Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tuyển dụng công chức, viên chức

Thái Hải

Thứ năm, 29/12/2022 - 18:03

(Thanh tra) - Đó là một trong những giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực trong tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ của cơ quan hành chính Nhà nước (HCNN) do TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội đưa ra tại đề tài khoa học cấp bộ cùng tên được Hội đồng Nghiệm thu đánh giá cao.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được đưa ra trong nhiều nhiệm kỳ đại hội, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.

Trên có sở nghiên cứu các lý luận cơ bản, thực trạng pháp luật và thực tiễn công tác kiểm soát quyền lực trong tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ của cơ quan HCNN, đề tài đề xuất được các giải pháp hoàn thiện pháp luật và hoạt động kiểm soát quyền lực trong tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ của cơ quan HCNN.

Nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật công chức, viên chức theo hướng kiểm soát quyền lực trong tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ của cơ quan HCNN bao gồm kiểm soát quyền lực về phương thức tuyển dụng công chức, viên chức.

“Kiểm soát quyền lực từ khi xây dựng vị trí việc làm được coi là nền tảng quan trọng cho việc lựa chọn phương thức và quy trình tuyển dụng công chức, viên chức. Cần phân loại vị trí việc làm để xác định ngoài thi tuyển cạnh tranh phải có các phương thức tuyển dụng khác phù hợp cho từng loại vị trí. Một số vị trí đòi hỏi chuyên môn cao có thể thực hiện tuyển dụng theo chế độ hợp đồng, kết hợp với việc trả lương tương xứng” - ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác tuyển dụng. Theo chủ nhiệm đề tài, kiểm soát quyền lực từ khi các cơ quan HCNN chọn lựa ra những ứng viên đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để lập danh sách tham gia thi tuyển; tạo điều kiện thuận lợi để những công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuyển dụng được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về quản lý Nhà nước và nền công vụ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các quy định về vị trí việc làm, quy định hình thức tuyển dụng cạnh tranh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác luân chuyển về thời gian, tiến độ, đối tượng, thời hạn luân chuyển, hiệu quả.

Quan tâm xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ hợp lý cho cán bộ luân chuyển để tạo động lực cho họ khi thực thi công tác luân chuyển về lương và phụ cấp, chế độ công vụ được hưởng, chính sách ưu tiên đối với những vùng khó khăn.

Toàn cảnh hội nghị nghiệm thu. Ảnh: TH

 Giải pháp kiểm soát quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ của cơ quan HCNN, kiểm soát quyền lực trong xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo; tiêu chuẩn bổ nhiệm và quy trình thực hiện bổ nhiệm phải được thống nhất trong các cơ quan HCNN.

Kiểm soát quyền lực trong quy trình bổ nhiệm cán bộ; xây dựng quy trình bổ nhiệm cán bộ cần xây dựng đồng thời các công cụ đánh giá về năng lực công tác, hoặc kinh nghiệm của người được bổ nhiệm; xây dựng các tiêu chí đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cán bộ; xây dựng chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ của cá nhân người đứng đầu và trách nhiệm của tập thể;

Mặt khác, kiểm soát quyền lực trong quy trình đánh giá người được bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức lãnh đạo được hiệu quả. Kiểm soát quyền lực theo trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể cơ quan, đơn vị trong thực hiện quy trình bổ nhiệm; cần giao đủ quyền cho người đứng đầu trong công tác bổ nhiệm để chủ động trong bổ nhiệm và sử dụng, quản lý cán bộ thuộc quyền.

Đặc biệt, cần kiểm soát quyền lực và xử lý trách nhiệm đối với những người lạm quyền, lộng quyền khi ban hành các quyết định bổ nhiệm sai quy định; cần có chế tài đủ mạnh để răn đe đối với hành vi lạm quyền, lộng quyền, chạy chức, chạy quyền.

Cần phân công, phân cấp, phân quyền giữa các cấp, các cơ quan HCNN phải đi kèm với “ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát và có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát quyền lực trong trình tự bổ nhiệm cán bộ. Xây dựng các biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ. Phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả để chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ…

Đánh giá kết quả nghiên cứu, Hội đồng Nghiệm thu khẳng định: Đề tài đã luận rõ được tính cấp thiết của việc nghiên cứu, đánh giá và dẫn chứng một số công trình nghiên cứu có liên quan. Cách tiếp cận tương đối phù hợp, có nội dung nghiên cứu khá sâu về mặt quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện, luận giải làm rõ một số nội dung về mặt lý luận, cơ sở lý thuyết.

Đề tài có giá trị ứng dụng cao trong hoàn thiện quy định pháp luật và tổ chức thực hiện kiểm soát quyền lực trong tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ của cơ quan HCNN; các giải pháp khá đồng bộ, thống nhất, các kiến nghị về hoàn thiện pháp luật tương đối cụ thể, khả thi..

Với những kết quả nghiên cứu, Hội đồng Nghiệm thu đánh giá xếp loại khá.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm