Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tạo “lưới” để ngăn ngừa công nghệ cũ

Thứ năm, 13/04/2017 - 22:46

(Thanh tra)- Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ là mong muốn có hành lang pháp lý, thậm chí tạo một cái “lưới” để ngăn ngừa công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu mà nước ngoài coi chúng ta là một bãi rác.

Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến các dự thảo luật. Ảnh: TN

Ngày 13/4, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) và Luật Chuyển giao Công nghệ (sửa đổi), Luật Du lịch (sửa đổi). Theo dự kiến, các dự luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Cần tính đến việc có sàn giao dịch công nghệ

Tại hội nghị, cho ý kiến về Dự thảo Luật Chuyển giao Công nghệ, TS Võ Hải Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tỏ ra thất vọng khi thấy dự luật chưa có những đột phá.

Theo ông, dự thảo luật cần phân loại công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ để từ đó xác định rõ trách nhiệm khi chuyển giao, không chung chung, tránh chuyển giá. Nhất là, quy định tiến hành thẩm định phải độc lập.

“Hà Nội đã có bài học rất buồn liên quan đến việc xây dựng tháp truyền hình Hà Nội. Chúng ta vừa xây xong thì vứt đi luôn vì công nghệ đã chuyển sang kỹ thuật số rồi. Điều này cho thấy vai trò của cơ quan thẩm định quan trọng như thế nào”, TS Võ Hải Long nêu.

Ông Long cũng đề nghị, trong giai đoạn phát triển hiện nay, cần tính đến việc có sàn giao dịch công nghệ, còn chuyện chuyển giao công nghệ phải “đi đêm - đi ngày” với nhau.

“Yêu cầu của chúng ta là phải tạo ra sự đột phá trong chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chứ không phải là gánh nặng về đầu tư trong công nghệ, cũng như không phải là một phong trào, hiệu quả không cao”.

Cùng chung quan điểm chưa thấy có đột phá, Phó Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, sửa đổi Luật Chuyển giao Công nghệ là mong muốn có hành lang pháp lý, thậm chí tạo một cái “lưới” để ngăn ngừa công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu mà nước ngoài coi chúng ta là một bãi rác.

Không để Việt Nam thành “bãi rác” công nghệ

“Mỗi khi nước ngoài đưa công nghệ cũ, công nghệ xấu vào nước mình, tôi cho rằng, là thêm một lần quốc gia bị xúc phạm. Một đất nước mà trí tuệ chả kém ở đâu trên thế giới, nhưng lại bị coi là bãi rác, là nơi để nước ngoài đưa những cái lạc hậu, những cái cũ kỹ vứt đi của nước họ. Với lòng tự hào dân tộc, danh dự của người Việt Nam thì cần suy nghĩ một cách rất nghiêm túc vấn đề này”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, để tránh tình trạng chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường cần quy định rõ việc xử lý vi phạm. Thế nhưng, dự thảo luật lại chưa thể hiện rõ ràng, trong khi, thời gian qua, chúng ta đã có những bài học đắt về vấn đề này.

Theo đại biểu, cần quy định thành phần hội đồng thẩm định, trong đó phải có những chuyên gia độc lập, các nhà khoa học chuyên ngành liên quan đến công nghệ chuyển giao.

“Dự Luật Chuyển giao Công nghệ cần bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội đề nghị, quy định chặt chẽ những công nghệ hạn chế chuyển giao, công nghệ cấm chuyển giao, như thế mới không biến Việt Nam trở thành “bãi rác” công nghệ.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Đoàn ĐBQH TP Hà Nội kết luận, dự luật cần tiếp tục điều chỉnh để đáp ứng thực tiễn và tầm nhìn lâu dài. 

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm