Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đưa pháp luật đi vào cuộc sống của đồng bào khu vực biên giới

Trần - Thanh

Thứ bảy, 06/11/2021 - 10:47

(Thanh tra) - Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2017-2021”, Ban Chỉ đạo Đề án của Đăk Lăk ngày 19/3/2020 đã ban hành Kế hoạch số 758/KH-BCĐĐA, về việc đưa pháp luật đi vào cuộc sống của đồng bào khu vực biên giới.

Diễu hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Ảnh: TL

Khu vực biên giới của Đăk Lăk có 47 dân tộc anh em là: Êđê, Mnông, Gia Rai, Nùng, Tày, Hmông, Thái, Mường, Dao, Xơ Đăng, Cơ Ho, Raglai… đang chung sống ở 4 xã biên giới Ia Rvê, Ea Bung, Ia Lốp của huyện Ea Súp giáp với huyện Cô Nhéc, tỉnh Munđulkiri, Vương quốc Campuchia và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn giáp với nước bạn Lào. Trong đó, xã Ea Bung tháng 4/2021 được công nhận là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk đạt chuẩn nông thôn mới.

Hơn 4 năm trở lại đây, các cấp, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã triển khai Kế hoạch số 758/KH-BCĐĐA tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2017-2021” với nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp người dân khu vực biên giới, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dễ dàng tiếp cận, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Nhằm đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào các cơ quan, trường học, các buôn làng, các khu dân cư ở các xã khu vực biên giới, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức nhiều hình thức như: Biên soạn đề cương giới thiệu các luật mới ban hành; phát hành Bản tin Tư pháp với số lượng 3.500 cuốn/số/tháng; phối hợp với Báo Đăk Lăk thực hiện chuyên mục “Giải đáp pháp luật” trên các số báo cuối tuần; biên soạn và phát hành sổ tay tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tìm hiểu các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tác hại của ma túy, mua bán người…

Đồng thời, các cơ quan chức năng của Đăk Lăk đã thực hiện tốt việc triển khai hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên khu vực biên giới thông qua nhiều hình thức gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, Công an tỉnh tổ chức “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội thông qua kết nối phần mềm Zalo cho cấp cơ sở có trên 69.500 lượt người theo dõi. Cảnh sát khu vực, công an viên phụ trách địa bàn đã lập hơn 623 nhóm Zalo thôn, buôn, tổ dân phố, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các luật sư để thực hiện tư vấn, giải đáp pháp luật cho người dân về “Tư vấn pháp luật” trên Facebook; phối hợp với Công an tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phụ nữ tại các địa phương tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy, mua bán người; hướng dẫn kỹ năng phòng, chống quấy rối, bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Năm 2020, UBND tỉnh Đăk Lăk cũng đã tổ chức 2 cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật nhằm đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Sau 6 tháng triển khai 2 cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng” và “Tìm hiểu kiến thức pháp luật lao động”, toàn tỉnh đã thu hút 5.060 lượt người đăng ký tài khoản tham gia thi với 7.884 lượt thi. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế tổ chức cấp phát 7.550 tờ rơi, tờ gấp, 200 tờ áp phích, 800 bản cam kết cho quần chúng nhân dân trên địa bàn 4 xã biên giới.

Ngày Pháp luật Việt Nam tại tỉnh Đăk Lăk, nơi có 47 dân tộc anh em sinh sống. Ảnh: TL

Không dừng lại ở tuyên truyền Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2017-2021” mà tỉnh Đăk Lăk còn triển khai nhiều đề án, chương trình khác như: Ngày Pháp luật, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”, cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”… ở khu vực biên giới và trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đăk Lăk đánh giá, qua hơn 4 năm, công tác triển khai Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhìn chung, các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hàng năm bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, sáng tạo như các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật; hội nghị phổ biến quán triệt các luật mới tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng đạo đức liêm chính, trách nhiệm nêu gương và tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, đặc biệt là khu vực biên giới nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống; giúp đồng bào vùng biên giới ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, an toàn biên giới của tỉnh.

Đặc biệt, UBND tỉnh Đăk Lăk quyết định giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam.

Với Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” của Thanh tra Chính phủ phát động hồi cuối tháng 8/2021, UBND tỉnh Đăk Lăk cũng giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì. Tính đến hết ngày 15/10/2021, toàn tỉnh có 47 cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia, với tổng số bài dự thi là 12.245 bài, trong đó, huyện Krông Pắc có số lượng bài dự thi nhiều nhất (1.725 bài), huyện Ea Kar (1.716 bài), TP Buôn Ma Thuột (1.636 bài)...

Như vậy, chỉ hơn 4 năm qua, khu vực biên giới và vùng đồng bào DTTS của tỉnh Đăk Lăk đã được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm đưa pháp luật vào tuyên truyền, phổ biến, giúp cho đồng bào DTTS khu vực biên giới nâng cao hiểu biết về pháp luật. Đồng thời, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật từng bước nâng cao nhận thức, góp phần giữ gìn an ninh, an toàn biên giới, giữ vững cuộc sống bình yên của buôn làng thân yêu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm