Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai

Chí Cường

Thứ năm, 11/04/2024 - 21:19

(Thanh tra) - Sáng 11/4, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai theo chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: C.C

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh cho biết, Đồng Nai có diện tích rộng, dân số đông thứ hai Đông Nam bộ (xếp sau Thành phố Hồ Chí Minh), có nhiều tuyến quốc lộ (QL) huyết mạch đi qua như: QL1, QL51, QL20, QL56 và là địa phương nắm vai trò quan trọng về phát triển kinh tế của khu vực phía Nam. Do đó, nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa trên tuyến đường bộ rất lớn.

Khung cảnh buổi làm việc ngày 11/4. Ảnh: C.C

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính trị - xã hội tích cực trong việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Từ năm 2009 đến hết năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông về tổng thể trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy cơ bản vẫn được duy trì ổn định; trật tự an toàn giao thông giảm dần theo từng năm, đặc biệt là số người chết.

Trong buổi làm việc, Đoàn Giám sát đánh giá cao các giải pháp ban đầu được thực hiện để xử lý các điểm đen tai nạn giao thông ở Đồng Nai. Đặc biệt, việc bố trí camera giám sát tại các mỏ đá và bến cảng đã được nhận xét là điểm sáng trong việc đảm bảo an toàn giao thông, cần tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng.

Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn cao, mặc dù số vụ tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và nhiều điểm đen chưa được xử lý một cách triệt để.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông do 5 yếu tố, đó là xuất hiện bất cập trong thực thi một số nghị định, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông; hạn chế từ hạ tầng giao thông; bất cập khi tổ chức giao thông; ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông; việc xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông. Nếu xử lý tốt 5 vấn đề nêu trên có thể góp phần đảm bảo an toàn giao thông tại Đồng Nai.

Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Đoàn Giám sát của Quốc hội về Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần bổ sung cụ thể về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đảm bảo bộ máy hoạt động từ Trung ương đến địa phương được đồng bộ và hiệu quả.

Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế đặc thù để tăng số lượng biên chế cho các địa phương có tình hình giao thông phức tạp, nhằm đảm bảo thực hiện tốt và đầy đủ các công việc hiện tại cũng như trong tương lai gần. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cần quan tâm và kiến nghị các chế độ và chính sách để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông tại cơ sở.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường phát biểu. Ảnh: C.C

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới, ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Đồng Nai trong việc thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến 2023. Các phát biểu giải trình từ UBND tỉnh và các đại diện của các sở, ban, ngành địa phương đã cung cấp thông tin chi tiết và theo dõi các vấn đề mà Đoàn Giám sát quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, để cải thiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cần tập trung vào việc rà soát các văn bản thực hiện để đưa ra những kiến nghị phù hợp với điều kiện địa lý, văn hóa của địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng vào việc phân tích số liệu và nguyên nhân của các vụ tai nạn để đề xuất các giải pháp phù hợp và hiệu quả. Thêm nữa, cần tập trung vào việc tăng cường phối hợp giữa các lực lượng và ngành chức năng trong công tác quản lý về trật tự an toàn giao thông, cũng như quan tâm đến việc tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: C.C

Đối với những kiến nghị và đề xuất của Đồng Nai sẽ được tổng hợp, nghiên cứu và đánh giá tính khả thi để báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Điều này sẽ đảm bảo rằng các chính sách và pháp luật về trật tự an toàn giao thông được thúc đẩy hiệu quả và áp dụng vào thực tiễn đời sống.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm