không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư, mà lợi ích của Nhà nước cũng bị ảnh hưởng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đại biểu Hiếu còn lo ngại việc mở rộng phạm vi áp dụng sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Tranh luận lại, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, quy định đấu thầu là bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế. “Tại sao, chúng ta lại loại trừ những doanh nghiệp có vốn trên 51% của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư thực hiện điều tốt đẹp này?”, ông Hoàng Anh nêu.
Đại biểu Hoàng Anh cho hay, cơ bản tất cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vốn dưới 50% đều thực hiện theo pháp luật về đấu thầu do Quốc hội ban hành.
Cũng tranh luận với đại biểu Hiếu, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) nói, Luật Đấu thầu là công cụ quản lý, kiểm soát sử dụng tiền ngân sách Nhà nước, các nguồn thu có nguồn gốc từ ngân sách và doanh nghiệp Nhà nước.
“Chủ trương của Đảng không can thiệp vào quyền của doanh nghiệp. Việc đấu thầu này do doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước không can thiệp. Không có nghị quyết nào nêu không thực hiện đấu thầu, bởi đây là một công cụ quản lý, được áp dụng không phải chỉ trong lĩnh vực của Nhà nước”, ông Toàn nhấn mạnh.
Không phải chỉ dùng Luật Đấu thầu khắc phục được tiêu cực, tham nhũng
Tiếp tục tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) bày tỏ ủng hộ quan điểm của đại biểu Phan Đức Hiếu. “Không phải cứ làm Luật Đấu thầu, làm một số vòng “kim cô” thì cho là mọi việc sẽ tốt. Yếu tố cuối cùng vẫn là con người và doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu đoàn TP HCM phân tích, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đi đầu tư vào một doanh nghiệp khác thì có khi chỉ chiếm 5%, 10% vốn của doanh nghiệp đó, nếu cũng phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu thì là “cực đoan và không cần thiết”.
Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm kết quả cuối cùng của họ và khi đấu thầu trong đầu họ không chỉ có tiền mà còn rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí nếu không có tiêu cực thì quen biết cũng là yếu tố có lợi, theo ông Nghĩa.
Từ phân tích, ông Nghĩa đề nghị chỉ áp dụng Luật Đấu thầu với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp Nhà nước. “Ai tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra. Chúng ta cứ điều tra các dòng tiền, điều tra bằng những phương tiện khác và trị, chứ không phải chỉ dùng Luật Đấu thầu mà khắc phục được tất cả tiêu cực, tham nhũng”, đại biểu đoàn TP HCM nhấn mạnh.
Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc chỉ áp dụng đấu thầu với doanh nghiệp Nhà nước vẫn đảm bảo quản lý chặt sử dụng vốn Nhà nước.
Bởi, dự thảo luật quy định tất cả các hoạt động chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thì doanh nghiệp Nhà nước hay không “đều phải thực hiện đấu thầu”. Doanh nghiệp Nhà nước cũng phải có trách nhiệm bảo toàn, sử dụng có hiệu quả vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
“Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước tại doanh nghiệp khác, phải bảo đảm doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phương án Chính phủ trình phù hợp với các quan điểm của Trung ương, các luật liên quan, tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các doanh nghiệp Nhà nước, hiệu quả quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo chương trình kỳ họp 5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) vào ngày 23/6.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đó là giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra được đưa ra tại đề tài khoa học cấp bộ năm “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm, được Hội đồng Khoa học nghiệm thu xếp loại xuất sắc.
Thái Hải
18:05 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 22/11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”.
Nguyễn Điểm
15:57 22/11/2024Trần Quý
13:17 22/11/2024Hải Hà
16:27 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền