Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hoà Bình làm rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính

Trần Kiên

Thứ ba, 13/05/2025 - 08:24

(Thanh tra) - Năm 2024, Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Hoà Bình giảm 2 bậc, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giảm 12 bậc so với năm 2023. Trong đó, chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, viên chức được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính của tỉnh.

Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh Hoà Bình. Ảnh minh hoạ: TK

Năm 2024 là năm thứ 13 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số CCHC của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; là năm thứ 8 triển khai đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Đây là hai công cụ quan trọng đánh giá kết quả, tác động của CCHC một cách toàn diện, khách quan, đa chiều; giúp các địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những mặt tích cực và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ CCHC để có biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nâng chất lượng phục vụ Nhân dân.

Kết quả công bố của Bộ Nội vụ cho thấy, Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung của tỉnh Hoà Bình năm 2024 có sự cải thiện đáng kể, đạt 84,08%, tăng 1,93%, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2023.

Tuy vậy, Chỉ số CCHC của tỉnh Hòa Bình năm 2024 đạt 88,18%, tăng 1,42% so với năm 2023; xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, giảm 2 bậc trên bảng xếp hạng.

Theo đánh giá, Chỉ số CCHC của tỉnh Hoà Bình năm 2024 có 4 lĩnh vực có sự cải thiện đáng kể về chỉ số so với năm 2023 là: Công tác chỉ đạo điều hành về CCHC; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; Khảo sát của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; Đánh giá một số tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó còn một số lĩnh vực giảm điểm gồm: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công... 

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024 của tỉnh Hòa Bình đạt 43,4778 điểm, thuộc nhóm thấp - trung bình so với 63 tỉnh, thành phố, giảm 12 bậc so với năm 2023.

Theo đó, có 5/8 chỉ số tăng điểm là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Có 3/8 chỉ số giảm điểm là trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công.

Ngày 12/5, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tỉnh và Đề án 06 tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị đánh giá kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, Chỉ số CCHC; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu chỉ rõ những hạn chế trong công tác CCHC của tỉnh trong năm 2024. Trong đó vẫn còn tình trạng hồ sơ chưa đồng bộ công khai trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; còn sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình, tỷ lệ thanh toán trực tuyến chưa đạt tối đa 100%; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công chưa được cải thiện...

Nguyên nhân được xác định do một số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ chưa nghiêm, dẫn đến phải xử lý kỷ luật. Hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu thiết bị máy móc. Một số ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động, tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh...

Tại cuộc họp, ông Bùi Đức Hinh, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đã nhấn mạnh việc chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh là khâu yếu, nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính. Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đề nghị, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục xác định vai trò của người đứng đầu trong cải cách thủ tục hành chính; tập trung rà soát lại các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Danh mục doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường

Danh mục doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường

(Thanh tra) - Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã ban hành Thông tư 05/2025/TT-BKHCN quy định danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, danh mục doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý.

Thiên Bình

09:04 20/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm