Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải pháp nào để xử lý vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng?

Hoàng Nam

Thứ ba, 08/10/2024 - 22:22

(Thanh tra) - Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai (do Ban Dân nguyện chuyển đến) về loại hình tội phạm trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, tính chất thủ đoạn ngày càng tinh vi, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã đưa ra một số biện pháp nhằm phòng, chống vấn nạn nêu trên.

Loại hình tội phạm trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, tính chất thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ảnh minh họa: IT

Công văn số 655/BDN ngày 2/8/2024 của Ban Dân nguyện chuyển kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai đến Bộ TTTT có nội dung phản ánh về loại hình tội phạm trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, tính chất thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhất là tình trạng lộ thông tin cá nhân, gọi điện, tin nhắn, quảng cáo cho vay tiền lãi cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây bức xúc dư luận xã hội. Cử tri đề nghị Bộ TTTT và Bộ Công an xem xét trình Chính phủ để ban hành các biện pháp ngăn ngừa tình trạng nêu trên.

Về vấn đề này, sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT cho rằng, thời gian gần đây, vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên phức tạp dưới nhiều hình thức và ngày càng tinh vi đã gây hậu quả, tác động tiêu cực lớn tới xã hội, trong đó mạng xã hội là một trong những phương thức được các đối tượng khai thác triệt để để thực hiện hành vi lừa đảo. Bộ TTTT đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai các biện pháp nhằm phòng, chống vấn nạn nêu trên.

Kiên quyết xử lý các nhà mạng vi phạm

Bộ TTTT đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm.

Từ năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xác thực hơn 125 triệu thuê bao, từ đó xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ cũng đã nêu rõ quan điểm từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ TTTT sẽ tổ chức thanh tra xử lý (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển thuê bao), đồng thời Bộ TTTT sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp.

Hiện tại, Bộ TTTT (Cục Viễn thông) đã và đang triển khai các đoàn kiểm tra về quản lý thông tin thuê bao di động tại các doanh nghiệp viễn thông di động. Qua đó, Bộ TTTT đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 2 tháng của 3 doanh nghiệp viễn thông di động là Vietnamobile, VNSKY đình chỉ từ ngày 1/7 - 31/8/2024; Mobicast đình chỉ từ ngày 6/6 - 5/8/2024. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ TTTT trong vấn đề xử lý SIM rác, SIM không chính chủ, rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của cử tri, người dân và xã hội.

Áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng cường kiểm soát

Từ tháng 10/2023, Bộ TTTT đã tiên phong triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Công an để thúc đẩy việc triển khai chính thức định danh cuộc gọi từ các số liên hệ chính thức của các đơn vị của Bộ Công an.

Bên cạnh đó, Bộ TTTT đã xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến những đối tượng và số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo. Các cơ sở dữ liệu bao gồm việc thu thập dữ liệu các website, tên miền, người dùng mạng xã hội để lừa đảo và các hành vi lừa đảo phổ biến để tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dùng mạng. Danh sách này được cập nhật liên tục để bảo đảm rằng thông tin về các đối tượng lừa đảo luôn chính xác và kịp thời, giúp cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhanh chóng các trường hợp lừa đảo mới.

Các doanh nghiệp mạng xã hội như Facebook, TikTok, cũng được Bộ TTTT yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp giám sát, rà soát, và xử lý các nội dung có dấu hiệu lừa đảo trên nền tảng của mình. Các doanh nghiệp này cũng cần đưa ra cảnh báo và hướng dẫn người sử dụng nhận biết các dấu hiệu lừa đảo, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vi phạm.

Phối hợp với các cơ quan địa phương và tổ chức doanh nghiệp nhằm triển khai các chiến dịch truyền thông, cảnh báo tới người dân về các dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng. Hoạt động này giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó giảm thiểu các rủi ro mà người dân có thể gặp phải.

Đề xuất các giải pháp ngăn chặn quảng cáo lừa đảo

Theo Bộ TTTT, đơn vị sẽ phối hợp với Bộ Công an xem xét trình Chính phủ ban hành các quy định và biện pháp mới nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có việc yêu cầu xác minh danh tính đối với người sử dụng mạng xã hội; tăng cường kiểm soát các nền tảng mạng xã hội; ngăn chặn quảng cáo lừa đảo.

Cùng với đó, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý.

Việc đầu tư vào công nghệ giám sát hiện đại cũng được chú trọng, nhằm phát hiện nhanh chóng các hành vi lừa đảo trên không gian mạng, đồng thời tăng cường đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý mạng.

Các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các hình thức lừa đảo trên mạng trong thời gian qua đã được triển khai thông qua nhiều hình thức và đã đạt được những hiệu quả nhất định. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các chiến dịch mới, từ đó giúp người sử dụng mạng xã hội nhận biết và phòng tránh lừa đảo qua mạng hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc xử lý mạnh tay đối với các nhà mạng vi phạm trong việc phát triển SIM mới, Bộ TTTT cũng quyết tâm rà soát, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM.

Để công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng hiệu quả hơn, Bộ TTTT đề nghị cử tri và người dân chủ động cung cấp, cập nhật số thuê bao di động của bản thân vào Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định chính chủ thuê bao, giúp các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc xác định các dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm