Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đưa “06” gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số Nậm Pồ

Diệp Chi

Thứ năm, 25/08/2022 - 10:05

(Thanh tra)- Là huyện vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, Nậm Pồ có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại đây còn gặp rất nhiều khó khăn.

Công an huyện Nậm Pồ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền về Đề án 06

Bởi vậy, Công an huyện Nậm Pồ đã và đang tập trung triển khai, đẩy mạnh các giải pháp để đưa đề án đến gần hơn với người dân vùng cao, biên giới của địa phương này…

Muôn vàn gian khó

Nậm Pồ là nơi sinh sống của 8 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là dân tộc Thái, Dao, Kinh… Địa phương này hiện có 6.780 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 62,5% dân số). Chưa hết, với địa hình đồi núi khó khăn, đến nay, 105 điểm bản của Nậm Pồ có sóng điện thoại, 13 bản có sóng yếu, còn 3 bản chưa có sóng di động. Trình độ dân trí lại không đồng đều nên việc tiếp cận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế.

Nhiều công dân chưa nắm được lợi ích và tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, vẫn có thói quen trực tiếp đến trụ sở các cơ quan để thực hiện các thủ tục hành chính. Hệ thống hạ tầng thông tin thuộc nhiều đơn vị quản lý, được đầu tư, trang cấp qua nhiều giai đoạn nên không đồng bộ; việc kiểm tra an ninh, an toàn hệ thống của các dịch vụ công ngoài lực lượng công an còn chậm, chưa chuyển sang giai đoạn kết nối, vận hành…

Mặc dù đã được Công an xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ đến tận nhà, hướng dẫn tỉ mỉ việc đăng ký tài khoản, cách đăng nhập vào cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng anh Thào A Dính, ở bản Đệ Tinh 1, xã Phìn Hồ chưa nhận được kết quả như mong muốn. Anh chưa đăng ký được tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia. Một phần vì đường truyền internet ở chỗ anh còn yếu. Hơn nữa, anh cũng chưa thông hiểu các thao tác, trình tự mới mẻ này.

“Như trước đây là tôi chưa biết, chưa hiểu cách thức đăng ký, cách thức hoạt động. Hôm nay mới được cán bộ, công an xã về hướng dẫn cách đăng ký thì tôi biết thêm một tý rồi. Nhưng vẫn còn khó dùng lắm! Hơn nữa, mạng ở đây kém quá, có lúc vào được, có lúc lại không vào được”, anh Thào A Dính chia sẻ.

Trung tá Vàng A Chính, Trưởng Công an huyện Nậm Pồ, cho biết, địa hình địa bàn của Nậm Pồ bị chia cắt rất nhiều, từ bản bản này cách bản kia là cả quãng đường dài, đường giao thông đi từ trung tâm xã đến bản không thuận lợi, nhiều bản ở khá xa. Có những bản không có điện, có những bản không có sóng điện thoại, mà đặc biệt là không có mạng internet nên phải vận động bà con đến xã làm. Hầu hết 15 xã của huyện đều có tình trạng như thế.

“Bà con ở khu vực trung tâm, vận động đến xã làm thì dễ, nhưng để vận động được các hộ dân ở các bản xa là rất khó khăn, nhất là thời tiết năm nay mưa nhiều, đường xá đi lại khó khăn… Trong khi vẫn còn một số bà con cho rằng hiện nay họ chưa có nhu cầu sử dụng dịch vụ này” - Trung tá Vàng A Chính nói.

Nỗ lực đưa “06” lên non

Xác định tầm quan trọng của đề án, với vai trò là cơ quan thường trực trong triển khai thực hiện, Công an huyện Nậm Pồ tập trung phối hợp với các cơ quan, đoàn thể làm tốt công tác tham mưu cho tổ công tác huyện triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đề án 06 đặt ra; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức để đưa đề án quan trọng này đến gần hơn với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn…

Cán bộ Công an xã Phìn Hồ hướng dẫn bà con bản Pháng Chủ, xã Phìn Hồ đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến

Với chức năng là cơ quan thường trực Đề án 06/CP của xã, lực lượng Công an xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện đề án. Trong đó, tập trung vào 5 nhóm tiện ích của đề án, bao gồm: Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xác thực, tạo lập tài khoản điện tử cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương; thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Đại úy Sùng A Sử, Trưởng Công an xã Phìn Hồ cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Đề án 06 là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Dữ liệu dân cư, mã định danh cá nhân là nền tảng triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, trong quá trình triển khai, công an xã luôn bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.

“Các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng khai báo y tế, di chuyển nội địa sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ căn cước công dân thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan Nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện. Đến nay, lực lượng công an xã đã cấp 2.356 căn cước công dân, trong đó đã tích hợp được 1.108 thông tin cá nhân vào thẻ căn cước công dân” - Đại úy Sử cho biết thêm.

Thực hiện Đề án 06, Công an huyện Nậm Pồ đã xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo. Công an huyện thành lập 2 tổ máy lưu động đến từng xã hỗ trợ lực lượng công an xã xác thực định danh điện tử cho công dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, Công an huyện thường xuyên thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung thông tin công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và tiến hành thu nhận hồ sơ căn cước công dân đối với 100% công dân đủ điều kiện và cấp định danh điện tử theo quy định.

Công an huyện Nậm Pồ giải thích về tiện ích của Đề án 06 mang lại

Qua rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ giữa dữ liệu an sinh xã hội với dữ liệu dân cư, Công an huyện đã đồng bộ, làm sạch được 58.661/58.661 nhân khẩu thường trú; 3.244/3.244 nhân khẩu tạm trú; xác lập và bổ sung, cập nhật thông tin về số định danh công dân có trên hệ thống vào các loại sổ sách quản lý cư trú đạt 100%.

Đến nay, Công an huyện Nậm Pồ đã thực hiện cấp số định danh cho hơn 14.177 trường hợp; triển khai 8 dịch vụ công của Bộ Công an trên môi trường điện tử; tiếp nhận hơn 1.362 hồ sơ trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Để người dân nắm chắc, hiểu sâu về lợi ích, ý nghĩa của Đề án 06/CP, trong thời gian tới, Công an huyện Nậm Pồ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Từ đó tạo sự đồng thuận, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số, nhất là tạo lập danh tính điện tử, cài đặt, sử dụng, thực hiện các dịch vụ công trên ứng dụng VNEID (dịch vụ lưu trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử...), tiếp cận được dịch vụ công trực tuyến (nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm