Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nâng cao nguồn nhân lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc

Thứ bảy, 05/11/2022 - 13:33

(Thanh tra) - UBND tỉnh Nghệ An ngày 25/10 đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 01/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Vi Văn Sơn trao giấy khen của Ban Dân tộc cho 7 tập thể. Ảnh tư liệu: Đ.T/https://baonghean.vn/

Mục tiêu cụ thể

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025 tăng trên 02 lần so với năm 2020.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 3%; 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 90% hộ gia đình được sử dụng nước sạch (sinh hoạt hợp vệ sinh); 99% hộ gia đình được dùng điện điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, đúng hướng; hình thành vùng sản xuất hàng hóa kết hợp với chế biến đa dạng có giá trị kinh tế cao, có giải pháp ổn định cho đầu ra của sản phẩm.

Chú trọng việc đào tạo nghề trong đó lao động trong độ tuổi lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua đào tạo đạt 50%; giải quyết việc làm tại chỗ; đào tạo nguồn nhân lực để chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Tiếp tục nâng cấp hệ thống trường học, trạm y tế đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Khôi phục, phát huy các ngành nghề truyền thống; quan tâm, khuyến khích đầu tư xây dựng một số khu du lịch sinh thái của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy tính dân chủ trong việc triển khai và thực hiện chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nói riêng.

Mục tiêu tổng quát

Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách đồng bộ; giảm nghèo bền vững, môi trường sinh thái được bảo vệ. Nâng cao dân trí, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở, khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nâng cao cách tiếp cận và nhận thức về công tác dân tộc trong tình hình mới, cũng như trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội.

Để đạt được các mục đích và mục tiêu đề ra, lãnh đạo tỉnh sẽ triển khai hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác dân tộc trong tình hình mới.

Đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn thể nhân dân.

Thứ hai, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao nguồn nhân lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Phân công rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số theo yêu cầu công việc và quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc; biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc.

Mục đích

Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trọng tâm là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và toàn thể nhân dân đối với công tác dân tộc trong tình hình mới.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân tộc, huy động sự vào cuộc và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác dân tộc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Thứ ba, tập trung các nguồn lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và dân tộc thiểu số khó khăn đặc thù.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới đất liền. Đa dạng hóa và xã hội hóa các nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn; nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn, từng bước ứng dụng công nghệ cao, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, đặc trưng có giá trị cao. Khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, vươn lên làm giàu.

Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định cư gắn với quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư, hạn chế tối đa tình trạng di dịch cư tự do; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng phát huy thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán của từng dân tộc.

Thứ năm, tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân thực hiện tốt đường lối, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và chính sách đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới.

Tăng cường chỉ đạo, phối hợp bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức xúc của đồng bào ngay từ cơ sở, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; kịp thời đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại các âm mưu phá hoại, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.

Khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong trong việc tham gia triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Phát huy vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người có uy tín, trưởng bản, trưởng các dòng họ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội.

Kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm