Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo

Thái Hải

Thứ tư, 10/07/2024 - 19:26

(Thanh tra) - Là đề tài khoa học do ThS Lê Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin, thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) làm chủ nhiệm, được trình bày tại hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu, vào ngày 10/7.

ThS Lê Đức Trung, trình bày đề cương nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo ThS Lê Đức Trung, việc nghiên cứu thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo là cần thiết vì: Về mặt pháp lý, các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo trong Luật Tố cáo 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn bất cập, hạn chế.

Về thực tiễn cho thấy, còn nhiều người tố cáo bị trả thù, trù dập nhưng chưa có cơ chế bảo vệ hiệu quả; có trường hợp người bị tố cáo chưa được đảm bảo khôi phục vị trí, uy tín, danh dự sau khi có kết luận giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo chưa phù hợp ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tố cáo của cá nhân; một số cá nhân cố tình tố cáo sai, bịa đặt nhưng chưa được xử lý kịp thời; cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng đến công tác giải quyết tố cáo, tác động đến việc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu là đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo, đề tài triển khai 3 nội dung: Những vấn đề lý luận về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo; thực trạng pháp luật về thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo; giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo.

Góp ý tại hội thảo, ThS Đào Thị Thu Hà, Viện CL&KHTT cho rằng, chủ nhiệm đề tài cần phân bổ lại nội dung đặc điểm về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo khi đặt tại nội dung 1 vì nội dung này thiên nhiều về quy định của pháp luật.

Phần nội dung các yếu tố đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo nên bổ sung ý thức pháp luật của Nhà nước và ý thức pháp luật của người dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ này.

Đối với nội dung 2, đề tài có nên đặt vấn đề về việc giới hạn quyền của người tố cáo hay không để đảm bảo nguyên tắc không xâm phạm đến đến quyền và lợi ích hợp pháp, tổ chức và cá nhân.

ThS Lê Văn Đức, Viện CL&KHTT nhận thấy, đây là hội thảo hoàn thiện đề cương chi tiết. Vì vậy, phần lý luận nên tiếp cận rộng hơn, đề cập tới cả các khái niệm khác như khái niệm phản ánh và một số vấn đề khác; làm rõ vấn đề về phương thức thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo (trực tiếp hoặc bằng đơn tố cáo); bổ sung kinh nghiệm quốc tế về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo.

TS Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT lại cho rằng, phần lý luận cần làm rõ các quyền của người tố cáo và người bị tố cáo; về các yếu tố đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ, trước tiên phải là sự nhận thức của người tố cáo và người bị tố cáo.

TS Tạ Thu Thủy, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT góp ý, với tên đề tài là thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo thì đề tài có 4 nội dung cần giải quyết là: Quyền, nghĩa vụ, người tố cáo và người bị tố cáo.

Phần lý luận phải làm rõ vấn đề tuân thủ pháp luật và cả những vấn đề pháp luật cấm. Việc áp dụng pháp luật, trong đó có vai trò của Nhà nước thông qua các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, đề tài cần nghiên cứu cả những nội dung thuộc về thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm