Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới

Thứ ba, 26/05/2020 - 07:00

(Thanh tra)- Phát huy tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh, và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến, trong thời gian tới Chính phủ sẽ triển khai nhiều chương trình cải cách mới với một loạt nhiệm vụ, giải pháp mới.

Ảnh minh họa: https://thethaovanhoa.vn/

Thứ nhất, thông qua Nghị quyết về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 nhằm thúc đẩy cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm gánh nặng hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh doanh.

Mục tiêu cơ bản chương trình đặt ra là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân trên tổng chi phí tuân thủ được các bộ, cơ quan ngang bộ tính toán và công bố sau khi thống kê lần đầu. Chỉ tiêu này được đo kiểm bằng phương pháp và công cụ được áp dụng phổ biến từ các nước OECD thông qua tính toán và so sánh chi phí tuân thủ trước và sau cắt giảm, đơn giản hóa các quy định để lượng hóa lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, người dân.

Kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh như quy định về hồ sơ, quy trình, quy định về báo cáo; quy định về yêu cầu, điều kiện trong hoạt động kinh doanh; quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình xây dựng văn bản (đánh giá tác động khi xây dựng, thẩm định, thẩm tra văn bản) giúp đảm bảo cắt giảm thực chất các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Nghị quyết sẽ được triển khai một cách căn bản, có hệ thống. Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng năm được các bộ, cơ quan chủ động triển khai căn cứ trên chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế. Để thực hiện tốt Nghị quyết này, Chính phủ sẽ tăng cường truyền thông và đối thoại với doanh nghiệp, người dân, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, và các chuyên gia.

Công tác theo dõi, giám sát, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh sẽ được thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong năm 2020, các bộ, ngành sẽ tập trung thống kê toàn bộ các quy định để thiết lập hệ thống phần mềm này.

Hướng tới mục tiêu Nghị quyết đặt ra, các bộ, cơ quan cũng cần tập trung vào các giải pháp như: Triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, hoàn thiện các hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng DVC cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối với Cổng DVC quốc gia, xây dựng các kho dữ liệu điện tử dùng chung, tăng cường khả năng kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai DVC mức độ 3 - 4, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, xã hội hóa thực chất hoạt động đánh giá sự phù hợp (chứng nhận, giám định, thử nghiệm, kiểm định), tăng cường thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp...

Việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc sẽ được thực hiện thường xuyên để các nhiệm vụ được thực hiện đúng theo tiến độ, chất lượng, mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết. Văn phòng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình.

Với sự quyết tâm cao của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Nghị quyết sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng về chất lượng thể chế kinh tế của nước ta trong thời gian tới, cải thiện một bước căn bản môi trường kinh doanh, qua đó hỗ trợ tối đa cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và chi phí tuân thủ theo Nghị quyết này sẽ đem lại cho doanh nghiệp, người dân nhiều lợi ích thiết thực với chi phí tuân thủ thấp hơn và quan trọng hơn, người dân và doanh nghiệp sẽ có một môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, hiệu quả.

Thứ hai, thúc đẩy việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Nghị định giúp tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện TTHC trực tuyến trên môi trường điện tử, từ vấn đề xác thực, định danh cá nhân đến quy trình thực hiện, thanh toán trực tuyến, giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử, trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng, kiểm soát chất lượng thực hiện TTHC trên môi trường điện tử... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức trong giao dịch trực tuyến với các chi phí xã hội thấp nhất, từng bước nâng cao tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Đặc biệt, Nghị định ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết TTHC điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan Nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.

Nghị định quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương về việc việc xây dựng kế hoạch cung cấp DVC trực tuyến, ưu tiên các TTHC có nhu cầu lớn, liên quan đến hoạt động của phần lớn người dân, doanh nghiệp. Các TTHC liên ngành, liên cơ quan cũng là đối tượng ưu tiên được nghiên cứu và cung cấp DVC trực tuyến. Bên cạnh các kế hoạch thực hiện TTHC trên môi trường điện tử do các bộ, ngành và địa phương chủ động thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo về các thủ tục, nhóm TTHC ưu tiên trong từng thời kỳ để có thể đem TTHC trực tuyến đến cho người dân và doanh nghiệp nhanh hơn và nhiều hơn.

Nghị định quy định việc số hóa các kết quả giải quyết TTHC, cụ thể là các giấy tờ Nhà nước cấp cho người dân, doanh nghiệp để sử dụng trong hệ thống Nhà nước, giảm thiểu yêu cầu cung cấp các giấy tờ Nhà nước đã cấp cho người dân, doanh nghiệp. Thay vào đó, các cơ quan Nhà nước sẽ thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu và không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp các thông tin, dữ liệu đã có trong cơ quan hành chính Nhà nước. Theo quy định của Nghị định, việc số hóa các giấy tờ là kết quả giải quyết TTHC phải được thực hiện xong trước ngày 31/12/2025. Trong thời gian tới, người dân và doanh nghiệp sẽ không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ khi thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Thời gian và chi phí thực hiện TTHC sẽ được cắt giảm đáng kể.

Nghị định quy định việc cấp và sử dụng bản sao điện tử. Người dân, doanh nghiệp sẽ sử dụng bản sao điện tử có chứng thực hoặc do cơ quan có thẩm quyền cấp từ sổ gốc để thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ hành chính cấp độ 4, không mất chi phí và thời gian để nộp hồ sơ giấy cho cơ quan Nhà nước. Quy định này sẽ đáp ứng một cách căn bản nhu cầu được sử dụng DVC hoàn toàn trực tuyến của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới, giúp giải quyết nộp bản điện tử và bản giấy để xác minh.

Chính phủ sẽ dành ưu tiên triển khai thực hiện Nghị định này để sớm đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Kế hoạch thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của các bộ, ngành và địa phương sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên để Nghị định được thi hành nhanh chóng và hiệu quả. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo cụ thể về các ưu tiên thực hiện TTHC trên môi trường điện tử trong từng thời kỳ.

Thứ ba, tích hợp, cung cấp DVC trên Cổng DVC quốc gia. Ngoài ra, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, DVC trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng DVC quốc gia.

Hiện nay Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng phương án kỹ thuật cung cấp 06 DVC hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng DVC quốc gia gồm:

(1)     Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương;

(2)     Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động;

(3)     Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp;

(4)     Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân;

(5)     Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất;

(6)     Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid.

Việc cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian, giảm thủ tục thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Các DVC này trên Cổng DVC quốc gia sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp. Đồng thời, thông qua kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị sẽ hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg.

Hoàng Yến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

(Thanh tra) - Đó là giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra được đưa ra tại đề tài khoa học cấp bộ năm “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm, được Hội đồng Khoa học nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Thái Hải

18:05 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm