Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thực hiện nghiêm minh pháp luật, đảm bảo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thanh Thanh

Thứ tư, 24/08/2022 - 22:59

(Thanh tra) - Ngày 24/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý, đề xuất hướng khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Hương Diệp

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Ngô Sách Thực cho biết, để triển khai các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực giao, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành văn bản đề nghị Đảng đoàn MTTQ Việt Nam phối hợp tiến hành rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán.

Trên tinh thần đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam lựa chọn 3 văn bản Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Chứng khoán năm 2019 để góp ý, đề xuất hướng sửa đổi, khắc phục những vướng mắc, bất cập, sơ hở trong các văn bản quy phạm pháp luật trên.

Tránh tình trạng thông đồng, cấu kết trong hoạt động đấu thầu

 Góp ý xung quanh những bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật liên quan đến chỉ định thầu, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn vềkinh tế cho rằng, việc chỉ định thầu dễ dẫn đến cơ chế xin - cho trong hoạt động đầu tư, đấu thầu.

Do chủ đầu tư có quyền chỉ định thầu, trong khi có rất nhiều nhà đầu tư, nhà thầu rất muốn được chỉ định thầu để dễ dàng, nhanh chóng thực hiện hơn do đó dễ phát sinh tiêu cực, trục lợi, tham nhũng, thất thoát ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư trong thực hiện chỉ định thầu.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh đề xuất, để khắc phục những lỗ hổng này, cần hạn chế các trường hợp cho thực hiện chỉ định thầu, làm rõ nội hàm tình huống cấp bách, công trình cấp bách, trường hợp đặc biệt… để không thể lợi dụng thực hiện chỉ định thầu hay đề xuất áp dụng trường hợp đặc biệt.

Về những bất cập, mâu thuẫn trong quy định giữa Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quá trình triển khai các quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành liên quan trực tiếp tới đấu thầu dự án có sử dụng đất cho thấy giữa các văn bản pháp luật đang bộc lộ khá nhiều các mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất và đồng bộ gây ra những rào cản lớn trong thực tiễn thực thi.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 về các dự án có sử dụng đất được thực hiện đấu thầu theo hướng quy định cụ thể danh mục các dự án có sử dụng đất thực hiện đấu thầu, tránh tình trạng thông đồng, cấu kết, lợi ích nhóm giữa chủ đầu tư với chính quyền để đưa dự án đầu tư có sử dụng đất vào danh mục dự án Nhà nước thu hồi đất.

Ông Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, cần phân định rõ ràng Luật Đất Đai quy định trường hợp/điều kiện tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; thủ tục giao đất, cho thuê đất, quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có sử dụng đất nhưng các quy định này phải được đặt trong mối tương quan với quy định về lựa chọn nhà đầu tư quy định tại Luật Đầu tư; khi đó, Luật Đấu thầu sẽ quy định về hình thức, hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.

Ông Đào Ngọc Chuyền đề nghị, Ban soạn thảo của Dự thảo Luật Đấu thầu và Luật Đất đai phân định rõ ràng chức năng của các văn bản luật này sẽ tránh sự chồng chéo khi áp dụng pháp luật.

Hạn chế lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng trong quản lý và bảo vệ tài sản công

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung để nâng cao hơn nữa chất lượng những quy phạm pháp luật trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, hạn chế lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo tính dân chủ, công khai minh bạch.

Ông Đỗ Duy Thường cũng đề nghị, trong chương II của luật cần có một điều quy định về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện quyền làm chủ, tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ tài sản công; tham gia góp ý dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, cấp xã; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật quản lý, tài sản công, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên…

Nâng cao chất lượng thực thi để xử lý nghiêm với hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Về những bất cập của Luật Chứng khoán năm 2019, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận định, trong thực tế hành vi thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại rất lớn đối với nền kinh tế nhưng hiện nay quy định xử phạt, mức phạt đối với sai phạm chưa đủ sức răn đe.

Từ những hạn chế nêu trên, GS.TS Lê Hồng Hạnh đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán theo hướng minh bạch hơn về thông tin, kèm theo đó là chế tài xử lý thật nghiêm với hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Ban Pháp chế của VCCI cho rằng, xét về quy định pháp luật và so với mức độ phát triển hiện nay thì pháp luật về thị trường chứng khoán của Việt Nam đã có những hoàn thiện đáng kể, nhất là với Luật Chứng khoán 2019, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là liên quan tới chất lượng việc thực thi.

Ông Phạm Ngọc Thạch nhận định, hầu như chưa xử lý giao dịch nội gián trên thực tế; số lượng xử lý thao túng chứng khoán vẫn còn rất ít so với phản ánh của các nhà đầu tư trên thị trường; các hành vi gian lận khác như công bố thông tin sai lệch vẫn diễn ra thường xuyên mà rất ít bị xử lý.

Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào trái phiếu riêng lẻ, trong khi trái phiếu công chúng thì lại vắng bóng; điều kiện và thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng quá cao cũng cần có những điều chỉnh về điều kiện phát hành ra công chúng một cách phù hợp, để bớt phụ thuộc vào phát hành riêng lẻ, như vậy thị trường sẽ an toàn hơn.

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định, qua hội nghị này, trên cơ sở tiếp thu những đề xuất, kiến nghị xác đáng, khả thi, bộ phận tham mưu, giúp việc sẽ tổng hợp xây dựng báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan để pháp luật được thực hiện nghiêm minh, vừa đảm bảo phòng, chống tham nhũng tiêu cực, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích, tạo môi trường lành mạnh, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm