Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam:

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật về thanh tra trong tình hình mới

Thái Hải

Thứ tư, 06/11/2024 - 08:00

(Thanh tra) - Trong thời gian qua, việc triển khai xây dựng các văn bản, nghị định của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và ngành Thanh tra được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, giúp ngành Thanh tra có cơ sở pháp lý vững chắc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh đã có chia sẻ với Báo Thanh tra về những kết quả công tác xây dựng pháp chế của ngành Thanh tra trong thời gian qua.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh. Ảnh: TH

Nâng cao nhận thức cho cán bộ, sự hiểu biết của người dân về pháp luật

- Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam đối với công tác pháp chế của TTCP?

+ Ông Trần Đăng Vinh: Nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nhân, Điều 8, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013 quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt Nam).

Để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, hằng năm, Vụ Pháp chế đều tham mưu Tổng Thanh tra ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam với các nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý Nhà nước và đời sống xã hội, trong đó, có vai trò của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân (TCD), khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc TCD, giải quyết kịp thời các vụ việc KNTC, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TTCP và ngành Thanh tra phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm bảo vệ pháp luật nói chung và pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN, tiêu cực nói riêng.

Thứ ba, đưa ra những định hướng trong công tác xây dựng pháp luật và tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN, tiêu cực, gắn với các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của TTCP và cơ quan thanh tra.

Thứ tư, biểu dương, động viên các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng thể chế, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN, tiêu cực. Đồng thời, tri ân đối với các thế hệ lãnh đạo đã dày công vun đắp, đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ công chức làm công tác pháp chế hiện nay của TTCP cũng như đã để lại những sản phẩm quý giá đó là những văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng, ban hành, tạo thành nền tảng vững chắc để Vụ Pháp chế có điều kiện tiếp thu, kế thừa, phát triển.

-PV: Trong thời gian qua, Vụ Pháp chế đã có những hoạt động nào để nâng cao nhận thức về pháp luật trong cán bộ, công chức và Nhân dân?

+ Ông Trần Đăng Vinh: Để nâng cao nhận thức pháp luật trong cán bộ và Nhân dân, hàng năm Vụ Pháp chế đã tham mưu Tổng Thanh tra ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN, tiêu cực nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức và hiểu biết của người dân trên các lĩnh vực này.

Chẳng hạn như trong năm 2024, TTCP tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tuyên truyền Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN đến đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân; tiếp tục thực hiện việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Vụ Pháp chế đã cử công chức tập huấn pháp luật về thanh tra, KNTC, PCTN, tiêu cực theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương; tham mưu văn bản hướng dẫn, trả lời các vấn đề liên quan đến pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN theo đề nghị của các bộ ngành, địa phương.

Điểm nổi bật là Vụ Pháp chế đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho công chức của TTCP và thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ về công tác xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; công tác chuyển giao vụ việc có dấu hiệu tội phạm và kiến nghị khởi tố được phát hiện qua hoạt động thanh tra đến các cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Năm nay, để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Vụ Pháp chế đã tham mưu TTCP ban hành kế hoạch với nhiều hoạt động cụ thể, trọng tâm là sinh hoạt chuyên đề “Đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN”. Vụ Pháp chế sẽ quán triệt theo nội dung hướng dẫn của Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, thực hiện đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đó là vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Tham mưu ban hành hàng loạt quy định, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động ngành

- PV: Ông có thể nói rõ về những kết quả nổi bật mà Vụ Pháp chế đã đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến thanh tra?

+ Ông Trần Đăng Vinh: Hàng năm, Vụ Pháp chế tham mưu Tổng Thanh tra ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng thể chế nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, TCD, KNTC, PCTN, tiêu cực.

Trong năm 2024, Vụ Pháp chế đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Tổng Thanh tra xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1182/QĐ-TTg ngày 14/10/2024 bãi bỏ Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 06/2024/TT-TTCP về hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo; Thông tư số 07/2024/TT-TTCP về hướng dẫn thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN; hoàn thành, trình Tổng Thanh tra dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị thuộc TTCP xây dựng, thẩm định, trình Tổng Thanh tra ban hành Thông tư số 01/2024/TT-TTCP về chế độ báo cáo công tác thanh tra, TCD, KNTC và PCTN, tiêu cực; Thông tư số 02/2024/TT-TTCP quy định xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”; Thông tư số 03/2024/TT-TTCP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Thanh tra; Thông tư số 04/2024/TT-TTCP về xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra và ban hành kế hoạch thanh tra; Thông tư số 05/2024/TT-TTCP quy định mẫu Thẻ Thanh tra và việc cấp, quản lý, sử dụng Thẻ Thanh tra; các quyết định ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP.

Hiện nay, Vụ Pháp chế đang chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, KNTC, PCTN; Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; đồng thời, phối hợp với các đơn vị xây dựng Thông tư quy định về quy trình TCD; Thông tư quy định về quy trình xử lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh; Thông tư về trang phục ngành Thanh tra…

Xây dựng thể chế phải bảo đảm đúng trình tự, tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách

- PV: Xin ông cho biết những định hướng và mục tiêu của Vụ Pháp chế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng pháp luật?

+Ông Trần Đăng Vinh: Trong thời gian tới, Vụ Pháp chế tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời, tạo sự đoàn kết trong Vụ, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trước hết, quán triệt, nghiên cứu thực hiện việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN nói riêng. Theo đó, việc xây dựng các văn bản pháp luật cần phải bảo đảm đúng trình tự thủ tục, phù hợp với thực tiễn, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn, giảm bớt thủ tục phiều hà, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là doanh nghiệp và người dân để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  

Thứ hai, triển khai kế hoạch xây dựng thể chế của TTCP, trước mắt, tập trung tham mưu ban hành các văn bản pháp luật đã và đang soạn thảo; tiến hành rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa quy định của pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN nhằm tạo sự đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trên các lĩnh vực này.

Thứ ba, tập trung thực hiện kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường tổng kết thực tiễn để hoàn thiện pháp luật; trước mắt, tập trung hoàn thành nhiệm vụ sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN; tổng kết 10 năm thực hiện Luật TCD để đánh giá những ưu điểm, kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, vướng mắc để đề xuất các giải pháp hoàn thiện, tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản Luật này trong thời gian tới.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra, TCD, giải quyết KNTC, PCTN; thực hiện việc thẩm định, góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh tra, TCD, giải quyết KNTC, PCTN khi có yêu cầu. Thời gian tới, Vụ Pháp chế tham mưu việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ về thanh tra cho đội ngũ công chức của TTCP; phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức hội nghị quốc tế về thu hồi tài sản.

Thứ năm, tiếp tục kiện toàn, củng cố nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ công chức pháp chế; tuân thủ pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo TTCP và các cơ quan cấp trên; chủ động phối hợp với các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP, thanh tra các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra, TCD, giải quyết KNTC, PCTN một cách đồng bộ, hiệu quả.

Việc thực hiện tốt những nhiệm vụ nói trên sẽ góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của TTCP và ngành Thanh tra, từ đó góp phần vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

-PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

(Thanh tra) - Đó là phát biểu của Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Học viên Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, khi bàn về Luật Giáo dục, nhân ngày 20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trà Vân

16:21 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm