Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng, chống hành vi làm giàu bất chính

Thái Hải

Thứ sáu, 16/09/2022 - 18:50

(Thanh tra) - Đó là một trong những nội dung được đề cập trong chủ đề “Thực trạng điều kiện bảo đảm kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” trong khuôn đề tài khoa học cấp bộ “Điều kiện bảo đảm kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” do ThS Lê Thị Thúy, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) làm Chủ nhiệm.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Theo chủ nhiệm đề tài, kiểm soát tài sản thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nắm rõ thông tin về TSTN của cán bộ, công chức và những người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước để thực hiện những biện pháp quản lý, ngăn chặn, can thiệp hoặc xử lý phù hợp.

Về thực trạng các điều kiện bảo đảm cho việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn, Ban Chủ nhiệm cho biết, tại Việt Nam vấn đề này được thể hiện ở sự quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nói chung và trong kiểm soát TSTN nói riêng. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó nhận định, đánh giá tình hình và đề ra một số giải pháp cụ thể về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, việc thực hiện nghiêm kê khai và xác minh bản kê khai TSTN theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Các cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai TSTN, công bố trong chi bộ, cấp ủy và giải trình nguồn gốc khi có yêu cầu; từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai TSTN của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Mặt khác, hoàn thiện quy định đảm bảo kiểm soát có hiệu quả TSTN của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung về quản lý bản kê khai; kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai; trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, những khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn.. Tăng cường lãnh đạo để thống nhất nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các cơ quan, tổ chức, đơnvị về việc kê khai tài sản theo quy định; phát huy vai trò trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.

Đồng thời, tăng cường lãnh đạo và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Đồng thời, xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai, không kê khai, kê khai không trung thức, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm…

ThS Lê Thị Thúy cho biết thêm, tại Việt Nam, tham nhũng còn phổ biến, hành vi làm giàu bất chính còn cao, nền công vụ chưa thực sự hoàn thiện, do đó việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong giai đoạn hiện nay hiện nay là ưu tiên cho mục tiêu phòng, chống hành vi làm giàu bất chính.

Thẩm quyền của cơ quan kiểm soát TSTN hiện nay đang được tổ chức theo mô hình bán tập trung, tập trung trong khu vực hành chính (Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh) và phi tập trung ở các cơ quan Nhà nước khác (Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, Quốc hội, tòa án, viện kiểm sát).

Riêng trong hệ thống các cơ quan của Đảng, thẩm quyền kiểm soát TSTN được trao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các ban, cơ quan của Đảng ở Trung ương, ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy, quận ủy, huyện ủy.

Vấn đề đặt ra là: Cơ quan nào là đầu mối hướng dẫn về quy trình, nghiệp vụ xác minh TSTN, các văn bản, giấy tờ về xác minh TSTN sẽ được thực hiện theo mẫu của cơ quan nào?

Thực tế, hiện nay các cơ quan kiểm soát TSTN đều là các cơ quan kiêm nhiệm, tổ chức và hoạt động đều chịu sự quản lý, kiểm soát của nhiều tầng nấc, không có kinh phí hoạt động riêng, khó bảo đảm tính độc lập, khác quan trong hoạt động.

Trong thời gian qua, cơ quan kiểm soát TSTN hầu như không áp dụng việc kiểm kê tài sản hay phong toả tài khoản để phục vụ việc xác minh TSTN, việc áp dụng chỉ được thực hiện khi bản thân cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhận thấy cần áp dụng để phục vụ cho hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thanh tra, kiểm toán.

Tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao các nội dung mà đề tài sẽ nghiên cứu, đề tài đã nêu được các khái niệm, đặc điểm, nội dung và thực trạng bảo đảm kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn.

Trong phần thực trạng đề cập đến sự tham gia của báo chí trong kiểm soát TSTN, các đại biểu đều nhấn mạnh: Hiệu quả của việc cho phép công chúng tiếp cận thông tin để giám sát phụ thuộc vào sự quan tâm của công chúng; sự tích cực trong hoạt động của các tổ chức xã hội, sự độc lập trong hoạt động của báo chí, truyền thông, sự thuận tiện của hệ thống tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân.

Đề tài cần phải làm rõ và cân đối giữa một bên là cho phép công chúng giám sát và một bên là bảo vệ quyền riêng tư của những người phải kê khai TSTN.

Bên cạnh đó, đề tài khi đưa ra giải pháp hoàn thiện cần cân nhắc phạm vi loại thông tin cho phép công chúng tiếp cận, bởi hiện tại chưa có quy định cụ thể nào về việc tiếp cận của báo chí, người dân đối với thông tin về TSTN của người có chức vụ cũng như thông tin về hoạt động của cơ quan kiểm soát TSTN…

Trên cơ sở các ý kiến, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện kết quả nghiên cứu đề tài trong thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm