Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế”

Thứ tư, 09/12/2015 - 09:02

(Thanh tra) - Chiều ngày 8/12, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế”.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: ND

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Vào tháng 10/2014, Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã Ký kết Chương trình phối hợp thông tin, truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2014 - 2020.

Trong thời gian qua, chương trình phối hợp giữa hai Bộ khá chặt chẽ và đã phát huy hiệu quả tích cực: Báo chí dù phản ánh ở nhiều góc độ khác nhau nhưng đều vì mục tiêu đem lại lợi ích, phục vụ sức khỏe nhân dân. Theo đó, đã đảm bảo thông tin nhanh, kịp thời những kiến thức về chăm sóc sức khỏe, xử lý rủi ro, phòng bệnh tật cũng như những thành tựu của ngành Y tế tới người dân hay các vấn đề tồn tại như thủ tục hành chính, thái độ của cán bộ y tế khiến người dân bức xúc... nhằm tăng cường chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Y tế mong muốn xây dựng mô hình truyền thông mẫu về sự phối hơp với truyền thông cho tất cả các ngành nghề khác trong xã hội.

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Kinh tế nông thôn cho hay: Y tế là công tác chăm sóc sức khỏe cho con người. Chăm sóc sức khỏe không có nghĩa chỉ là việc chuẩn đoán, điều trị bệnh mà còn là phòng ngừa bệnh, thương tích và các suy yếu về thể chất và tinh thần khác ở người. Chăm sóc sức khỏe được xác định là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe tổng quát và hạnh phúc của mọi người. Vậy, để được chăm sóc sức khỏe tốt, cả hai phía, những người làm công tác y tê (thầy thuốc, y, bác sỹ) và mọi người dân cần hiểu được trách nhiệm của cá nhân mình. 

Để người cán bộ y tế hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân và ngược lại người dân hiểu được những công việc, những khó khăn mà ngành Y tế đang phải triển khai nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì công tác thông tin tuyên truyền hay truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng cần được ưu tiên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc. Ảnh: ND

Theo ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Thư ký - Tổng hợp, Bộ TT&TT phát biểu: Truyền thông là phương pháp hữu hiệu nhất để giúp người dân, cộng đồng nhận được thông tin, có kiến thức về sức khỏe, thực hiện các hành vi bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình. Đặc biệt, truyền thông nhằm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực y tế, các biện pháp đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tuyên truyền về các hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, các kỹ thuật, thành tựu y học tiên tiến… Ngoài ra truyền thông còn giúp các cấp chính quyền, các bộ, ngành, đoàn thể quan tâm đầu tư hơn cho công tác y tế.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí, Thanh tra Bộ TT&TT thông tin: Ngày nay, mặc dù có nhiều kênh tiếp nhận thông tin, nhưng báo chí vẫn là kênh thiết yếu để người dân sử dụng làm thước đo để so sánh, đánh giá. Niềm tin của họ cho rằng báo chí là của Nhà nước, được Nhà nước đảm bảo. 

Trên thực tế báo chí đã không phụ lòng tin của nhân dân, mỗi con chữ, mỗi thông điệp cho dù là thông tin quảng cáo khi xuất hiện trên mặt báo đều được phóng viên, biên tập viên, tổng biên tập kiểm soát, cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, quảng cáo trên báo chí thời gian gần đây có dấu hiệu bị buông lỏng, xa rời giá trị, chuẩn mực chung... 

Đặc biệt trong lĩnh vực y tế như thuốc, thực phẩm chức năng… lợi dụng danh nghĩa nhân viên y tế, lời cảm ơn của người bệnh để tạo lòng tin, “đánh” vào tâm lý người bệnh để thu hut, lôi kéo họ gây ra nguy cơ đối với sức khỏe và tính mạng con người, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng. 

Năm 2014, Thanh tra Bộ TT&TT đã xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ quan báo chí với số tiền 330 triệu đồng. Năm 2015, phạt 4 cơ quan báo chí với số tiền 585 triệu đồng chủ yếu là vi phạm về quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng. Mặc dù, đã bị xử lý rất mạnh tay nhưng tình trạng vi phạm về quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực y tế vẫn tiếp diễn, là thách thức cơ quan chức năng.

Cũng tại Hội thảo, Đại diện các cơ quan báo chí cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, nhằm giúp công tác truyền thông về y tế đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các đại biểu chỉ rõ: Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức như các dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục lưu hành, bùng phát, các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, nhu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong điều kiện cuộc sống mới ngày càng cao. Do đó, sự phối hợp truyền thông giữa ngành Y tế và ngành TT&TT cần chặt chẽ hơn nữa trong việc phát huy các thế mạnh của hệ thống TT&TT  tại cơ sở. 

Bộ TT&TT cần định hướng thông tin và chỉ đạo các cơ quan báo chí phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời các hoạt động của ngành Y tế, tạo sự thống nhất đồng thuận của toàn xã hội để cùng ngành Y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. 

Nam Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm