Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ II: Không dùng mạng xã hội để chia sẻ, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng

Lê Phương

Thứ sáu, 16/12/2022 - 17:51

(Thanh tra) - Theo Quy chế Văn hóa công sở của Thanh tra Chính phủ vừa được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký ban hành, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Thanh tra Chính phủ không dùng mạng xã hội để chia sẻ, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi đi làm việc, dự họp phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đầu tóc gọn gàng; trang phục phù hợp; đi giày da hoặc dép có quai hậu. Ảnh: LP

Không sử dụng từ ngữ phản cảm gây thù hận, kích động

Về ứng xử trên mạng xã hội tại Điều 8 quy định, phải tìm hiểu kỹ lưỡng và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội. Nên sử dụng họ, tên thật của cá nhân và tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội; thông báo ngay tới cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh.

Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc; không sử dụng từ ngữ phản cảm gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, từ ngữ vi phạm thuần phong mỹ tục.

Không cung cấp, trao đổi, đăng tin hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin nội bộ của cơ quan lên mạng xã hội, báo chí làm ảnh hưởng đến uy tín cơ quan, đơn vị, đoàn kết nội bộ, xúc phạm đồng nghiệp.

Tuân thủ Quy chế Phát ngôn; không dùng mạng xã hội để chia sẻ, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, làm xấu hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt - việc tốt.

Quy chế cũng quy định về việc treo Quốc kỳ, Quốc huy, biển tên cơ quan. Theo đó, Quốc huy được treo trang trọng tại phía trên cổng chính hoặc tòa nhà chính Trụ sở Cơ quan Thanh tra Chính phủ. Kích cỡ Quốc huy phải phù hợp với không gian treo. Không treo Quốc huy quá cũ hoặc bị hư hỏng.

Quốc kỳ được treo nơi trang trọng trước trụ sở hoặc tòa nhà chính của Cơ quan Thanh tra Chính phủ. Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Biển tên các trụ sở làm việc của Thanh tra Chính phủ được đặt tại cổng chính; trên biển ghi rõ, đầy đủ tên gọi, địa chỉ của cơ quan bằng tiếng Việt và có biểu tượng ngành Thanh tra.

Cách thể hiện biển tên cơ quan; nội dung biển tên cơ quan; màu sắc, kích thước, chất liệu và vị trí gắn biển tên cơ quan theo quy định của Bộ Nội vụ.

Trên cửa phòng làm việc của cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải có biển tên, ghi rõ tên đơn vị, họ và tên, chức danh của cán bộ, công chức, viên chức. Trên cửa phòng làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có biển ghi rõ tên đơn vị và có thể có tên của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Phòng làm việc phải được sắp xếp, bài trí gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, hợp lý.

Trang phục ngành Thanh tra được sử dụng theo quy định

Đối với việc sử dụng thời giờ làm việc, Điều 11 quy định, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến cơ quan làm việc đúng giờ; trong giờ hành chính phải làm việc chuyên môn hoặc nghiên cứu phục vụ công tác chuyên môn; không làm việc riêng.

Người được mời tham dự các cuộc họp phải có mặt đúng giờ tại phòng họp. Trong khi dự họp không nói chuyện riêng; điện thoại để chế độ rung, không đổ chuông, không gọi hoặc nghe điện thoại trong phòng họp; trường hợp cần thiết gọi hoặc nghe phải xin phép ra ngoài.

Không tự ý rời khỏi trụ sở làm việc; đi công tác hoặc thực hiện nhiệm vụ được giao ở ngoài cơ quan phải báo cáo rõ nội dung, thời gian làm việc; khi về phải báo cáo kết quả làm việc theo quy định.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi đi làm việc, dự họp phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đầu tóc gọn gàng; trang phục phù hợp; đi giày da hoặc dép có quai hậu.

Trang phục ngành Thanh tra được sử dụng theo quy định của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Điều 13 Quy chế quy định về nội dung tiếp khách. Theo đó, khi khách đến tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo do lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì thì đơn vị được phân công chuẩn bị cuộc họp có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng cử cán bộ đón tiếp, hướng dẫn khách đến phòng họp, bố trí chỗ ngồi cho khách và tiễn khách về khi kết thúc cuộc họp.

Khi khách các địa phương về dự họp, hội nghị, làm việc với Thanh tra Chính phủ thì Văn phòng chủ trì, phối hợp với các vụ, cục, đơn vị có liên quan đón tiếp, tạo điều kiện bố trí nơi ăn, nghỉ cho khách (khi có yêu cầu); hướng dẫn khách đến nơi họp, làm việc.

Khi khách đến làm việc với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phải liên hệ qua Văn phòng hoặc thư ký, cán bộ giúp việc để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo.

Khi khách đến dự họp, làm việc thì các vụ, cục, đơn vị chủ trì, phối hợp với Văn phòng cử cán bộ ra đón khách về địa điểm họp, làm việc.

Khi khách đến làm việc với công chức, viên chức, người lao động được tiếp tại nơi tiếp khách của cơ quan.

Điều 14 quy định, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ nội dung của Quy chế này và các quy định liên quan. Những quy định trên đây là một trong những cơ sở để nhận xét, xếp loại, đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm của tập thể và cá nhân thuộc Thanh tra Chính phủ. Trường hợp vi phạm, tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý bằng các hình thức như nhắc nhở, phê bình trước đơn vị, cơ quan; xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong đánh giá, xếp loại cuối năm; không xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, nâng lương; điều chuyển khỏi vị trí công tác; không xem xét, bổ nhiệm lại hoặc đưa ra khỏi quy hoạch.

Trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm