Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường phổ biến pháp luật ở một số huyện biên giới

Trần Lê

Thứ bảy, 13/11/2021 - 10:43

(Thanh tra) - Nghệ An có đường biên giới trên bộ dài 468,281km, nằm ở 6 huyện gồm 27 xã tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào là Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bolykhamxay. Trên tuyến biên giới này có 7 dân tộc anh em sinh sống là: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Hoa, Ơ Đu.

Nhân dân bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn được bộ đội biên phòng phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh: TL

Hiện nay, Nghệ An đang triển khai giai đoạn 2 Đề án Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PB,GDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới và hải đảo.

Giai đoạn 2 của đề án được triển khai từ năm 2017. Hiệu quả của việc tuyên truyền PB,GDPL đã được chứng minh ở nhiều huyện, nhiều xã, làng bản vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các huyện có các xã, bản trên tuyến biên giới. Nhận thức về pháp luật, an ninh trật tự xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) có nhiều chuyển biến tích cực.

Điển hình, ở huyện Tương Dương, hàng năm huyện triển khai tuyên truyền PB,GDPL đến chính quyền và bà con các xã về Chỉ thị số 05-CT/TU và các văn bản pháp luật có liên quan đến biên giới cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.

Theo thống kê, hơn 4 năm qua, huyện Tương Dương đã tổ chức được 213 buổi/12.352 lượt người tham gia; mở 1 lớp xóa tái mù chữ cho con, em đồng bào các DTTS với 38 học viên tham gia; tuyên truyền PB,GDPL cho học sinh lớp 9 được 25 lớp/826 em học sinh… từng bước nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, nâng cao ý thức về bảo vệ biên giới quốc gia.

Để tuyên truyền PB,GDPL có hiệu quả cao, ngắn gọn, dễ hiểu, huyện Tương Dương dùng phương thức tuyên truyền bằng tiếng của đồng bào, như tiếng Ơ Đu, tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Khơ Mú… nhằm chuyển tải những nội dung quan trọng như: Luật Biên giới quốc gia và Nghị định 34 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền; Luật Phòng chống ma túy; công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng. Tại xã biên giới Tam Hợp, huyện mở hội nghị tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.

Hay tại huyện Kỳ Sơn, Sở Tư pháp phối hợp với UBND huyện lắp đặt nhiều pano tại các xã Chiêu Lưu, Tà Cạ, Bảo Nam để tuyên truyền sâu rộng về thủ đoạn, hậu quả và cách đấu tranh với tội phạm mua bán người; phối hợp biên soạn các bài tuyên truyền dịch từ tiếng Kinh sang 3 thứ tiếng Thái, Mông, Khơ Mú để tuyên truyền và cách đấu tranh với tội phạm mua bán người, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Còn ở xã Keng Đu, do đời sống đồng bào DTTS còn thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nhiều người chưa biết tiếng phổ thông nên tuyên truyền, PB,GDPL chủ yếu được thông báo trên loa của các thôn bản.

Ngay trong tháng 10/2021, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội huyện Kỳ Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú thu hút trên 2.000 lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia. Thông qua các hoạt động, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PB,GDPL; tiếp tục đưa hoạt động PB,GDPL thành hoạt động thường xuyên; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong chủ động tìm hiểu, trang bị cho bản thân những kiến thức pháp luật đồng thời tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ biên giới.

Huyện Quỳ Châu tổ chức Hội nghị PB,GDPL. Ảnh: Hồng Sơn

Hoặc tại huyện Con Cuông, đã tuyên truyền, PB,GDPL cho người dân tại 3 bản biên giới, gồm: Châu Sơn, Bãi Gạo và bản Bung thuộc xã Châu Khê. Người dân được tuyên truyền các nội dung về Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Phòng chống ma túy và Nghị định 34/2014/NĐ-CP về Quy chế Khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của Nhà nước cho người dân khu vực biên giới.

Huyện Quế Phong là huyện miền núi có vùng biên giới xa xôi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Khu vực này chủ yếu là đồng bào DTTS, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế. Ðể góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho người dân và đưa pháp luật thực sự đi sâu vào cuộc sống, lực lượng chức năng của huyện tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ vơ tổ chức nhiều buổi tuyên truyền PB,GDPL cho người dân trên địa bàn, chủ động đưa ra những giải pháp, cách làm hay, đa dạng và hiệu quả nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp cho nhân dân nâng cao nhận thức, sự hiểu biết pháp luật, tích cực thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước...

Còn từ đầu năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp tuyên truyền PB,GDPL cho các huyện biên giới của tỉnh và các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức được 18 lớp tại các huyện như: Thanh Chương, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Các nội dung tuyên truyền được Ban Dân tộc tỉnh chọn lọc như: Luật Khiếu nại và Tố cáo, Luật An ninh mạng, Di cư tự do, Luật Biên giới và Nghị định 34 về Quy chế Khu vực biên giới đất liền, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, các chính sách dân tộc.. Theo dự kiến, đến giữa tháng 11/2021, chương trình tuyên truyền PB,GDPL của Ban Dân tộc tỉnh sẽ được hoàn tất.

Như vậy có thể khẳng định, nhiều năm qua, Nghệ An liên tục tăng cường tuyên truyền PB,GDPL cho nhân dân trên các huyện biên giới, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, nằm ở khu vực giáp với biên giới nước bạn Lào, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Việc tuyên truyền PB,GDPL của Nghệ An đã và đang đem lại nhiều quả thiết thực góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS hiểu biết về pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự biên giới, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm