Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 25/07/2023 - 15:33
(Thanh tra) - Vấn đề rút bảo hiểm xã hội (BHXH) “khá phức tạp”, nên có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội nhưng cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động… Đó là kết luận của Thường trực Chính phủ về Dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Thường trực Chính phủ yêu cầu nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lợi hưu trí thay vì nhận BHXH một lần. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.
Trước đó, ngày 19/7 và ngày 21/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về: Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Các đề nghị xây dựng: Luật Phòng chống mau bán người (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cũng được Thường trực Chính phủ cho ý kiến.
Khuyến khích lao động hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, Thường trực Chính phủ đã có kết luận cụ thể về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.
Trong đó, với Dự án Luật BHXH (sửa đổi), Thường trực Chính phủ đánh giá dự án luật này có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.
Nội dung dự án luật cơ bản đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật về cải cách, hoàn thiện chính sách BHXH trong điều kiện mới, khắc phục nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ.
Thường trực Chính phủ yêu cầu, thực hiện phân cấp, phân quyền cần đi liền với hoạt động kiểm tra, giám sát; đa dạng hóa nguồn lực để huy động tổ chức thực hiện luật, hợp tác công - tư…
Về rút BHXH một lần, theo đánh giá của Thường trực Chính phủ, đây là vấn đề “khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội”. “Có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội nhưng cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động, khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lợi hưu trí thay vì nhận BHXH một lần”, theo Thường trực Chính phủ.
Rút BHXH một lần là một trong những vấn đề “nóng” thời gian qua. Vào hồi đầu tháng 6 năm nay, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, số người hưởng BHXH một lần gia tăng do tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng.
Dẫn báo cáo của BHXH Việt Nam, theo ông Dung, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người. Số này tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021.
Giai đoạn 2016 - 2022, cơ quan BHXH tại các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần. Trong đó, số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người, chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng.
Thời điểm đó, Bộ trưởng đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, ông nhấn mạnh, cần sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn; sửa đổi quy định chính sách phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn để người lao động tham gia BHXH…
Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu cần tính toán, đánh giá khoa học
Về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng hưu từ 20 năm xuống 15 năm và mức đóng BHXH, theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội “cần tính toán, đánh giá một cách khoa học để bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội”.
Bộ này cũng được giao cần tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH.
“Cần đánh giá rõ hành vi vi phạm và các vấn đề liên quan để đề xuất giải pháp phù hợp, đặc biệt nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận tiện, minh bạch, không gây khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động khi thực hiện quyền, trách nhiệm của họ”, Thường trực Chính phủ yêu cầu.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, kết nối đồng bộ Cơ sở dữ liệu về dân cư để nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện, quản trị BHXH, tránh việc lợi dụng, tiêu cực, trục lợi chính sách BHXH cũng là vấn đề Thường trực Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện.
Thường trực Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để bổ sung thêm chính sách, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH.
Điều này nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân, thể hiện chủ trương không hi sinh tiến bộ và công bằng xã hội chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, hướng tới đạt mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chính sách BHXH.
“Bỏ tất cả những quy định có tính chất “xin- cho”
Thủ tướng Chính phủ có ý kiến kết luận giao các cơ quan chủ trì soạn thảo tổng kết, đánh giá kỹ việc thi hành các luật hiện hành; phân tích kỹ những quy định cần kế thừa, đã được thực tế chứng minh áp dụng có hiệu lực; những quy định cần bãi bỏ vì đã không còn phù hợp với thực tế hoặc chồng chéo.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, các bộ không được quy định thêm thủ tục hành chính mà chỉ giảm bớt thủ tục, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; phân cấp mạnh cho cấp dưới.
“Bỏ tất cả những quy định có tính chất “xin - cho”; giao quyền cho đại phương, cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND các cấp…”, Thủ tướng quán triệt.
Với những nội dung, phương án đề xuất, các cơ quan chủ trì soạn thảo luật phải lý giải cụ thể và có quan điểm rõ ràng. Cạnh đó, tiếp tục đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách đưa ra hiệu quả, khả thi; lấy ý kiến rộng rãi, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách….
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Như đã thành thông lệ, sau khi thực hiện thí điểm từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của UBND các tỉnh, thành phố hàng năm (PACA).
Thành Dương
22:33 10/12/2024(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.
Nam Dũng
21:51 10/12/2024T.Thanh
18:24 10/12/2024Trần Quý
13:49 10/12/2024Trần Quý
11:39 10/12/2024Trần Quý
Văn Thanh
Trung Hà
Hương Giang
Hương Trà
Trần Kiên
Cảnh Nhật
Trần Quý
Văn Thanh
N. Phó - L. Bằng
Hương Giang